Tây Nguyên, tháng 4 này

Chúng tôi đổ bộ xuống Tây Nguyên từ trên trời sau 2 giờ nhàn nhã bay từ Hà Nội. Người ta bảo đi Tây Nguyên vào cuối tháng 4 là dại vì lúc này mùa hoa cafe đã hết, mùa mưa đã bắt đầu. Nhưng, có phải bao giờ làm gì cũng hợp ý mình đâu?

Tháng 4 Tây Nguyên không còn đẹp như “mùa con ong đi lấy mật...” nữa nhưng vẫn quyến rũ lạ lùng. Người ta bảo bây giờ nói đến Tây Nguyên, dân trong này chỉ còn kể Đắc Lắc, Đắc Nông, GiaLai và KonTum thôi còn Đà Lạt thì không nói đến nữa. Hỏi vì sao vậy? thì được trả lời Đà Lạt giờ tính chất khác hẳn 4 tỉnh còn lại rồi nên nếu đến Tây Nguyên chỉ còn và chỉ nên đi 4 tỉnh này thôi. Chả biết có đúng thế không vì như bây giờ khái niệm Tây Bắc được các nhà chuyên môn “kéo xuống” đến tận Thanh Hóa cơ mà. Nên hãy cứ biết vậy và thử kiểm nghiệm điều đó từ trải nghiệm bản thân thôi.

Lâu rồi tôi không trở lại Tây Nguyên. Ấn tượng về dải “Cao nguyên Trung phần” từng biết đến qua sách vở lần này mới có cơ hội kiểm tra lại. Những lần trước vào Tây Nguyên đều vì công việc nên ít có cơ hội ngó nghiêng nơi này, nơi khác. Việc nhiều với lại cũng không có tâm trạng nên cũng chỉ “đá thảo” nơi này, nơi kia còn nhợt nhạt hơn cưỡi ngựa xem hoa. Lần này dù vẫn là “cỡi ô tô chạy trên đường nhựa xem Tây Nguyên” chứ chả khảo cứu gì nhưng cũng thư thả hơn, ngắm nhìn nhiều hơn, được hướng dẫn viên giới thiệu kỹ hơn... nên ấn tượng cũng khác nhiều.

Giữa thành phố Buôn ma thuột có một gò đất không cao lắm, cây cối rậm rì, người vô tình dễ bỏ qua. Nhưng đây lại là một nơi rất đặc biệt bởi là nơi yên nghỉ của một vĩ nhân. Bên cạnh cây cổ thụ nằm trong một vuông đất đẹp là nơi yên nghỉ của Y mưk H’ Dơr, mà người đời hay gọi Ama Thuật (cha của Y Thuật)- người khai sinh ra vùng đất này. Cái tên Buôn ma thuột là cách gọi của người Việt ghi nhận đây là vùng đất do cha Ama Thuật khai sinh, có công lớn xây dựng và bảo vệ. Ông người buôn Đôn cách nơi yên nghỉ của mình 50 km. Người ta kể, theo phong tục, người ta sẽ để ông yên nghỉ cách ngôi làng của ông 3 km nhưng Hội đồng già làng cho rằng ông không chỉ bảo vệ buôn làng ông mà ông còn che chở cho các buôn của cư dân thuộc tộc người khác quanh vùng nên đã đưa ông đến an nghỉ ở chỗ bây giờ. Nghe nói sắp tới nơi này sẽ quy hoạch và nâng cấp để tưởng nhớ người con ưu tú của đồng bào nơi đây. Cái tên Buôn ma thuột và Ban mê thuật chỉ là cách gọi khác nhau của tộc người bản địa và tộc Lào Thái dịch cư đến đây gọi ông mà thôi. Người dân bản địa Tây Nguyên muốn gọi tên ông theo cách của mình hơn.

Lần này tôi mới đến một cái thác thực sự của Tây Nguyên. Thác Dray Nur. Cảm giác về Tây Nguyên đại ngàn trong tôi dường như khi đứng bên cạnh thác này mới trở nên rõ rệt hơn cả khi ngồi trên lưng voi hay ngồi ca nô lướt trên hồ Lak, thậm chí khi đứng trên cầu treo ở buôn Đôn đung đưa, nhìn xuống dưới là dòng sông Serepok đang gầm thét khi những trận mưa đầu mùa đổ nước xuống đục ngầu. Có lẽ vì nước ở đây xanh trong, có lẽ vì thác đổ với bụi nước trắng trời bên những gộp đá dựng đứng, những tảng đá lớn như những con voi rải rác khắp nơi. Đứng bên những gộp đá tầng tầng lớp lớp, nghe tiếng thác đổ, ngắm làn bụi nước bay mờ cả một khoảng trời tôi như cảm nhận đại ngàn Tây Nguyên đang chuyển động, như nghe thấy tiếng những đàn voi đạp ừng ào ào, thấy không gian Tây Nguyên với những chàng trai, cô gái J’rai, Êde, M’nong, Banah... những đêm nghe kể Khan huyền ảo. Tôi cũng không hiểu vì sao đã vào Tây Nguyên nhiều lần, đã ngang dọc những vùng đất này, đã sống với những đêm lửa trại ở nhiều nơi nhưng chưa bao giờ cảm giác ấy trong tôi lại ùa về nhiều, cuồn cuộn, mạnh mẽ như vậy. Đêm về, ngẫm nghĩ mãi mới hiểu ra rằng không khí ấy sống dậy từ sách vở và những câu chuyện đã được nghe từ lâu, bây giờ nhớ lại, sống dậy, ám ảnh. Cái âm vang ấy thì thầm mãi làm khó ngủ.

