'Tây Tiến người đi không hẹn ước...'

Bài thơ 'Tây Tiến' có một số phận đặc biệt, được đón nhận ngay, được yêu thương rồi cũng trải gian truân, chìm nổi như phận người…Những câu chuyện về người cha của mình - nhà thơ Quang Dũng - sẽ là nguồn tư liệu phong phú để chúng ta hiểu hơn về nhà thơ Quang Dũng và bài thơ 'Tây Tiến'.

Gia đình nhà thơ Quang Dũng ở tập thể Nguyễn Công Trứ, Hà Nội (ảnh tư liệu)

Gia đình nhà thơ Quang Dũng ở tập thể Nguyễn Công Trứ, Hà Nội (ảnh tư liệu)

Những ký ức về cha

Trong ký ức, cha tôi (nhà thơ Quang Dũng) như một ông tiên hiền lành, vóc dáng cao lớn, khoan thai với mái tóc trắng bồng bềnh như cước và đôi mắt hiền từ. Đặc biệt nụ cười tươi dễ gần dù ông cố làm nghiêm. Trong năm anh em, tôi may mắn là đứa con được cha đón tay từ nhà hộ sinh. Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm nhận được vòng tay ấm áp vững chãi của cha đang nâng đỡ tôi với ánh mắt âu yếm và nụ cười hiền hậu.

Ở bên cha trong suốt tuổi thơ ấu, tôi được đón nhận một tình yêu thương, chiều chuộng vô bờ từ ông, cũng có thể do tôi là con gái út trong nhà. Công việc của cha tôi hay đi công tác và mỗi chuyến đi nếu kèm được con là cha cho tôi đi theo.

Bởi vậy mà tuổi thơ của tôi đầy ắp những chuyến đi đây đó, lúc lên rừng lên núi, lúc xuống biển rồi về các vùng nông thôn làng nghề, ở cùng gia đình những người nông dân làm ruộng, chài lưới…, lúc đó tôi luôn tin rằng tất cả những gia đình ấy đều là người thân của cha tôi!

Những năm sơ tán giặc Mỹ ở làng Mông Phụ, xã Đường Lâm (Sơn Tây), gia đình tôi đông người được ưu tiên ở cả gian nhà kho nằm trơ trọi sát đường làng.

Thời gian ở đây, cha hay luyện tập mấy thế võ mà ông nói đùa là võ Tòng (Võ Tòng – tên một nhân vật trong truyện Thủy hử- Trung Quốc), đi vài đường kiếm sáng loáng trước sự ngạc nhiên, háo hức như được xem diễn tuồng của lũ trẻ làng.

Sau này, cha tôi tiết lộ ngoài việc rèn luyện sức khỏe còn có ý đánh tiếng “ông chủ nhà này biết võ ” do nghe đồn ở khu vực dân sơ tán hay có trộm, cướp… nhất là những nhà tăng gia nuôi gà, trồng rau cải thiện.

Từ nơi sơ tán chỉ đi gần hai cây số là đến lăng Ngô Quyền. Những lúc rảnh rỗi, cha lại đèo tôi trên chiếc xe đạp Thống nhất một gióng vào vẽ tại đây. Những bức tranh Quan Vân Trường, Võ Tòng đả hổ hay Quang Trung cưỡi chiến mã….ông vẽ xong lại thích thú tặng cho lũ trẻ chăn trâu trong làng đã vây quanh xem ông vẽ từ lúc nào…

Những mảng tường đá ong bên giếng nước trong vắt giữa làng, suối Hai uốn mình quanh núi Ba Vì xanh sẫm, cổ kính Chùa Thầy… và mênh mông cánh đồng vàng óng…đã gieo vào tôi một tình yêu với vùng đất đẹp và nên thơ: Xứ Đoài – quê hương Ông.

Nhà thơ Quang Dũng và con gái Bùi Phương Thảo (ảnh tư liệu)

Ngày ấy, gia đình tôi ở trên căn gác tầng ba, số 296 phố Bà Triệu, thời gian đủ ngấm vào kí ức của tôi những tháng năm khó quên. Căn gác cũng đổi thay đến không nhận ra hình thù nhưng duy nhất có hai thứ không rõ vì sao chẳng thay đổi. Đó là khung cửa sổ với hai cánh cửa nguyên vẹn như khi gia đình tôi còn ở đó từ năm 1965 và cây lim nhỏ thó ở trước cổng vào nhà số 296 Bà Triệu vẫn không chịu lớn lên cùng thời gian.

Người truyền lửa tình yêu cuộc sống

Có vẻ như chúng muốn lưu giữ những kỉ niệm của khu phố mãi mãi…

Bao nhiêu bước chân nặng trĩu của cha tôi với đôi thùng gánh nước lên gác thượng, khẽ khàng đổ đầy nước vào cái chum sành to mang ở quê lên và đi dọc con phố xuống đến chợ Đuổi từ tờ mờ sáng, xếp hàng ở vòi nước công cộng.

Cả cái cót đựng thóc và mùn cưa ở góc cầu thang, nơi tôi hay giấu vào đó cặp lồng cơm ủ cho ấm để mang lên cơ quan cho cha hay vùi chai bia hơi giữ lạnh cho cha tôi tiếp khách văn chương.

Căn phòng nhỏ đơn sơ ấy thường đầy ắp tiếng nói chuyện, tiếng cười và cũng lắng đọng nhiều ưu tư phiền muộn. Có những buổi gặp mặt bạn bè, không khí như trầm xuống kèm đôi tiếng thở dài… Nỗi buồn với những tâm hồn nghệ sĩ như ông cũng chỉ là cơn mưa bóng mây thôi, cha tôi là người luôn mạnh mẽ vượt qua những khó khăn gian khổ cho đến lúc từ giã cõi đời…

Cha tôi thường dạy sớm và ngồi vào bàn viết, hoặc đôi lúc là ở bậc thang trên gác thượng. Công việc biên tập của ông cần sự tỉ mỉ và tâm huyết, những dòng nhận xét góp ý của ông trên bản thảo trong di cảo còn lại làm tôi hiểu và yêu thương cha muôn phần. Cũng chính cha tôi gợi ý và ủng hộ tôi vào học sư phạm để làm một cô giáo.

Chặng đường cha tiễn tôi về nhận công tác ở một huyện ngoại thành Hà Nội ngày tôi ra trường là kỉ niệm không thể quên với tôi. Trên đoạn đường đất gần hai cây số vào trường thơm mùi lúa làm đòng, giọng ông ấm áp nhẩn nha từng câu nói với tôi: “ Bố mong muốn con trưởng thành từ công việc của một cô giáo và sau này trở thành một con người can đảm, biết yêu thương bố nhiều hơn”.

Đó là lần duy nhất cha dặn dò tôi theo cách trò chuyện trực tiếp, sau này cha hay viết thư cho tôi. Những bức thư của cha là kỉ vật vô giá với tôi. Tôi biết ơn cha vô cùng, ông đã truyền cho tôi tình yêu cuộc sống, vượt lên gian khó và lạc quan trước mọi hoàn cảnh .

(Kỉ niệm 30 năm mất cha 1988-2018)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tay-tien-nguoi-di-khong-hen-uoc-3949535-c.html