Tây Ninh tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, từ năm 2008 đến nay, địa phương này đã bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông. Những dự án trên đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đường giao thông Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh. (Ảnh: K.V)

Thời gian qua, nhiều dự án giao thông quan trọng đã được khởi công và đưa vào sử dụng ở Tây Ninh như đường đến cửa khẩu Vạc Sa, đường và cầu Tân Nam, đường Kà Tum - Tân Hà, cầu Sài Gòn 1, đường và cầu Bến Đình, đường 786 đoạn từ ngã tư Quốc tế đến huyện đội Bến Cầu, đoạn từ cầu Truông Dầu đến cầu Đường Xuồng, đường tỉnh 788.v.v…

Trong năm 2017, 2018 và 2019, tỉnh Tây Ninh đã khởi công và chuẩn bị khởi công xây dựng 5 dự án mở rộng, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối giữa các tỉnh lân cận với Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen. Tổng nguồn vốn cho các dự án này là 1.715 tỷ đồng. Đó là Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT.782 - ĐT.784 (đoạn từ tuyến tránh quốc lộ 22 thuộc thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng đến ngã tư Tân Bình thuộc phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) dài 46,2 km. Quy mô mặt đường rộng 21,5 mét, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và dải phân cách cứng; lề đường rộng 0,5 mét mỗi bên; được bố trí mương thoát nước và đèn chiếu sáng khu vực dân cư. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ kết nối lưu thông, vận tải hàng hóa, du lịch từ TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen và các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh này.

Dự án thứ 2 là nâng cấp, mở rộng đường Đất Sét - Bến Củi, thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu dài 13,7 km. Điểm đầu tại ngã ba Đất Sét giao với đường ĐT784, điểm cuối tại cầu Bến Củi. Tổng mức đầu tư cho dự án này là 320 tỷ đồng. Thứ 3 là Dự án đường 781, đoạn từ ngã ba hồ nước Dầu Tiếng (huyện Dương Minh Châu) đến địa giới tỉnh Bình Dương dài 14,75 km, mặt đường rộng 7 mét, tổng mức đầu tư trên 79 tỷ đồng.

Tiếp đến là dự án đường 790 nối dài, đoạn từ đường Khedol - Suối Đá đến cống số 3 hồ Dầu Tiếng (thuộc địa phận huyện Dương Minh Châu) có chiều dài 5,7 km. Vốn đầu tư cho dự án là trên 29 tỷ đồng. Và Dự án thứ 5 là Dự án ĐT.781 - ĐT.785 từ bờ hồ Dầu Tiếng đến ngã tư Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) dài 12,6 km, chiều rộng mặt đường bê tông nhựa 11 mét, với tổng mức đầu tư 118,6 tỷ đồng. Dự án này dự kiến khởi công vào đầu năm 2019.

Theo Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh, bên cạnh mục tiêu đẩy mạnh phát triển hạ tầng để phục vụ cho việc đi lại, sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa cho người dân địa phương, các dự án giao thông kể trên còn nhằm mục đích phục vụ tích cực cho việc kết nối mạnh mẽ giữa các tỉnh lân cận như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để thu hút khách du lịch đến với các địa danh nổi tiếng của tỉnh, như Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài, Hồ Dầu Tiếng, Trung ương Cục... nhằm từng bước biến du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Hiện mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là trên 8.186km, trong đó có 3 tuyến quốc lộ dài trên 132km, đó là quốc lộ 22, quốc lộ 22B và quốc lộ 22B kéo dài, đây là những tuyến đường có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh này và khu vực, tạo điều kiện thuận về vận tải và thương mại qua biên giới giữa hai nước Việt Nam - Campuchia nói riêng và giữa hai nước với khu vực ASEAN nói chung.

Ngoài ra, đường thủy nội địa của tỉnh Tây Ninh cũng có 617km sông, kênh, rạch chảy trên địa bàn tỉnh và hồ Dầu Tiếng rộng 27.000 ha diện tích nước mặt, chứa hơn 1,5 tỷ m3 nước. Theo quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 17 cảng thủy nội địa, hiện có 4 cảng đang khai thác và 1 cảng đang đầu tư xây dựng.

Để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa từ tỉnh Tây Ninh và Campuchia về các cảng Sài Gòn, Hiệp Phước, Thị Vải… tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch kéo dài tuyến đường thủy nội địa Sài Gòn - Bến Kéo đến Vàm Trảng Trâu (ranh giới Việt Nam - Campuchia) thành tuyến đường thủy nội địa quốc gia, nghiên cứu đầu tư và công bố trong giai đoạn trước năm 2020. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp nâng tĩnh không cầu Bến Lức để đáp ứng cho phương tiện xà lan cỡ lớn lưu thông, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường thủy nội địa Sài Gòn - Bến Kéo trên sông Vàm Cỏ Đông.

Được biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2017-2020 về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông với mục tiêu được đề ra là phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn và tính kết nối cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ phát triển du lịch; bảo đảm an ninh quốc phòng; phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; kéo giảm tai nạn giao thông; bảo đảm môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Theo kế hoạch nói trên, tỉnh Tây Ninh phát triển hạ tầng giao thông vận tải phù hợp với các quy hoạch của tỉnh, bảo đảm chất lượng khai thác, đáp ứng nhu cầu vận tải, bảo đảm môi trường. Ðồng thời tạo kết nối giữa các phương thức vận tải hình thành mạng lưới vận tải thông suốt với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là TP.Hồ Chí Minh và các cảng trên địa bàn Thành phố này và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, nhất là vận tải hàng hóa với chất lượng và giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn, thuận lợi./..

K.V

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/tay-ninh-tang-cuong-dau-tu-xay-dung-ha-tang-giao-thong-507162.html