VỀ ĐI EM ĐẮC NÔNG - Nhạc: Phạm Việt Long, Thơ: Trần Lê Châu Hoàng - Hát: Đăng Thuật

Trên con đường 14 năm xưa tôi đi khốn khổ vì ổ trâu, ổ voi, giờ thảm nhựa Atphan phẳng lỳ, có thể ngồi trên ô tô đọc sách được, hướng dẫn viên kể về những con đường Tây Nguyên mới làm và được náng cấp những năm gần đây. Anh bảo “bây giờ đi lại sướng lắm. Tụi con vi vu trên những con đường Tây Nguyên đã lắm. Bà con ở đây nói dù nhiều BOT hơn thông thường nhưng đi lại thụan lợi lắm nên cũng chẳng ai ta thán gì. Trước không có đường hoặc đường không ra đường, giờ đường sá nhiều, tốt thế, kinh tế phát triển, bà con phấn khởi lắm. Tây Nguyên sẽ khác nhiều trong thời gian tới”. Chúng tôi cũng mong thế bởi chạy xe trên dải đất cao bình quân hơn 600 m trên mực nước biển này thành ra các ngọn núi quanh đây như thấp hơn. Ít có cảm giác chạy đường núi mà cứ như chạy trên một chặng đường nào đó vùng trung du. Nhìn những cánh đồng đất bazan màu mỡ xanh ngắt cao su, cafe, bạt ngàn màu xanh cây trái mới thấy Tây Nguyên không tự nhiên mà xanh thế. Lướt qua những Playme, Dakto, Playcan... tôi lại chợt nhớ đến rất nhiều lần bạn bè, anh em tôi kể về những trận đánh ác liệt mà họ đã trải qua thời chiến tranh. Nghe hướng dẫn viên chỉ vào cánh rừng cao su bên đường bảo rằng năm 74 nơi đây còn là bạt ngàn rừng khộp, là nơi trú quân của các đơn vị làm nhiệm vụ đánh nghi binh Bắc Tây Nguyên. Bây giờ lứa trẻ đi trên con đường này chắc chả mấy ai biết xưa là bãi chiến trường và tôi cũng mong họ không bao giờ phải trải qua những năm tháng ấy. Quá khứ không thể quên nhưng người ta vẫn cứ cần vượt qua để hướng đến tương lai. Hài hước, thông minh và biết nhiều, hướng dẫn viên của Hanoi Travel tên Duy gợi cho tôi nhiều nghĩ ngợi qua những câu chuyện rất lôi cuốn khách của anh. Lúc nói chuyện riêng, cháu cho biết đã có 17 năm trong nghề, những hiểu biết tích cóp được từ sách vở và thực tiễn đã giúp cháu lớn lên nhiều nhưng gốc của những tri thức này là tình yêu nghề, là thái độ biết trả ơn công việc. Cháu bảo làm tốt cháu sẽ có lộc từ khách và công ti nên cháu không thể phụ nghề.

Đột nhiên chú lái xe mở một seri những bài hát về Tây Nguyên. Rạo rực và da diết vô cùng giọng ca của ca sĩ quá cố Y Moan. Tôi nghĩ Y Moan là một phần của Tây Nguyên và Tây Nguyên đã làm nên một Y Moan khỏe khoắn, âm vang, nồng nàn và da diết về đất và người Tây Nguyên. Chất Tây Nguyên thấm đẫm trong giọng ca Y Moan và Y Moan làm cho Tây Nguyên quyến rũ hơn là vì vậy. Nghe anh hát cứ tưởng tượng những chàng trai Tây Nguyên dám đi bắt nữ thần Mặt Trời về làm vợ là chuyện có thật vì sống mãnh liệt thế, giàu khao khát thế, nồng nàn thế thì có chuyện gì chẳng dám làm? Dường như cái hiu hiu, thơ mộng, nhẹ nhàng, lãng mạn đắm đuối của Đà Lạt phù hợp với nhạc Trịnh hơn còn Tây Nguyên mãnh liệt, nồng nàn thế này phải là giọng ca Y Moan và những bài hát như có lửa của Trần Tiến, Nguyễn Cường chăng?

Không nghĩ một chuyến đi “lạc mùa” vào Tây Nguyên đem lại nhiều xúc cảm vậy.

Phạm Quang Long

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tay-nguyen-thang-4-nay-83886