Tây Ban Nha: 'Đất lành' của các ông trùm mafia

Sẽ thật không ngoa khi nói rằng Tây Ban Nha hiện là một trong những trung tâm tội phạm lớn của Châu Âu. Nhiều 'tay chơi' lớn mang tầm quốc tế đang điều khiển 'đế chế toàn cầu' của chúng ngay tại đất nước Tây Ban Nha.

Cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol) mới đây đã thực hiện một cuộc điều tra tình hình tội phạm có tổ chức tại Tây Ban Nha. Và họ đã có một câu kết luận như sau trong bản báo cáo tuy ngắn nhưng không khỏi làm nhiều người ngạc nhiên: "Tây Ban Nha hiện là điểm đến hàng đầu của các ông trùm tội phạm sau khi đã "rửa tay gác kiếm!".

Cảnh sát Tây Ban Nha bên cạnh 30 tấn cần sa thu giữ được trong khoang một tàu buôn lậu

Cảnh sát Tây Ban Nha bên cạnh 30 tấn cần sa thu giữ được trong khoang một tàu buôn lậu

Trong bóng tối

Ngôi nhà số 4 phố Manuel Silvela - thủ đô Madrid - nằm nép dưới bóng một loạt các tòa nhà chọc trời. Ngôi nhà năm tầng khiêm tốn này lại là trụ sở của Đội Chống tham nhũng và Tội phạm có tổ chức (gọi tắt là Fiscalia) trực thuộc Bộ Tư pháp Tây Ban Nha. Hàng chục con người làm việc ngày đêm không ngơi nghỉ, nhiều khi còn ở lại hẳn trong tòa nhà. Họ phải vắt kiệt sức mình mới có thể đối đầu với cục "ung thư" mang tên mafia nay đã di căn khắp đất nước.

Ông Jose Grinda Gonzales, Giám đốc Fiscalia, giải thích: "Các băng đảng mafia có vai vế ở Ý đều hoạt động ở Tây Ban Nha. 'Ndrangheta hoạt động tại Girona, Madrid, Murcia và Catalonia. Camorra hoạt động tại Barcelona và Tarragona. Nhưng chúng cũng có tay chân ở Valencia và Tenerife. Camorra và Cosa Nostra từ lâu đã ngầm tranh giành thành phố Ibiza làm địa bàn của riêng mình. Malaga là địa phương có nhiều nhóm mafia Ý cùng hoạt động nhất".

Tây Ban Nha chiếm một vị trí chiến lược trong mạng lưới ma túy toàn cầu. Cocaine từ Nam Mỹ sẽ được tàu thủy chở đến Tây Ban Nha, sau đó được dỡ xuống và chở qua biên giới tới Ý, Hà Lan, Pháp, Bỉ và Đức. Cũng dễ hiểu khi mafia Ý hiện diện đáng kể ở Tây Ban Nha. Tuy vậy, nhiều nhà quan sát vẫn đặt câu hỏi: "Tại sao khi cả hai nước láng giềng Ý và Hy Lạp đều có khung hình phạt nhẹ hơn, trong khi lực lượng tuần tra duyên hải của họ lại không bằng Tây Ban Nha?".

Ít ai ngờ rằng nhà hàng nhỏ ở Madrid này lại thuộc về một ông trùm mafia khét tiếng

Ông Jose Grinda Gonzales giải thích: "Đúng là chở ma túy đến Ý và Hy Lạp có phần an toàn hơn, nhưng ở Tây Ban Nha, bọn mafia có nhiều sự lựa chọn hơn cho hoạt động rửa tiền". Ngoại trừ đợt đại dịch COVID-19 kéo dài từ năm ngoái đến nay, kinh tế Tây Ban Nha đã liên tục tăng trưởng ổn định trong vòng hai thập niên trở lại đây. Ba lĩnh vực thúc đẩy nền kinh tế là bất động sản, du lịch, và tài chính. Đây cũng là những ngành nghề tạo điều kiện cho tội phạm dễ dàng rửa tiền. Mafia sử dụng số tiền thu được từ buôn lậu để đầu tư vào bất động sản và du lịch để tránh sự truy đuổi của cảnh sát.

Trong trường hợp "gia đình" Polverino, một trong những thế lực nắm quyền lãnh đạo băng Cammorra, đã chi ra 145 triệu USD để xây dựng 25 căn biệt thự nhìn ra biển tại thành phố Tarragona. Phải đến khi những ngôi nhà sắp hoàn thành thì cảnh sát mới phát hiện ra cả bên chủ thầu xây dựng lẫn nhà đầu tư đều là công ty bình phong của Cammorra. Thị trường bất động sản tại Tarragona đến nay vẫn chưa hết "cơn sốc" từ vụ việc trên.

