Taylor Swift lạc lõng, 'chết yểu' trong kịch bản phim thảm họa

Amsterdam đánh dấu sự trở lại của David O. Russell sau 7 năm rời xa màn ảnh. Dù sở hữu dàn diễn viên khủng, kịch bản lại là yếu tố khiến chất lượng phim mất điểm trầm trọng.

* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Thể loại: Chính kịch, Trinh thám, Lãng mạn
Đạo diễn: David O. Russell
Diễn viên: Christian Bale, Margot Robbie, David Washington, Anya Taylor-Joy, Rami Malek, Taylor Swift, Zoe Saldana, Robert De Niro.
Đánh giá: 5.5/10

Amsterdam: Vụ Án Mạng Kỳ Bí là dự án điện ảnh đánh dấu sự trở lại của đạo diễn David O. Russell sau nhiều năm vắng bóng. Trước đó, tác phẩm cuối cùng của ông xuất hiện trên màn ảnh rộng là Joy – Người phụ nữ mang tên "Niềm vui" (2015). Bộ phim có sự góp mặt của những diễn viên kỳ cựu như Robert De Niro, Bradley Cooper, đồng thời đem lại cho Jennifer Lawrence đề cử Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc.

Với bộ phim chính kịch mang hơi thở dark comedy (hài kịch đen) mới, Russell một lần nữa mời gọi những cái tên hàng đầu của Hollywood tham gia. Bên cạnh dàn cast đồ sộ với những ngôi sao điện ảnh như Christian Bale, Margot Robbie, David Washington, Anya Taylor-Joy hay Robert De Niro, khán giả cũng chứng kiến sự góp mặt của nữ ca sĩ đình đám Taylor Swift.

Lấy bối cảnh những năm thập niên 30 của thế kỷ trước, phim xoay quanh câu chuyện phức tạp giữa nhóm bạn gồm một bác sĩ, y tá và một luật sư. Mối quan hệ thân thiết của cả ba sau nhiều năm xa cách sẽ bị thử thách khi họ trở thành nghi phạm chính trong một vụ án mạng kỳ lạ.

Kịch bản phim phức tạp, rối rắm

Đứng sau thành công của các tác phẩm nổi tiếng như Bingo Inferno, Spanking the Monkey hay Silver Linings Playbook, David O. Russell ít nhiều gây thất vọng vì hụt hơi trong lần trở lại này. Kịch bản phim là một sự trộn lẫn nhiều gia vị, từ chính kịch, trinh thám, lãng mạn cho tới sử thi, được kể bằng ngôn ngữ làm phim cá nhân của đạo diễn.

Tuy vậy, Amsterdam lại là một món ăn khó lòng phục vụ số đông quần chúng do cách dẫn chuyện lê thê, rối rắm và thiếu vắng cao trào.

 Amsterdam kể một câu chuyện rối rắm. Ảnh: 20th Century Studios.

Amsterdam kể một câu chuyện rối rắm. Ảnh: 20th Century Studios.

Chuyện phim bắt đầu khi Bill Meekins, một vị tướng quân đội đã về hưu, đột ngột qua đời ngay trước thềm sự kiện gặp gỡ các cựu binh được tổ chức. Hoài nghi về cái chết của người cha, Liz Meekins (Taylor Swift thủ vai) đã tìm đến sự giúp đỡ của bộ đôi bác sĩ Burt Berendsen (Christian Bale) và luật sư Harold Woodman (David Washington). Cả hai từng phục vụ dưới trướng của Bill khi còn trong quân đội.

Nói về Harold và Burt, họ là những người bạn thân thiết từng vào sinh ra tử và thề rằng sẽ không bỏ rơi nhau. Tại thành phố Amsterdam, bộ đôi đã gặp gỡ và kết giao với Valerie Voze (Margot Robbie), một nữ y tá lập dị đam mê nghệ thuật. Nhưng rồi, thời gian và tình yêu tạo nên những bức tường ngăn cách và chia xa họ.

