Tây Nam bộ vào mùa nước nổi, 8 cách xử trí khi bị rắn cắn tránh tử vong

Không ít trường hợp bị rắn cắn vào viện trong tình trạng sơ cứu không chuẩn đã dẫn đến hoại tử, buộc phải cắt bỏ 1 phần cơ thể hoặc tử vong...

Rắn lục đuôi đỏ kịch độc xuất hiện vào mùa nước nổi

Rắn lục đuôi đỏ kịch độc xuất hiện vào mùa nước nổi

Theo chia sẻ của BS.CK1 Trương Phước Hữu, khoa Cấp cứu, BV Nhi đồng Tp. Hồ Chí Minh, đa số các ca nhập viện cấp cứu do rắn cắn, chủ yếu là vết rắn hổ, rắn lục, gây rối loạn đông máu, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây xuất huyết não dẫn đến tử vong.

Các trường hợp nhập viện cấp cứu đều bị rắn bò vào nhà cắn khi các tỉnh Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Thời điểm này, rắn mất nơi trú ẩn nên thường bò đến nơi khô ráo để trú ẩn và liên tục gây ra các vụ cắn người.

BS. Hữu cho hay, mới đây BV cũng tiếp 1 ca bệnh nhi nhập viện nghi ngờ bị rắn cắn, thủ phạm được người nhà bệnh nhân mang đến cũng khiến các bác sĩ một phen giật mình khi lần đầu thấy "lục đuôi đỏ" to đến vậy.

"Mùa nước nổi, phụ huynh không nên cho trẻ chơi ở những khu vực rậm rạp như bụi cây, đống lá rụng, gạch vụn, đống đổ nát… Đây thường là những nơi cư trú của rắn", BS. Hữu chia sẻ.

Cảnh báo về rắn lục đuôi đỏ của BV Nhi đồng thành phố

BS. Hữu cũng chỉ ra 8 lưu ý xử trí nhanh khi bị rắn cắn để tránh hậu quả đáng tiếc. Cụ thể:

- Khi bị rắn độc cắn, cần rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề, chú ý không để nạn nhân tự đi lại, bất động chi bị rắn cắn bằng nẹp.

- Trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, không chích rạch tại vết thương, nặn hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc… Sau đó, nạn nhân cần nhanh chóng tới bệnh viện để điều trị.

- Không nên buộc ga ro (buộc quá chặt) mà chỉ băng ép.

- Đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu. Nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Có thể mang theo con rắn đã cắn bệnh nhân đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.

-Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu sau 24-48 giờ, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.

- Nếu nạn nhân bị liệt do nọc độc rắn thì khai thông đường hô hấp như hút đờm rãi, hô hấp nhân tạo…

- Tránh can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc và dễ chảy máu thêm.

- Trong khi vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.

Tú Uyên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tay-nam-bo-vao-mua-nuoc-noi-8-cach-xu-tri-khi-bi-ran-can-tranh-tu-vong-d432200.html