Phát hiện một công ty do mafia lập ra và điều hành tại Tây Ban Nha không dễ. Các doanh nghiệp làm bình phong cho tội phạm có khi còn tuân thủ luật pháp và đối đãi với người lao động tốt hơn những công ty làm ăn chân chính. Nếu như ở những nơi như Mỹ và Ý, khi mafia tham gia kinh doanh, chúng sẵn sàng sử dụng vũ lực để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Mafia ở Tây Ban Nha lại khác. Mọi bất đồng đều được đưa lên bàn đàm phán, kể cả những mối thù từng dẫn đến đổ máu.

Theo lời một tên mafia Ý nay là "tay trong" của cảnh sát: "Các ông trùm tuyển chọn người rất kỹ trước khi cử sang Tây Ban Nha. Họ chỉ chọn những tay chân có cái đầu thật "lạnh". Chỉ cần một người lỡ mồm lỡ miệng một chút thôi cũng có thể khiến "đường sống" của cả băng đảng bị đứt. Nhiều khi các ông trùm không tin tưởng ai đến mức chính họ phải đích thân sang Tây Ban Nha để làm quản lý".

Những đôi cánh già

Ở ngay góc ngã tư gần nơi đặt ngôi nhà số 4 phố Manuel Silvela là một cửa hàng pizza tên Todo el Peppino. Nhà hàng được cặp vợ chồng già gốc Ý Salvatore và Raffaele mở ra vào năm 2005. Chín năm sau, Salvatore bất ngờ biến mất. Theo lời Raffaele, chồng bà ta mất tích trong khi một mình đi bộ xuyên rừng. Sự thật mà Fiscalia sau đó khám phá ra trái ngược hoàn toàn với tuyên bố của người vợ: Salvatore bị giết trong một khu ổ chuột tại Rio de Janeiro. Người giết ông ta là cận vệ của Antônio Francisco Bonfim Lopes, trùm ma túy lớn nhất Brazil.

Những biệt thự và du thuyền triệu Đô nối tiếp nhau bên bờ biển tại Marbella

Thời còn trẻ Salvatore là một ông trùm cấp cao của băng đảng mafia Romano. Sau khi tuyên bố nghỉ hưu vào cuối thập niên 1990, Salvatore và vợ thầm lặng chuyển qua Tây Ban Nha sống. Đây chỉ là vỏ bọc cho việc Salvatore làm quản lý mạng lưới buôn bán ma túy của băng đảng.

Sau khi một đối tượng tên Raffaele Imperiale bị cảnh sát Ý tống giam, băng Romano mất đi bên trung gian giữa họ và Antonio Francisco Bonfim Lopes. Salvatore lặn lội đến Brazil nhằm tái lập lại quan hệ với đối tác. Không biết vì một bất đồng gì đấy mà ông "vua ma túy" Brazil đã ra lệnh cho thủ hạ giết Salvatore.

Nhiều ông trùm mafia khác khi nghỉ hưu cũng chạy sang Tây Ban Nha làm chủ các doanh nghiệp "ma". Họ không phải làm gì cả mà chỉ cần "ngồi chơi xơi nước" rồi hàng tháng nhận tiền lương, thật chẳng khác gì người được hưởng chế độ hưu trí cả. Công việc dễ dãi, cộng với môi trường sống chất lượng cao nên chẳng mấy ông trùm từ chối "tiếng gọi" từ Tây Ban Nha.

Có một số ít trường hợp vẫn còn tham vọng sau khi chuyển qua Tây Ban Nha sống liền trở thành doanh nhân thứ thiệt. Đơn cử như Vittorio Raso. Hắn ta từng là người quản lý mạng lưới rửa tiền của băng đảng 'Ndrangheta, sở hữu quyền lực hiếm ai bì được trong thế giới ngầm Ý. Rất nhiều nguời đã phải ngạc nhiên khi Vittorio tuyên bố "rửa tay gác kiếm" khi chưa tròn 40 tuổi.

Sau đó Vittorio trở thành Giám đốc Công ty Moccia chuyên nhập khẩu kinh doanh hoa quả ở Tây Ban Nha. Doanh thu của Moccia chỉ sau vài năm hoạt động đã lớn hơn số tiền công ty này "hợp pháp hóa" cho băng 'Ndrangheta. Từng có thời điểm hơn một nửa số hoa quả nhiệt đới bán ở các chợ, siêu thị tại Barcelona đều do công ty của Vittorio cung cấp. Cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt Vittorio sau một cuộc điều tra việc trái chanh dây bị Moccia vô cớ nâng giá thông qua đầu cơ.