Bẵng đi một thời gian dài, lần hội ngộ này của cả ba trớ trêu thay lại xảy ra trong tình huống ngặt nghèo. Cuộc điều tra khiến họ rơi vào những rắc rối, nguy hiểm khi phải đối mặt với một thế lực bí ẩn cùng những âm mưu chính trị khổng lồ phía sau.

Cốt truyện gay cấn là vậy, nhưng cái cách đạo diễn hiện thực kịch bản lại khá phức tạp và có phần ngớ ngẩn. Dựa trên sự kiện “The Business Plot” (Cuộc đảo chính Nhà Trắng) có thật trong lịch sử, Russel mất nhiều thời gian để lấp đầy tiền đề cho câu chuyện âm mưu chính trị năm 1933. Cụ thể, đó là cuộc tổng động viên kêu gọi các cựu binh tham gia kế hoạch lật đổ chính quyền Franklin D. Roosevelt, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, ngôn ngữ làm phim dù mang tính đặc trưng với “cái tôi” cao nhưng vô tình lại trở nên rối rắm, khó tiếp cận. Quá nhiều tình tiết và tuyến nhân vật được cài cắm xuyên suốt Amsterdam, biến tác phẩm trở thành một lời thách đố khả năng ghi nhớ và phân tích của khán giả.

Không chỉ vậy, thoại phim cũng nhiều một cách bất thường. Dẫu biết đây là đặc điểm của thể loại trinh thám, nhưng cái cách Russel cho nhân vật nói chuyện không ngừng nghỉ khiến người xem không khỏi “rối não”. Vì vốn dĩ, khối lượng sự kiện diễn ra đã đủ để họ cảm thấy choáng ngợp. Bên cạnh đó, cao trào của phim cũng bị xây dựng khá hời hợt, thiếu logic và kịch tính. Mối quan hệ giữa bộ ba bỗng nhiên mờ nhạt vì chưa trải qua thử thách đủ lớn để trở nên hấp dẫn, thuyết phục.

Bộ phim khiến khán giả ngộp thở với quá nhiều nhân vật và sự kiện. Ảnh: 20th Century Studios.

Kịch bản đồ sộ, trải dài trên những cảnh quay chắp vá thiếu vắng lời giải thích. Đó là lý do khiến cho sự liên kết giữa nội dung Amsterdam và tâm lý khán giả trở nên hụt hơi, lỏng lẻo. Cuối phim, nhân vật Burt Berendsen buông lời tâm sự cay đắng rằng: “Anh đã phải chờ đợi rất lâu cho một điều sai lầm”. Và tương tự như vậy, những “thượng đế màn ảnh” cũng sẽ phải chờ đợi một thời lượng phim dài để rồi kết luận đây là một tác phẩm sáo rỗng, ngớ ngẩn.

Sự lãng phí dàn diễn viên đình đám

Điện ảnh hóa sự kiện lịch sử, đạo diễn cũng không quên đem tới một câu chuyện đẹp về những mối quan hệ dưới góc nhìn đầy tính nhân văn. Một vị bác sĩ chột mắt, một vị luật sư và một cô nàng đam mê nghệ thuật lại có thể vô tình chạm mặt trong thời buổi chiến tranh loạn lạc. Giữa cuộc sống đầy rẫy biến cố và cạm bẫy, họ cùng nhau xây dựng một mối quan hệ hồn nhiên, khăng khít và bền chặt. Dẫu có hiểu lầm hay bị thời gian chia lìa, tâm hồn của cả ba luôn đồng điệu và dành cho nhau niềm tin.

Được thủ vai bởi những diễn viên đầy thực lực, tuyến nhân vật chính trong phim hiện lên với cá tính rõ ràng, ít nhiều gây được ấn tượng. Không nghi ngờ gì, diễn xuất của họ đã cứu vớt bộ phim, khỏa lấp được phần nào những thiếu sót của kịch bản.

