Tây Ninh: Khấm khá nhờ trồng lan trên đá

Nhiều năm qua, hầu hết người trồng lan đều dùng vỏ đậu phộng để trồng loại lan Mokara. Nhưng những năm gần đây, ở xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) có một số nông dân dùng đá xanh thay thế vỏ đậu phộng để trồng lan Mokara, bước đầu cho thấy có hiệu quả.

Người đầu tiên áp dụng phương pháp mới này là ông Bùi Văn Lớn- 62 tuổi, ngụ ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng. Hiện nay, ông Lớn đang trồng khoảng 15 ngàn cây lan họ Mokara trên diện tích 3 công. Đến thăm vườn lan của ông, chúng tôi thấy tất cả đều xanh um, tươi tốt. Dưới gốc các cây lan không còn là những lớp vỏ đậu phộng mà là những cục đá xanh, cỡ 4 x 6cm. Trên những cục đá ấy, rễ lan mới bắt đầu bò lên, có nơi rễ đã phủ dày.

Ông Lớn- người đầu tiên áp dụng cách trồng lan bằng đá thay cho vỏ đậu phộng.

Ông Lớn- người đầu tiên áp dụng cách trồng lan bằng đá thay cho vỏ đậu phộng.

Ông Lớn kể, 7 năm nay, vợ chồng ông kiếm sống bằng nghề trồng loại lan này. Những năm đầu mới vào nghề, ông mua vỏ đậu phộng đem về trồng lan như nhiều người trong giới hoa kiểng vẫn thường làm. Sau một thời gian, ông nhận ra trồng lan bằng vỏ đậu phộng có nhiều hạn chế.

Thứ nhất, cứ sau mỗi năm, vỏ đậu phộng tự phân hủy và xẹp xuống, khiến gốc lan bị ẩm ướt, dẫn đến thối rễ. Thứ hai, hằng năm phải đổ thêm lớp vỏ đậu phộng khác vào gốc lan, trong khi nguồn này ngày càng ít, giá ngày càng cao.

Trong quá trình đi tham quan ở những vùng núi non, ông thấy có những loại cây sống trên đá vẫn phát triển xanh tốt. Trở về nhà, ông mua một số đá xanh đem về trồng lan thí nghiệm. Sau 1 năm theo dõi, ông thấy lan Mokara trồng trên đá vẫn lên xanh tốt và không bị thối rễ.

Từ đó, ông thay toàn bộ vỏ đậu phộng bằng đá 4 x 6cm và vườn lan của ông vẫn tốt tươi, thậm chí còn phát triển mạnh hơn khi trồng bằng vỏ đậu. Thấy ông Lớn trồng lan trên đá hiệu quả, nhiều người trong vùng đến tham quan, học tập. Ông Lớn không giấu nghề, vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm với mọi người. Sau đó, có người về áp dụng theo.

Nhận xét về việc trồng lan trên đá, ông Lê Văn Hòa- Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lộc nói: “Ông Lớn là người đầu tiên ở xã này áp dụng thành công cách trồng lan trên đá thay cho vỏ đậu phộng. Tôi thấy trồng lan theo kiểu mới này có hiệu quả hơn, chỉ tốn tiền mua đá một lần lại được sử dụng lâu dài, không còn phải phụ thuộc vào nguồn vỏ đậu phộng nữa. Hiện nay, trong xã có hơn 10 hộ dân trồng lan Mokara, trong đó có 5 hộ đã chuyển sang mô hình trồng lan trên đá.

Ngoài ra, ông Lớn còn có một số sáng kiến khác trong nghề trồng lan. Như ông không còn cắm cạnh mỗi cây lan một cây trụ bằng nhựa để lan khỏi ngã, mà giăng dây dọc theo hàng lan, sau đó cột thân cây lan vào dây để cố định. Hệ thống tưới lan cũng được ông cải tiến. Ông không còn dùng béc phun nước xoay vòng, mà thiết kế bên trên mỗi luống lan một đường ống nhựa có dùi nhiều lỗ để lắp béc phun. Mỗi khi tưới, nước từ những đầu béc phun ra tưới ướt khắp vườn lan.

Mokara là loại lan công nghiệp có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, chủ yếu cắt cành hoa để bán. Một số lan Mokara thông dụng như Đỏ Ren Ret, Đỏ Red Sun, Đỏ lá quặt (Deart Heat), Đỏ Mô Đăng (Dinah Shore), Vàng chanh (Ful Moon), Vàng mai (Chao Praya), Vàng chao Sun Set, Vàng (New Kitty), Vàng nến (Bangkhuntien), Vàng đồng (Luen), Bò cạp vàng, Bò cạp phượng vĩ, Tím (Keniku).

Theo Đại Dương/Báo Tây Ninh

Theo Đại Dương/Báo Tây Ninh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tay-ninh-kham-kha-nho-trong-lan-tren-da/20191112093637211