Tây Nam ký sự: Hòn Chuối – Đảo Thanh niên

Đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách đất liền 32km về phía Tây, diện tích đảo khoảng 0,7km. Hòn Chuối là một trong 5 đảo (cùng với đảo Trần, huyện Cô Tô, Quảng Ninh) thuộc Đề án xây dựng Đảo Thanh niên đã được Chính phủ phê duyệt.

Toàn cảnh đảo Hòn Chuối nhìn từ xa.

Toàn cảnh đảo Hòn Chuối nhìn từ xa.

Đảo ít mưa, nhiều… sét

So với các đảo Thổ Chu, Hòn Khoai, Nam Du, Hòn Đốc, để lên được đảo Hòn Khoai khá là vất vả. Do xung quanh đảo chỉ có các ghềnh đá, sóng to nên tàu hải quân 632 phải neo bên ngoài, sau đó dùng tàu của đồn Biên phòng chuyển tải đến gần bờ, rồi chúng tôi lại phải chuyển xuống xuồng nhỏ nhờ của người dân, cứ 10 người một xuồng để vào bờ. Sóng, gió, thuyền nhỏ. Dù ai cũng mặc áo phao nhưng tôi vẫn nín thở vì chỉ ai đó hốt hoảng, xuồng lật thì bao thiết bị, máy ảnh… không biết thế nào.

Để lên đảo Hòn Chuối, cánh phóng viên phải nhờ đến sự hỗ trợ của các chiến sĩ biên phòng.

Đảo Hòn Chuối có dân với khoảng hơn 40 hộ, trên 130 khẩu nhưng thực chất họ không sống hẳn trên đảo mà là làm nhà ven chân đảo thôi, hoặc sống trên lồng bè nuôi hải sản, đa phần là hộ nghèo. Nhà cửa hầu hết cũng tạm bợ vì giống như “đảo chạy gió” Thổ Chu, vào mùa gió Bắc, họ di chuyển nhà sang ghềnh Nam tránh gió, đến mùa gió Nam, họ lại chạy sang ghềnh Chướng. Tới nay, Hòn Chuối chưa có trạm y tế, trường học. Trên đảo chỉ có các đơn vị bộ đội đứng chân và Trạm Hải đăng thuộc Bộ Giao thông vận tải. Mỗi lần dân di chuyển, bộ đội lại xắn tay giúp đỡ.

Để lên được tới các đơn vị, chúng tôi phải leo ngược dốc nhưng may quãng đường cũng ngắn, không như đảo Hòn Khoai. Điểm dừng chân đầu tiên là Đồn Biên phòng 704 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau. Thượng tá Nguyễn Quốc Thái, Đồn trưởng quê ở Kiến Xương (Thái Bình) niềm nở đón chúng tôi.

Đặc sản của đảo Hòn Chuối dĩ nhiên là... hải sản.

Từng nhiều năm đóng trên đảo, Thượng tá Thái hiểu đảo như lòng bàn tay. Anh kể, một trong những khó khăn lớn nhất với cán bộ, chiến sĩ trên đảo đó là thiếu nước ngọt. Hòn Chuối là núi đá vôi, không có suối, mọi sự nhờ vào ông trời, hoặc phải mua, vận chuyển nước từ đất liền ra. Hòn Chuối đã thế lại ít mưa. Nhiều khi, xung quanh đảo mưa giăng giăng nhưng trên đảo lại… lất phất vài hạt.

Nước mưa được cán bộ, chiến sĩ của đồn tích trữ trong những bể lớn hoặc téc nước để dành. Vì vậy, xung quanh đồn nhìn đâu cũng chỉ có bể nước và téc nước, được đan chằng chịt những vòi nhựa dẫn nước.

Những ngôi nhà có phần tạm bợ của ngư dân bám ven đảo Hòn Chuối, chờ đến mùa là di chuyển "chạy gió".

Trên đảo Hòn Chuối, có một nghịch lý là mùa mưa, có nước lại không có điện, còn mùa khô, có điện lại thiếu nước. Ấy là bởi hệ thống điện năng lượng mặt trời không thể sử dụng được vào mùa mưa, đồn phải chạy bằng máy nổ. Cứ mỗi tối chỉ được phép chạy từ 19 giờ tới 21 giờ, để đơn vị học tập sinh hoạt. Đã thế, giông sét trên đảo lại rất nhiều, thường xuyên làm hỏng tivi, thiết bị. Thượng tá Thái dừng chuyện chỉ cho lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và chúng tôi những vết cháy dây điện, thiết bị mà sét mới đánh hỏng cách đó ít hôm.

Bồn để tích chữ nước mưa xếp thành dãy dài ở Đồn Biên phòng Hòn Chuối.

Vì ít mưa nên việc tiết kiệm nước luôn đặt lên hàng đầu. Nước tắm giặt, rửa rau được phân loại tái sử dụng như vệ sinh doanh trại, tăng gia sản xuất. “Mùa khô từ tháng 10 năm trước tới tháng 4 năm sau, anh em phải tắm nước biển. Đi bộ lên đồn mới chia nhau dội vài gáo nước mưa. Vào cao điểm, cả chỉ huy đến lính như nhau, mỗi “ông” được cấp ngày 3 ca ấy chứ” – Thượng tá Thái chia sẻ.

Chừng như hiểu được và chia sẻ với khó khăn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, các tỉnh, thành phố khi tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà cho đảo thường tặng bồn chứa nước, hiệu quả thiết thực.

