Tây Thiên trong Tây du ký nằm ở đâu?

Bộ phim Tây du ký từ lâu đã trở nên thân thuộc đối với rất nhiều thế hệ khán giả Việt Nam, tuy nhiên đến nay vẫn không ít người thắc mắc về sự tồn tại của Tây Thiên. Vậy Tây Thiên mà thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh nằm ở đâu? Liệu địa danh này có thực ở ngoài đời hay không?

Tây thiên trong Tây du ký nằm ở đâu?

Tây thiên trong Tây du ký nằm ở đâu?

Tây Thiên mà thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh nằm ở đâu? Địa danh này có thực ở ngoài đời hay không?

Tây Du Ký” (1986) là một bộ phim rất thành công của đạo diễn Dương Khiết nói riêng và của điện ảnh Trung Quốc nói chung. Phim được xây dựng dựa trên tác phẩm văn học Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân, kể về hành trình đi thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng. Trong suốt hành trình đi lấy kinh, thầy trò Đường Tăng đã phải trải qua 81 kiếp nạn mới đến được Tây Thiên để lấy kinh. Thế nhưng không ít khán giả thắc mắc rằng Tây Thiên nằm ở đâu?

Trong lịch sử, Đường Tăng là một nhân vật có thật. Ông chính là Đường Huyền Trang - sống trong triều đại nhà Đường.

Từ nhỏ Huyền Trang đã tỏ ra thông minh khác thường, mười một tuổi theo anh vào chùa học kinh, về sau lại còn đi các nơi để nghe các pháp sư cao tăng giảng kinh. Năm hai mươi mốt tuổi chính thức cắt tóc đi tu, từ đó lập chí, quyết tâm học cho kì được Phật pháp chân. Ông đi nhiều, đến đâu cũng thành tâm tìm tòi học hỏi ở các vị cao tăng.

Vài năm sau, trong tình hình ở Trung Quốc sinh ra rất nhiều tông phái với các cách giải Phật pháp khác nhau, không ai chịu ai, mà lại không có những bản kinh chân xác chính thống, Huyền Trang cảm thấy rất hoang mang. Do đó ông muốn đi tới nơi phát nguyên của đạo Phật, để được đọc kinh Phật nguyên bản, rồi sau đó sẽ đem về truyền bá ở Trung Quốc.

Năm thứ 3 niên hiệu Trinh Quan đời Đường Thái Tông tức là năm 629 sau Công nguyên, Huyền Trang bắt đầu cuộc hành trình muôn dặm tìm kiếm chân kinh.

Nơi phát nguyên của đạo Phật là ở đâu? Đó là Ấn Độ. Ấn Độ ở phía tây Trung Quốc nên mới nói rằng Huyền Trang Tây du cầu kinh. Dưới con mắt của các tín đồ đạo Phật thì nơi mà Phật tổ Thích Ca Mâu Ni sinh sống và sáng lập ra đạo Phật là đất thánh chẳng khác gì thiên đường, vì thế gọi nơi ấy là Tây Thiên.

Năm 647, ông đã quyết định đi Tây Thiên thỉnh kinh, suốt 14 năm du hành nghìn dặm, lặn lội, sưu tập kinh thư Phật giáo ở Ấn Độ với mong nguyện mang được bộ kinh thư hoàn hảo hơn về Trung Quốc. Trên đường đi, ông thu nạp thêm 3 đệ tử là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng.

Để có thể đến được Tây Thiên thỉnh kinh, trong hành trình ấy, thầy trò Đường Tăng phải kinh qua 81 khổ nạn, với đủ loại quỷ quái, yêu ma, danh, lợi, tình lôi kéo. “Tây Du Ký” kể rằng, quãng đường ấy dài đến “10 vạn 8 nghìn dặm”. Tính ra, đường đi ấy kéo dài tới 54.000 km theo cách tính hiện nay. Vậy là Đường Tăng đã đặt chân lên khắp các vùng Tân Cương, Afganistan, Pakistan, Nepal, Ấn Độ…

Tây Thiên chính là mảnh đất Phật, ở phía Tây Trung Quốc thời nay. Theo như trong Tây Du Ký thì điểm cuối cùng của Tây Thiên mà thầy trò Đường Tăng đặt chân đến chính là đất nước Pakistan ngày nay. Nằm cách thủ đô Islamabad của đất nước Pakistan chừng hơn 30km về phía Bắc có một thị trấn nhỏ tên gọi là Taxila. Đó là vùng đất có nhiều di tích quan trọng của Phật giáo có trên 3.000 năm tuổi.

