Tàu vét cá đại dương Trung Quốc hoành hành ở Peru

Tàu đánh cá trái phép Trung Quốc lại được phát hiện rời Ecuador để hoạt động mạnh mẽ ở Peru.

Peru là quốc gia tiếp sau Ecuador và Pakistan bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc ủng hộ cho đội tàu đánh cá biển sâu xa bờ, càn quét tài nguyên sinh thái.

Một tàu hải quân Ecuador trước một tàu đánh cá sau khi họ phát hiện một đội tàu chủ yếu mang cờ Trung Quốc hoạt động ở Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters

Giới chức hàng hải địa phương tại Peru mới đây thông tin, một đội tàu đánh cá Trung Quốc sau khi đánh bắt mực khổng lồ tại Quần đảo Galapagos (Ecuador) thì tuần này đã bị lực lượng hải quân Peru phát hiện hoạt động cách bờ biển nước này khoảng 370 km.

Chỉ huy lực lượng cảnh sát biển - Chuẩn Đô đốc Jorge Portocarrero cho hay máy bay theo dõi và một tàu tuần tra của Peru đã phát hiện và định vị đội tàu đánh bắt cá Trung Quốc trong khoảng thời gian 20-23/9.

“Bọn họ không tập trung một chỗ, họ hoạt động rải rác. Tuy nhiên, chúng tôi không có bằng chứng cho thấy họ đã xâm phạm lãnh hải của quốc gia”, vị quan chức nói thêm ước tính có khoảng 250-270 tàu.

Bộ trưởng Quốc phòng Jorge Chávez phát biểu trước phóng viên ngày 25/9, nhấn mạnh: “Hải quân đã thực hiện các chuyến bay giám sát để đảm bảo không có tàu nào xâm phạm vùng biển Peru.”

Theo các hiệp hội đánh bắt cá địa phương, hành động đánh bắt mực khổng lồ quá mức đã tổn thương tới ngành ngư nghiệp nước này do mực chiếm 43% lượng hải sản xuất khẩu của Peru.

“Chuyện mà ai cũng biết là mỗi năm, các tàu lớn nhỏ từ Trung Quốc… hoạt động bên ngoài rìa vùng biển Peru để khai thác nguồn tài nguyên này. Hành động đó có thể tác động tiêu cực tới hệ sinh thái của Peru”, Cayetana Aljovín – Chủ tịch Hiệp hội Đánh bắt Quốc gia Peru – trả lời ngày 25/9.

Chuẩn Đô đốc Portocarrero cho biết từ lâu đội tàu đánh bắt cá Trung Quốc đã hiện diện tại Thái Bình Dường, hoạt động trải dài từ phía Bắc Chile, ngoài khơi Peru, tới gần quần đảo Galapagos, tùy thuộc vào mật độ sinh sống và hành trình di cư của loài mực. Năm 2004, ba tàu đánh bắt cá có cờ Trung Quốc đã bị bắt giữ trong lãnh hải Peru sau khi bị một tàu ngầm hải quân và trực thăng phát hiện.

Theo báo cáo tháng 8 của Tổ chức Bảo tồn Hàng hải Oceana, chỉ trong vòng 1 tháng, đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc đã hoạt động ngoài khơi quần đảo Galápagos tổng cộng 73.000 giờ đồng hồ, thu được hàng nghìn tấn mực và cá.

Trung Quốc đứng đầu bảng các quốc gia có chỉ số đánh bắt IUU (Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) tệ nhất vào năm 2019. Đội tàu cá của họ - với số lượng được cho là lớn nhất thế giới - thường xuyên liên quan đến các hành vi đánh bắt quá mức, nhắm vào các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng, đe dọa chủ quyền các nước ven biển, không có giấy phép và bóc lột cưỡng bức người lao động.

Trước thông tin này, phía Mỹ đã có động thái lên án hành động của các tàu cá Trung Quốc.

Đại sứ quán Mỹ tại Lima cho biết các tàu Trung Quốc có lịch sử né tránh việc bị theo dõi và dường như gây ô nhiễm biển bằng các chất thải nhựa.

“Việc đánh bắt cá quá mức có thể gây thiệt hại lớn tới kinh tế và hệ sinh thái. Peru không thể chịu được trước sự mất mát lớn đến vậy” - tài khoản Twitter của Đại sứ quán Mỹ viết.

Đáp trả lại, Đại sứ quán Trung Quốc khuyến cáo “dư luận Peru không nên tin vào những thông tin sai sự thật và quốc gia này ghi nhận sự quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển”.

Giữa lúc tranh cãi, Peru đã bày tỏ mong muốn giảm khả năng leo thang căng thẳng. Do đều là “bạn và đối tác” của cả hai nước Mỹ và Trung Quốc, Peru mong muốn căng thẳng không leo thang. Thứ trưởng Ngoại giao Peru Talavera cho biết quốc gia này kêu gọi hai bên giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại, hợp tác và sự thấu hiểu chung.

Chính quyền Trung Quốc cổ vũ cho hoạt động đánh bắt xa bờ, càn quét tài nguyên

Việc quốc tế tăng cường giám sát hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc, khi Côn Minh chuẩn bị đăng cai tổ chức hội nghị đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15) vào tháng 5/2021, được kỳ vọng có thể nâng cao khả năng giám sát của Bắc Kinh đối với hoạt động đánh bắt xa bờ của đội tàu cá nước này. Năm 2017, lực lượng bảo vệ bờ biển của Ecuador đã bắt giữ một tàu Trung Quốc chứa một lượng lớn thịt cá mập, bao gồm cả loài mập đầu búa có nguy cơ tuyệt chủng.

Trung Quốc củng cố đội tàu đánh cá lớn, mang sứ mệnh 'nạo vét" đại dương. Ảnh: Khu vực nhóm tàu treo phần lớn cờ Trung Quốc hoạt động đánh bắt ở châu Mỹ. Đồ họa: The Guardian

Không có quan sát viên trên tàu để giám sát quy mô đánh bắt và sự tồn tại của sản phẩm đánh bắt phụ, việc truy xuất nguồn gốc các loại hải sản của hoạt động đánh bắt xa bờ gặp khó khăn.

Milko Schvartzman, một nhà bảo tồn biển chuyên theo dõi các đội tàu cho biết: “Đánh bắt xa bờ giống như miền Tây hoang dã của ngành đánh cá. Không ai biết số lượng hải sản bị đánh bắt là bao nhiêu, thông tin duy nhất có được chính là từ các thuyền trưởng và các tàu tham gia những hoạt động bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát này".

Theo ông Schvartzman, Trung Quốc hiếm khi trừng phạt tàu thuyền và các chính sách của họ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển nhanh chóng của đội tàu.

Theo chiến lược "Đi ra ngoài” của Trung Quốc, được thông qua vào đầu thiên niên kỷ nhằm khuyến khích thiết lập và phát triển các thị trường nước ngoài mới và các tuyến cung cấp tài nguyên thiên nhiên, đánh bắt cá được xác định là một ngành chiến lược. Chính sách trợ cấp nhiên liệu cho các đội tàu đánh bắt xa bờ cũng như các tàu lớn hơn được Trung Quốc đưa ra để xây dựng Trung Quốc trở thành một quốc gia mạnh về hàng hải.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tau-vet-ca-dai-duong-trung-quoc-hoanh-hanh-o-peru-3419699/