Lớp học tình thương của thầy Lê Hon Đa

Tạm biệt Đồn Biên phòng 704, chúng tôi đi ngược lên trên để lên Trạm Rada 615 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân. Cách Trạm không xa, bên trái đường có một dãy nhà cấp 4 nằm yên bình dưới tán cây, đó chính là “Lớp học tình thương” của Đồn Biên phòng 704.

"Thầy giáo quân hàm xanh" Lê Hon Đa đang luyện đọc cho học sinh lớp 1.

Hòn Chuối chưa có trạm y tế, chưa có hệ thống trường học quốc gia. Sẻ chia với người dân, nhằm cụ thể hóa Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Năm 2009, Đồn Biên phòng 704 đã mở “Lớp học tình thương” dạy chữ cho con em xóm chài. Năm 2016, từ nguồn kinh phí của Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Cà Mau và các nguồn ủng hộ khác, “Lớp học tình thương” đã được xây dựng với kinh phí 500 triệu đồng. Người được phân công đứng lớp ban đầu là Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Bình Phục, Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng. Tháng 8/2019, Đại úy Phục đi học dài ngày theo lệnh công tác của đơn vị, lớp học được giao cho bình nhất Lê Hon Đa, thủ kho của Đồn.

Từng học trò được "Thầy giáo quân hàm xanh" Lê Hon Đa hướng dẫn, rèn chữ tỷ mỉ.

Tôi ghé thăm “Lớp học tình thương” vừa lúc binh nhất Lê Hon Đa đang giảng bài. Lớp có tới 3 chiếc bảng, bàn ghế cũng được kê theo 3 hướng khác nhau. Thầy giáo Đa xoay từng hướng giảng bài cho học sinh. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi khâm phục những đứa trẻ đáng yêu kia ngày ngày chúng sức đâu leo đến 300 bậc thang từ dưới chân đảo lên đây để học con chữ.

Từng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đồng Tháp, khoa Mỹ thuật nên Lê Hon Đa cho biết, khi được giao nhiệm vụ anh cũng không bỡ ngỡ cho lắm. Đa tìm cách dạy phù hợp để giúp các em quen với việc phải học chung. Khi lớp này làm bài thì lớp kia vẽ tranh, tổ chức học toán qua các bài hát. Đa khuyến khích các em học tập bằng các phần thưởng nho nhỏ... Hiện lớp học có 26 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 6. Trong đó, lớp 5, lớp 6, mỗi lớp có 1-2 em. Học sinh ít, nhiều lớp nên phải ghép lớp. Lớp học từ 8 giờ đến 11 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. “Lớp học tình thương” đã được công nhận nằm trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc. Học sinh hết lớp 5 được cấp bằng tốt nghiệp tiểu học.

Thật khó tưởng tượng hàng ngày các học sinh, nhất là các em lớp 1 phải lên xuống 300 bậc như thế này để đến lớp học.

Đa số các em con gia đình nghèo, sáng đi học chiều phải giúp cha mẹ trông em hay giăng câu, kéo lưới. Vì thế số em học hết lớp 6 vào đất liền học tiếp cũng không nhiều. Thầy giáo “quân hàm xanh” Lê Hon Đa cho biết, các em đều rất ham học. Có hai trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhất là em Ngô Trúc Vy và Trần Hoàng Kiệt đã được Đồn Biên phòng nhận làm “em nuôi” và trợ giúp hàng tháng mỗi em 500 nghìn đồng.

Một bức tranh vẽ đảo Hòn Chuối của em Gia Hào, lớp 3, Lớp học tình thương.

Ông Lê Văn Phương, Tổ phó Tổ tự quản tổ dân Hòn Chuối cho biết: “Quân dân ở đây đồng lòng lắm, trong điều kiện khó khăn mà các chú Đồn Biên phòng mở được một lớp học cho con cháu ở đây là rất quý”.

Ngày 12/1/2020, Lê Hon Đa xuất ngũ. Anh cho biết rất lưu luyến khi phải chia tay học sinh của mình, tạm biệt đảo. Ngày rằm tháng giêng năm con chuột, tôi gọi điện thì Thượng tá Nguyễn Quốc Thái cho biết, Đại úy Trần Bình Phục đã kết thúc đợt công tác trở lại đơn vị, nhận “Lớp học tình thương”, tiếp tục gieo chữ trên đảo.

Theo Đề án xây dựng đảo Thanh niên mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt thì trong giai đoạn 2013-2020 sẽ có 5 đảo được lựa chọn xây dựng thành đảo Thanh niên. Trong đó, có ba đảo xây dựng mới là đảo Trần (thuộc huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh), đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), đảo Thổ Châu (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Hai đảo tiếp tục đầu tư xây dựng là Đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và Đảo Thanh niên Cồn Cỏ (Quảng Trị).

Mục tiêu của Đề án xây dựng đảo Thanh niên là phát huy vai trò xung kích của thanh niên và các hộ gia đình trẻ tham gia khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển đảo, xây dựng kinh tế hộ gia đình bền vững góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo.

Đảo Hòn Chuối sẽ được xây dựng thành đơn vị hành chính cấp xã; thu hút một bộ phận gia đình trẻ làm nòng cốt, sắp xếp, ổn định dân cư tại chỗ, khai thác tiềm năng kinh tế biển, phát triển sản xuất kết hợp bảo vệ quốc phòng-an ninh vùng biển Tây Nam.

Tuy nhiên, đến nay, do nhiều khó khăn, Đề án vẫn chưa hoàn thành như mục tiêu đề ra.

Kỳ sau: Nam Du – Thiên đường du lịchTrần Minh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202002/tay-nam-ky-su-hon-chuoi-dao-thanh-nien-2471307/