Tây Ban Nha muốn biến xe M-113 thành vũ khí chống tăng tự hành

Tạp chí quân sự Jane's Defense Weekly đăng tải, Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha đang lên kế hoạch sửa đổi các xe bọc thép chở quân M-113 hiện có thành xe chống tăng tự hành với các tổ hợp tên lửa chống tăng Spike.

Theo đó, các kỹ sư thuộc Trung tâm kỹ thuật phương tiện bọc thép thuộc Quân đội Tây Ban Nha (PCMASA) đã phát triển một nguyên mẫu phương tiện chống tăng tự hành trên cơ sở khung thân xe bọc thép M-113. Nguyên mẫu này đang chạy thử nghiệm tại Lữ đoàn bọc thép 12 Guadarrama. Giới chức Quốc phòng Tây Ban Nha kỳ vọng biến thể chống tăng tự hành mới sẽ kéo dài thời gian phục vụ của các đơn vị xe bọc thép M-113 cho tới khi chúng được thay thế bằng các đơn vị xe chiến đấu mới Piranha-5.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, việc tích hợp các loại vũ khí hiện đại trên nền các phương tiện vận tải quân sự cũ là hướng đi tạo ra phương tiện tác chiến mới có khả năng cơ động cao với chi phí hợp lý. Các vũ khí uy lực mạnh như vũ khí chống tăng vác vai hay các loại pháo cối khi được tích hợp lên các phương tiện chiến đấu sẽ có khả năng cơ động và cơ số đạn mang theo hiệu quả hơn nhiều so với mang vác thủ công.

 Xe bọc thép chở quân M-113 trong biên chế Quân đội Tây Ban Nha.

Xe bọc thép chở quân M-113 trong biên chế Quân đội Tây Ban Nha.

Dòng tên lửa Spike với các phiên bản khác nhau được biết tới là thế hệ tên lửa chống tăng thứ 3 tiên tiến trên thế giới. Nhờ hệ thống đầu dò quang điện hiện đại, các biến thể của tên lửa Spike có tầm bắn từ 50m tới 25km (vũ khí chống tăng có tầm bắn hiệu quả xa nhất thế giới hiện nay) trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết.

Điểm mạnh của dòng tên lửa này là khả năng “bắn và quên” (ngay sau khi khai hỏa, xạ thủ có thể thoát ly và đạn tên lửa sẽ tự dẫn tới mục tiêu) và tấn công đột nóc, nơi được bọc giáp kém nhất của các phương tiện chiến đấu để tối ưu khả năng tiêu diệt mục tiêu.

Trong đó, Spike NLOS (Non Line Of Sight) là phiên bản mới nhất và có trọng lượng lớn nhất (71kg) của dòng tên lửa Spike. Tên lửa có 2 chế độ tiến công gồm tiến công trực tiếp (đối với mục tiêu trong tầm nhìn thấy) hoặc tiến công mục tiêu nhờ xác định vị trí tọa độ sau khi đã được phóng lên (đối với mục tiêu bị che khuất hoặc ở xa).

Các phiên bản của tên lửa Spike. Ảnh: Rafael.

Với từng nhiệm vụ khác nhau, tên lửa sẽ được lắp các kiểu đầu nổ khác nhau như xuyên lõm tandem (2 lượng nổ, xếp trước-sau), nổ mảnh, xuyên-nổ… Nhờ được dẫn bắn bởi máy bay không người lái hoặc vệ tinh, tên lửa cho độ chính xác rất cao. Ngoài xe tăng, xe bọc thép, tên lửa Spike NLOS còn có thể tiêu diệt bộ binh và các công trình kiên cố trên mặt đất hay đóng vai trò chống hạm.

Ngoài Tây Ban Nha, nhiều quốc gia khác trên thế giới đã tích hợp tên lửa Spike lên các phương tiện chiến đấu như Mỹ, Đức, Ba Lan...

TUẤN SƠN (theo Jane's Defense Weekly)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/tay-ban-nha-muon-bien-xe-m-113-thanh-vu-khi-chong-tang-tu-hanh-608403