Tây Nguyên: Ứng phó trước thách thức về an ninh nguồn nước

Sau đợt hạn hán nghiêm trọng tại Tây Nguyên cũng như xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nước trở thành đề tài nóng hơn bao giờ hết. Bởi Tây Nguyên hạn hán ngày càng khốc liệt, trong khi đó nguồn tài nguyên nước đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu toàn cầu và cũng chính do con người gây ra.

Sau đợt hạn hán nghiêm trọng tại Tây Nguyên cũng như xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nước trở thành đề tài nóng hơn bao giờ hết. Bởi Tây Nguyên hạn hán ngày càng khốc liệt, trong khi đó nguồn tài nguyên nước đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu toàn cầu và cũng chính do con người gây ra.

Tình hình hạn hán ngày càng khốc liệt trên địa bàn Tây Nguyên. Ảnh: N.T

Tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên vừa phối hợp tổ chức Hội thảo về “An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên”. Tây Nguyên với 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng, chiếm 16,8% diện tích tự nhiên cả nước, là vùng trọng điểm phát triển kinh tế của Việt Nam và là nơi sinh sống của gần 6 triệu người gồm nhiều dân tộc anh em. Tây Nguyên có các lưu vực sông chính là sông Ba, sông Đồng Nai, Sê San và Sêrêpôk. Trong đó, lưu vực Sê San và Sêrêpôk chiếm diện tích tự nhiên lên tới 29.884 km2 và cũng là hai phụ lưu quan trọng, đóng góp lượng nước lên tới 18% cho lưu vực sông Mê Kông.

Thế nhưng, mùa khô 2015-2016, hạn hán đã xảy ra gay gắt ở khu vực Tây Nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng chưa có công trình thủy lợi hoặc chỉ có công trình thủy lợi nhỏ chưa chủ động nguồn nước. Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, qua đợt hạn hán đã có hơn 35% số sông, suối và 40% hồ nhỏ kiệt nước. Nhiều hồ thủy lợi, thủy điện chỉ đạt 30-50% thiết kế, hàng trăm hồ chứa nước cạn hoặc rơi vào mực nước chết. Tính đến tháng 6-2016, toàn vùng Tây Nguyên có gần 180.000ha cây trồng bị hạn, ước tổng thiệt hại khoảng hơn 5.400 tỷ đồng, gần 70.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Điều đó thấy rõ việc Tây Nguyên đang đối mặt với thách thức lớn về an ninh nguồn nước...

Trong chuyến kiểm tra tình hình hạn hán tại Gia Lai và chủ trì buổi làm việc với các tỉnh khu vực Tây Nguyên về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán tháng 3-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo về lâu dài đối với việc đảm bảo nguồn nước cho vùng. Trong đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan có liên quan rà soát kết quả điều tra, tiếp tục tìm kiếm nguồn nước dưới đất gắn với tạo nguồn hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; chủ động thực hiện điều tra, quy hoạch tài nguyên khu vực Tây Nguyên, nghiên cứu giải pháp phù hợp nhằm tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên hiệu quả, bền vững.

Theo đánh giá khoa học thì nông nghiệp là ngành kinh tế chính trong sản xuất nông lâm ngư với tỷ lệ chiếm đến 90% của vùng Tây Nguyên, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên. Vì vậy, việc khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước phục vụ nông nghiệp trở thành vấn đề cốt lõi, là chìa khóa cho sự phát triển của vùng. Thế nhưng, toàn vùng hiện đang thiếu khoảng 5 tỷ m3/ năm và đến năm 2030 sẽ thiếu 5,5 tỷ m3/ năm. Ngoài sự phân bố lượng nước không đồng đều giữa mùa mưa và mùa khô, khả năng trữ nước kém của loại đất vùng Tây Nguyên thì mỗi năm hàng chục nghìn héc-ta rừng Tây Nguyên bị mất đi khiến nguồn nước ngày càng bị đe dọa. Cùng với đó, dưới tác động của bàn tay con người như di dân, chặt phá rừng, xây dựng ồ ạt các công trình thủy điện... đang đe dọa đến đảm bảo nguồn nước cho vùng. Chưa kể đến hệ thống công trình thủy lợi của vùng chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch, đang xuống cấp và thiếu công trình trữ, điều tiết nguồn nước. Vì vậy, diện tích phục vụ của hệ thống công trình thủy lợi mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu...

Tại Hội thảo, TS Nguyễn Tiền Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội cho rằng: Làm thế nào để chúng ta giải quyết được bài toán mất cân đối trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước bởi đó là vấn đề thiết yếu cho sự sống và mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của một vùng, một quốc gia. Giải quyết bài toán khai thác sử dụng nguồn nước một cách bền vững đòi hỏi cần có một “nhạc trưởng” có tư duy phân tích hệ thống, có khả năng tập hợp đội ngũ chuyên gia liên ngành để đề ra và giải quyết được bài toán quản lý tổng hợp lưu vực sông và quản lý tổng hợp vùng. Và Tây Nguyên cũng cần gắn liền với bài toán quy hoạch và quản lý tổng hợp này.

Còn Giáo sư Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam nêu ra giải pháp: Xuất phát từ tính đặc thù về địa hình, chế độ khí hậu, mạng thủy văn và sự phát triển công nghiệp trên diện rộng, thì việc lợi dụng địa hình đồi ở Tây Nguyên để xây đập, tạo ra hệ thống các quy mô nhỏ, để trữ nước vào mùa mưa và sử dụng vào mùa khô có thể được xem là giải pháp mang tầm chiến lược nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và bối cảnh của Tây Nguyên. Với hệ thống hồ trữ nước mặt rải khắp vùng Tây Nguyên sẽ đem lại lợi ích to lớn và thiết thực cho đồng bào Tây Nguyên.

Cùng với nhiều nội dung khác tham gia hội thảo đã chỉ ra những thực tế thách thức mà vùng Tây Nguyên đang đối mặt trong việc đảm bảo tài nguyên nước bền vững. Hội thảo lần này cũng là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học và các địa phương cùng trao đổi, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện về thực trạng, mối quan hệ giữa an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội tại vùng Tây Nguyên. Các đại biểu thảo luận và kiến nghị các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, ý tưởng phát triển nhằm giúp các tỉnh Tây Nguyên ứng phó với thách thức về nguồn nước trong dài hạn, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_152220_tay-nguyen-u-ng-pho-truo-c-tha-ch-thu-c-ve-an-ninh.aspx