Trở thành doanh nhân chân chính luôn là một sự lựa chọn khôn ngoan đối với các ông trùm. Nhiều gia đình mafia ở Mỹ sau khi đã trở thành triệu phú vào thập niên 1930 bèn chuyển qua kinh doanh bất động sản, chứng khoán,… vừa ít rủi ro mà lợi nhuận lại tương đương. Theo nhiều chuyên gia tội phạm, hành vi này còn liên quan đến vấn đề tâm lý. Nhiều ông trùm mafia tuy giàu có ít người bằng nhưng lại không bao giờ được chấp nhận vào tầng lớp thượng lưu. Bằng cách kinh doanh hợp pháp, họ mong muốn được một ngày trở thành người "có đẳng cấp".

Từ tâm lý "Thấy người sang bắt quàng làm họ", các ông trùm mafia sau khi nghỉ hưu thường xuyên mua biệt thự ở những bãi biển Tây Ban Nha đẳng cấp thế giới. Theo nguồn tin của đội Fiscalia, không dưới 20 ông trùm cốt cán của các băng đảng mafia Ý hiện đang sống tại thành phố Marbella, một trung tâm du lịch nghỉ mát quan trọng của Tây Ban Nha. Nhiều đối tượng trong số này kinh doanh các mặt hàng như đồ trang sức và siêu xe chuyên dành cho các vị khách du lịch triệu phú đến từ Mỹ, Trung Quốc và Arab Saudi…

Lấp đầy lỗ hổng

Một trong những điểm yếu hiếm hoi của luật pháp Tây Ban Nha liên quan đến vấn đề xử lý tội phạm có tổ chức. Họ không có riêng một bộ luật phòng chống mafia như các nước láng giềng. Trước luật pháp Tây Ban Nha, một tổ chức mafia hoạt động đa quốc gia cũng được đối xử tương đương với một băng trộm vặt.

Các công tố viên nhiều khi phải đi "vòng" qua rất nhiều bộ luật khác nhau mới có thể đưa ra được bản án thích đáng với mafia. Một số đối tượng đã lợi dụng lỗ hổng này để trốn tội, đơn cử như Vittorio Raso. Sau khi bị cảnh sát bắt, hắn được đưa ra tòa vì tội đầu cơ và sử dụng hộ chiếu giả. Đối với các công tố viên, sử dụng hai tội này chỉ là biện pháp tạm thời trong khi họ thu thập thêm chứng cớ để có thể xử đúng tội Vittorio.

Nhưng ngay buổi chiều hôm Vittorio Raso bị chất vấn trước tòa, hắn thản nhiên đi ra khỏi nhà tạm giam sau khi đã trả tiền tại ngoại bởi luật pháp Tây Ban Nha cho phép trả tiền tại ngoại cho hai tội đầu cơ và sử dụng hộ chiếu giả. Vittorio ngay sau đó đã "cắt đuôi" được sự theo dõi của cảnh sát và chạy trốn khỏi đất nước. Hiện cảnh sát Tây Ban Nha và Ý vẫn đang tiếp tục truy tìm Vittorio Raso trên khắp Châu Âu.

Trong những năm gần đây giới chức Tây Ban Nha đã thay đổi thái độ đối với tội phạm có tổ chức. Họ liên tục mở những chiến dịch truy bắt các đối tượng cầm đầu mafia và triệt phá các đường dây buôn lậu xuyên lục địa. Tuy vậy, hệ thống luật pháp nước này hiện vẫn chưa kịp lấp đầy các lỗ hổng nội tại. Một trong những vấn đề mà các chuyên gia luật pháp đang tìm cách sửa đổi là Luật Tịch thu tài sản. Theo ông Jose Grinda Gonzales: "Cảnh sát và phòng công tố hiện vẫn chưa được cấp đủ thẩm quyền trong việc xử lý tài sản tịch thu. Chúng tôi mong rằng với bộ luật mới, các cơ quan hành pháp sẽ phải trải qua ít thủ tục rườm rà hơn khi đưa tài sản tịch thu ra tòa để làm bằng chứng".

Ở cấp châu lục, Nghị viên Châu Âu hiện đang bàn thảo về việc thống nhất Luật Trục xuất của các nước thành viên Châu Âu. Ông Juan Fernando Lopez Aguilar, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha và Nghị viên Châu Âu, là người nghĩ ra sáng kiến này. Ông trả lời báo chí: "Theo tôi vẫn còn nhiều nước Châu Âu coi nhẹ vấn đề tội phạm có tổ chức. Họ cho rằng mafia chỉ là vấn đề của mình nước Ý hay Tây Ban Nha. Trong thời đại tội phạm quốc tế như hiện nay, quan niệm này vô cùng sai lầm. Quyền lực của mafia liên tục biến đổi để có thể lọt qua bất kỳ hàng rào lãnh thổ hay luật pháp nào. Điều chúng ta nên làm lúc này là tăng tính linh hoạt của luật pháp để có thể đối phó được với mọi chiêu bài mới của bọn tội phạm".

Lê Công Hội (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/tay-ban-nha-dat-lanh-cua-cac-ong-trum-mafia-637732/