Taxila phát triển chậm dưới triều đại Maurya và đạt đến đỉnh cao của mình dưới thời Đại đế Ashoka. Vào năm thứ 2 TCN, Phật giáo đã được thừa nhận là quốc giáo của Ấn Độ cổ. Phật giáo phát triển mạnh mẽ và chiếm ưu thế trong hơn 1.000 năm sau đó.

Trong suốt quãng thời gian này, Taxila, Swat và Charsadda (Pushkalavati cũ) đã trở thành 3 trung tâm quan trọng về thương mại, văn hóa và học thuật.

Vào năm 1918, tại Taxila, Chính phủ Pakistan đã cho xây dựng Viện bảo tàng Taxila để lưu giữ và trưng bày các di vật khảo cổ về một thời vàng son của Phật giáo, về nền nghệ thuật điêu khắc Gandhara nổi tiếng thế giới. Năm 1980, Taxila được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Sau khi đến được “Tây Thiên”, Đường Tăng bắt đầu tìm thầy học đạo, tới nghiên cứu về Phật học tại đại học Na Lan Đà, trung tâm tu học Phật giáo lớn nhất Ấn Độ thời bấy giờ.

Phải vượt qua được chặng đường rất dài và gian khổ mới tới được Ấn Độ, Huyền Trang lại cỏn phải chịu thêm muôn vàn khổ hạnh, đi qua vài chục quốc gia nhỏ, tổng cộng mất thời gian ba năm mới tới được chùa Na Lan Đà.

Sau đó, ông lại mất mười ba năm dốc tâm nghiên cứu Phật pháp trong thời gian lưu lại tại Ấn Độ, tại đây Đường Huyền Trang thu thập được hơn 600 bộ kinh sách. Năm thứ 19 niên hiệu Trinh Quan, ông quyết định trở về Trung Nguyên, mang theo những bộ kinh Phật chính tông từ Tây Thiên và dành ra gần 20 năm nữa để phiên dịch 74 bộ kinh sách từ tiếng Phạn sang tiếng Hán

Con đường tơ lụa huyền thoại kết nối văn hóa Đông – Tây

Có một sự trùng hợp là con đường thiên lý sang Tây Thiên thỉnh kinh ấy của Đường Tăng lại cùng một tuyến với con đường tơ lụa huyền thoại kết nối văn hóa Đông – Tây.

Vào hơn 1.400 năm trước đây, từ kinh đô Trường An của Trung Quốc, dù là đi về hướng Bắc hay đi về hướng Nam của con đường tơ lụa, cuối cùng đều sẽ tụ họp tại Pakistan. Đây cũng là trạm dừng chân quan trọng của các nhà buôn trên con đường tơ lụa. Từ nơi này tiến về phía Tây, là chính thức đi vào khu vực Trung Á và Châu Âu.

Các đội buôn từ Châu Âu và Trung Á nếu muốn tiến về phía Đông thì Taxila chính là trạm dừng chân đầu tiên của họ trước khi tiến tới đông thổ Đại Đường. Trong tiến trình lịch sử lâu dài, thị trấn nhỏ này là một cánh cửa lớn cho mọi cuộc thông thương, du lịch từ Đông sang Tây. Trong tiến trình lịch sử gần 3.000 năm, thị trấn Taxila chính là một dấu mốc quan trọng nổi tiếng trên con đường tơ lụa trên lục địa Á – Âu.

Cũng trên con đường này, mỗi năm đế quốc La Mã cổ đã dùng một phần tư quốc khố của mình để mua “tơ lụa Trung Quốc” và vận chuyển về nước.

Giống ngựa Akhal-Teke thuần chủng nhất thế giới, có tốc độ cực nhanh và khả năng chịu đựng vô cùng dẻo dai cũng được thuần hóa cách đây khoảng 3.000 năm và được nhập về Trung Quốc nhiều lần thông qua con đường tơ lụa này.

Bởi vậy con đường tơ lụa và thị trấn Taxila đã có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống bao đời nay của người dân từ Châu Âu sang Châu Á. Trên con đường tơ lụa này từ Châu Âu, Trung Á, các món hàng như tơ lụa, ngựa, trà, dưa hấu, lúa mì… đã không ngừng lưu chuyển từ Đông sang Tây và ngược lại, như những dòng sông không bao giờ khô cạn tuôn chảy giữa những sa mạc khắc nghiệt vùng Trung Á.

Tin nên đọc:

Minh Anh (Tổng hợp)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tay-thien-trong-tay-du-ky-nam-o-dau-85199.html