Tàu, xe dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9: Đường sắt, hàng không kín chỗ

Lễ Quốc khánh năm nay trùng với kỳ nghỉ cuối tuần, người dân được nghỉ 4 ngày (bắt đầu từ ngày 1 đến hết ngày 4-9) nên nhu cầu đi lại tham quan, nghỉ dưỡng, thăm thân dự báo sẽ tăng cao. Trước tình hình đó, các đơn vị vận tải đều chủ động xây dựng phương án tăng chuyến, tăng chỗ. Tuy nhiên, khi chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ, nếu như đường bộ không lo thiếu phương tiện thì đường sắt, đường không, nguồn vé bắt đầu khan hiếm...

Hành khách làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Hành khách làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Khách qua Bến xe Hà Nội sẽ tăng khoảng 300%

Theo nhận định của Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, lượng khách trong thời gian nghỉ lễ Quốc khánh năm nay sẽ tăng mạnh, tại một số thời gian cao điểm sẽ tăng đột biến về luồng hành khách đi vào chiều ngày 31-8 và ngày 1-9, khách về vào ngày 4-9. Riêng ngày 2 và 3-9, lượng khách đi lại cũng như số xe sẽ giảm trên cả hai chiều.

Cụ thể, tại Bến xe Giáp Bát, lượng khách bình quân trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng khoảng 250% và ước đạt 11.000 lượt khách/ngày. Trong ngày cao điểm sẽ tăng khoảng 300% so với ngày thường. Tại Bến xe Mỹ Đình, lượng khách bình quân trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng khoảng 250% và ước đạt 10.000 lượt khách/ngày. Trong ngày cao điểm sẽ tăng 300% so với ngày thường và ước đạt 15.000 lượt khách/ngày. Tại Bến xe Gia Lâm, khách bình quân trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng khoảng 200% và ước đạt 5.000 lượt khách/ngày. Trong ngày cao điểm sẽ tăng 300% so với ngày thường và ước đạt 7.500 lượt khách/ngày.

“Để bảo đảm chủ động, thuận tiện cho việc giải tỏa hành khách, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cấp 200 phù hiệu xe tăng cường; chuẩn bị 580 lượt xe tăng cường. Trong đó, Bến xe Giáp Bát tăng cường 215 lượt xe; Bến xe Gia Lâm 62 lượt xe và Bến xe Mỹ Đình 303 lượt xe”, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Phạm Mạnh Hùng thông tin.

Lãnh đạo các bến xe lớn của Thủ đô đều khẳng định đã sẵn sàng các phương án phục vụ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách. “Dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay dự báo lượng khách tăng khá cao so với ngày thường, một số thời điểm có thể xuất hiện hiện tượng ùn tắc. Tuy nhiên, hiện hệ số khai thác phương tiện của bến còn thấp nên hành khách sẽ không lo thiếu xe”, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Lý Trường Sơn nhận định.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long thông tin, để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, ngoài yêu cầu đơn vị vận tải bảo đảm đủ phương tiện, niêm yết giá cước theo quy định, không tùy tiện tăng giá cước, phụ thu giá cước khi chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, Sở đã giao các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý vi phạm dịch vụ vận tải, đôn đốc các đơn vị vận tải tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội kiểm soát chặt các phương tiện trước khi xuất bến tại Bến xe Mỹ Đình nhằm bảo đảm an toàn. Ảnh: Ninh Giang

Đường sắt, đường không khan vé

Trong dịp này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tổ chức chạy thêm nhiều chuyến tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Ngoài các tàu thường xuyên, ngành Đường sắt còn chạy thêm tàu trên các chặng ngắn có nhu cầu đi lại cao, như Hà Nội - Vinh/Đồng Hới/Hải Phòng/Lào Cai... khu vực phía Bắc; thành phố Hồ Chí Minh - Quy Nhơn/Nha Trang/Phan Thiết... khu vực phía Nam. Giá vé tàu tăng nhẹ so với ngày thường, tương đương bằng giá vé tàu dịp cao điểm hè tháng 7-2022.

Dù đã tăng chuyến song trước nhu cầu đi lại tăng cao, một số chuyến tàu đã không còn nhiều vé. Ví dụ như tuyến Hà Nội - Vinh đi ngày 1-9 về ngày 4-9, tàu SE1 chỉ còn 159 chỗ; tàu SE11 còn 333 chỗ; tàu SE3 còn 221 chỗ... Cũng vào ngày này, tuyến Hà Nội - Đồng Hới hầu hết đã kín chỗ; tuyến Hà Nội - Lào Cai cũng đã gần kín chỗ. Trong đó, tàu SP1 chỉ còn 153 chỗ; tàu SP3 chỉ còn 49 chỗ...

Với hàng không, các hãng cũng thông báo tăng chuyến trên các đường bay trọng điểm. Trong đó, Vietnam Airlines cung ứng hơn 400.000 chỗ trên các đường bay nội địa do hãng khai thác trong giai đoạn từ ngày 1 đến 4-9, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Bamboo Airways cũng cho biết đã lên phương án tăng tải trên các đường bay trục như Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh/Đà Nẵng/Nha Trang; thành phố Hồ Chí Minh - Hải Phòng/Đà Nẵng… và đường bay kết nối đến các điểm du lịch nổi tiếng, như: Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Đà Nẵng...

Khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới trong ngày 22-8 cho thấy, nhiều đường bay hiện đang có mức giá khá cao song cũng không còn nhiều vé. Ví dụ, như đường bay Hà Nội - Đà Nẵng của Vietnam Airlines khởi hành ngày 1-9 có mức giá thấp nhất 2.087.000 đồng/vé; của Pacific Airlines giá 1.498.000 đồng/vé. Chặng về vào ngày 4-9 cũng có mức giá tương tự. Cũng đường bay và ngày bay này, Bamboo Airways có giá thấp nhất 3.342.000 đồng/vé khứ hồi (vé bay sáng sớm hoặc bay đêm). Nếu bay vào các khung giờ thuận tiện thì giá sẽ đắt hơn khoảng 30-40%. Trong khi đó, Vietjet Air có giá hơn 4 triệu đồng/vé khứ hồi.

Với đường bay Hà Nội - Phú Quốc, Vietnam Airlines có giá khoảng 5 triệu đồng/vé khứ hồi; Bamboo Airways có giá khoảng 4 triệu đồng/vé khứ hồi nhưng số lượng vé có mức giá này còn rất ít. Vietjet Air thấp nhất có giá hơn 4 triệu đồng/vé khứ hồi trong khi nhiều chuyến bay của hãng trên đường bay này đã thông báo hết vé...

“Dù giá đắt nhưng tôi vẫn quyết tâm mua vé để cả nhà đi du lịch Phú Quốc, sau đó các con bắt đầu vào năm học mới. Hơn nữa, mấy năm qua dịch Covid-19 đi lại hạn chế nên đợt này đi bù”, chị Nguyễn Thị Thanh (ngõ 467 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) cho biết.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1040179/tau-xe-dip-nghi-le-quoc-khanh-2-9-duong-sat-hang-khong-kin-cho