Ngắm nhìn màn biến hóa của Christian Bale, vẻ đẹp quyến rũ nhưng điên loạn của Margot Robbie hay sự bộc trực của David Washington, người xem có lý do để nán lại lâu hơn trước màn ảnh. Sở dĩ, đây cũng là ý đồ của O. Russel để câu kéo khán giả tới rạp khi cố ý tuyển chọn dàn cast đình đám, tài năng và giàu kinh nghiệm.

Không chỉ riêng vai chính, ngay cả tuyến nhân vật phụ cũng được đảm nhận bởi các tên tuổi lớn như Anya Taylor-Joy, Rami Malek, Zoe Saldana, Chris Rock hay thậm chí là Robert De Niro. Nếu chỉ đánh giá dựa trên tiêu chí diễn viên, Amsterdam chắc hẳn sẽ phải là một kiệt tác điện ảnh. Bởi ngoại trừ những bom tấn siêu anh hùng nổi tiếng của DC hay Marvel, hiếm có bộ phim nào quy tụ một dàn cast “khủng” tới vậy.

Tuy nhiên, giới phê bình vẫn chê trách đạo diễn khi “lãng phí” những tài năng vốn dĩ có thể đem tới thành công cho bộ phim. Thiếu đất diễn, một số diễn viên phải vật lộn và rồi chết đuối trong dòng sự kiện phim tưởng chừng không có điểm dừng, không có chỗ đứng cho họ. Đôi lúc, một số màn xuất hiện tỏ ra nhạt nhòa vì không tạo được sức nặng hay những va chạm ý nghĩa cho câu chuyện.

Chưa dừng ở đó, sự xuất hiện của nghệ sĩ khách mời như Chris Rock hay đặc biệt là Taylor Swift thực sự thừa thãi, khó hiểu. Thời lượng họ đóng góp cho phim không nhiều, cũng chẳng mang lại bất kỳ một ý nghĩa rõ ràng cho câu chuyện. Dường như, hai cái tên này chỉ là quân cờ trong tay David O. Russell hòng tạo ra sức hút về mặt truyền thông.

Bất kể ý đồ đạo diễn là gì, màn trình diễn của bộ đôi trên màn ảnh hoàn toàn làm cho người xem cụt hứng, thất vọng. Chưa kể, đặt cạnh những cái tên kỳ cựu giàu thực lực, diễn xuất của cả hai càng để lộ sự “lệch pha”, yếu kém. Nếu Chris Rock ít nhiều mang lại cảm giác “hợp vibe” với dark-comedy vì bản thân anh vốn dĩ là một danh hài, thì sự thể hiện của Taylor Swift đúng nghĩa là lạc lõng, thảm họa. Điều này cũng khó trách, bởi bản thân cô là một ca sĩ, không phải diễn viên chuyên nghiệp.

Hiếm có bộ phim nào quy tụ được dàn diễn viên thực lực sáng giá như Amsterdam. Ảnh: 20th Century Studios.

Nhìn chung, ngoại trừ âm nhạc, bối cảnh, phục trang và một dàn cast được đầu tư, Amsterdam chưa phải là một dự án điện ảnh chất lượng. Tác phẩm không mang tới thông điệp cụ thể, lại tỏ ra chới với giữa lằn ranh nghệ thuật và giải trí. Dù có những diễn viên đình đám góp sức, sự yếu kém trong khâu chuyển tải kịch bản vẫn khiến phim trở nên quá sức đối với họ.

Tuy vậy, một số nhà phê bình lại yêu thích phong cách làm phim đặc trưng này của O. Russel. Pete Hammond đã gọi Amsterdam là một trong những tác phẩm hay nhất. Đồng thời, ông cũng dành tặng lời khen cho sự phức tạp của kịch bản và cách thức xây dựng nhân vật độc đáo. Trong khi đó, bản thân tài tử Christian Bale cũng ca ngợi “cái tôi” của vị đạo diễn này. Anh cho rằng, đó là điểm đặc biệt khiến phim của Russel trở nên cuốn hút, hấp dẫn.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-taylor-swift-lac-long-tham-hoa-va-chet-yeu-post1363581.html