Taxi Hà Nội sẽ hoạt động theo vùng

TP Hà Nội sắp ban hành quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi với hàng loạt quy định mới, chưa từng có.

Ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội

Ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội

Báo Giao thông trao đổi với ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội liên quan đến vấn đề này...

Có riêng một trung tâm quản lý taxi

Mục đích Hà Nội khi xây dựng quy chế quản lý taxi là gì? Phải chăng loại hình vận tải này đang bộc lộ nhiều bất cập, thưa ông?

Mô hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi xuất hiện tại Hà Nội từ năm 1993. Đến nay, số lượng taxi trên địa bàn lên tới trên 19.200 xe của 73 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX).

Tuy nhiên, loại hình vận tải này cũng đang bộc lộ không ít bất cập. Đầu tiên, chất lượng cung ứng dịch vụ thấp. Quản trị DN còn hạn chế, dẫn tới tỷ lệ xe chạy rỗng lớn, xảy ra tình trạng tranh giành khách trong quá trình vận hành. Thứ hai, giá dịch vụ cao so với chất lượng và ít thay đổi trước biến động của thị trường. Thứ ba và cũng là yếu tố quan trọng nhất, đó là taxi chưa tạo được hình ảnh văn minh, văn hóa trong nếp sống, thói quen đi lại của người dân Thủ đô. Do đó, việc xây dựng quy chế quản lý taxi là yêu cầu cấp thiết.

Hà Nội hướng đến mục tiêu gì khi xây dựng Bộ quy chế quản lý taxi này?

Bộ quy chế quản lý taxi chúng tôi đang đưa ra lấy ý kiến hướng đến 3 mục tiêu chính gồm: Tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh; Nâng cao chất lượng dịch vụ taxi; Tạo thói quen đi lại nền nếp, văn minh cho người dân Thủ đô.

Nếu không đưa được khoa học công nghệ hiện đại vào quản lý, vận hành, taxi Hà Nội sẽ không thể bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại và gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai. Bộ quy chế mới quản lý taxi hướng đến 4 đối tượng chính là phương tiện, người lái, DN kinh doanh taxi và hành khách. Để thực hiện được việc đó, Sở GTVT Hà Nội đề xuất thành lập trung tâm quản lý chung cho tất cả các hãng taxi tại Hà Nội, sử dụng phần mềm công nghệ để thông tin đến hành khách những chi tiết như: Chủng loại xe, tên hãng, giá cước dịch vụ, xe ở gần hành khách nhất…

Như vậy hành khách sẽ chủ động được chuyến đi của mình, taxi cũng hạn chế tối đa chạy rỗng. Hơn nữa, dữ liệu quản lý chi tiết đến từng chuyến đi sẽ giúp trung tâm quản lý, điều hành giao thông đô thị chủ động trong việc điều tiết, hạn chế ùn tắc giao thông.

Taxi sẽ được phân vùng hoạt động

Thời gian qua, chúng tôi tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, đơn vị, DN và nhân dân Thủ đô và kết thúc ngày 22/9. Theo kế hoạch, quy chế sẽ được thành phố ban hành ngay trong năm 2019.
Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà

Một điểm mới khác trong dự thảo quy chế là Hà Nội sẽ tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi theo vùng. Tuy nhiên, dư luận cho rằng quy định này sẽ “ngăn sông cấm chợ”, ông giải thích sao về điều này?

Mục tiêu chính của việc phân vùng hoạt động là để cơ quan quản lý điều tiết lại sự phát triển của taxi. Trong hơn 19.000 taxi trên địa bàn hiện nay, chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành, trong khi ngoại thành rất rộng lớn, nhu cầu đi lại có nhưng nhiều huyện còn “trắng” taxi. Do vậy, cùng với điều tiết lại hoạt động, việc phân vùng sẽ giúp cơ quan quản lý có thể tạm dừng tăng xe mới trong nội thành nhưng ngoại thành vẫn cho phát triển để có sự cân bằng.

Quy chế đề ra 2 vùng. Vùng 1 gồm địa giới hành chính tại các quận; vùng 2 tại các huyện, thị xã. Sở GTVT Hà Nội sẽ căn cứ vào phương án đăng ký của đơn vị để điều tiết số lượng xe taxi hoạt động theo từng quận, huyện, thị xã nhằm bảo đảm không quá nhiều xe taxi tập trung hoạt động tại một vùng, gây khó khăn cho công tác tổ chức giao thông và bảo đảm trật tự ATGT.

Căn cứ vào đăng ký vùng hoạt động của các đơn vị vận tải (đăng ký biển số xe, chủng loại xe…), phương tiện sẽ được cập nhật vào dữ liệu phần mềm quản lý điều hành chung của thành phố để theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định. Việc đăng ký hoạt động theo vùng cũng giúp đơn vị vận tải có quyền ưu tiên sử dụng các điểm dừng, đỗ xe taxi công cộng do thành phố bố trí. Kết hợp việc cắm biển điểm dừng đỗ với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng sẽ hạn chế được hoạt động của taxi “dù”...

Hà Nội sẽ căn cứ vào phương án đăng ký của đơn vị để điều tiết số lượng xe taxi hoạt động theo từng quận, huyện, thị xã (Chụp tại BV Nhi Trung ương chiều 22/9). Ảnh: Tạ Tôn

Thời gian qua khi lấy ý kiến, quy định màu chung cho taxi nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Vậy, tới đây Hà Nội có tiếp tục triển khai, thưa ông?

Trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã tổng hợp ý kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân và đã được Hiệp hội Taxi Hà Nội đồng tình ủng hộ đưa ra 5 màu sơn cơ bản gồm: Vàng, đỏ, trắng, xanh, ghi.

Đây là 5 màu chủ đạo đang được các hãng taxi trên địa bàn thành phố sử dụng. Quá trình áp dụng màu sơn chung sẽ có lộ trình cụ thể để không gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp. Lộ trình đưa ra đến năm 2026 mới phải thực hiện đồng bộ việc này, còn từ năm 2019 đến thời gian trên, DN nếu thay xe thì mới phải sơn theo màu quy định. Niên hạn taxi hoạt động tại Hà Nội khoảng 8 năm, do đó nếu tính từ thời điểm này, trường hợp DN vừa thay cả một loạt xe thì 7 năm sau họ mới đặt lô phương tiện mới. Lúc đó, DN yêu cầu nhà sản xuất sơn theo màu quy định cũng là phù hợp.

Cảm ơn ông!

Lê Tươi (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/taxi-ha-noi-se-hoat-dong-theo-vung-d435684.html