Tel Aviv chính thức đồng ý chuyển giao vũ khí Israel sản xuất cho Ukraine

Vũ khí Israel chính thức được phép tái xuất khẩu sang Ukraine, đây là thông tin chắc chắn sẽ khiến Nga cảm thấy lo lắng.

Hiện tại chưa có thông tin chi tiết về các loại vũ khí Israel sẽ được cung cấp cho Ukraine trong tương lai, tuy nhiên danh sách dự kiến sẽ bao gồm những chủng loại rất hiện đại, có tính năng kỹ chiến thuật cao.

Hiện tại chưa có thông tin chi tiết về các loại vũ khí Israel sẽ được cung cấp cho Ukraine trong tương lai, tuy nhiên danh sách dự kiến sẽ bao gồm những chủng loại rất hiện đại, có tính năng kỹ chiến thuật cao.

Giới phân tích dự đoán Israel sẽ cung cấp cho Ukraine tên lửa chống tăng và máy bay không người lái cảm tử đã được sử dụng nhiều lần ở Lebanon, Syria, Karabakh, Iran và Iraq, vũ khí này đã phá hủy nhiều hệ thống phòng thủ S-300 cũng như thiết giáp của đối phương.

Hiện tại, giới truyền thông biết rằng chúng ta đang nói về máy bay không người lái tấn công cảm tử Harop, hệ thống tên lửa chống tăng Spike, tổ hợp pháo phản lực phóng loạt Lynx, cũng như các bộ phận cho phép nâng cấp xe tăng kiểu Liên Xô.

Theo một số báo cáo, quyết định này được đưa ra dưới áp lực của Washington, trong khi Israel sẽ cung cấp vũ khí trị giá hàng triệu USD cho một số quốc gia để tái xuất khẩu gián tiếp sau đó sang Ukraine.

Được biết, danh sách này không bao gồm các hệ thống tên lửa chiến thuật và hệ thống phòng không, tuy nhiên hoàn toàn có khả năng Ukraine sẽ nhận được những vũ khí trên sau một thời gian đàm phán.

Hiện tại đã có bằng chứng rõ ràng về việc xe thiết giáp kháng mìn (MRAP) loại GAIA Amir do Israel sản xuất phục vụ trong thành phần tác chiến của Quân đội Ukraine, đây chính là sản phẩm đầu tiên theo dạng "tái xuất khẩu".

Chính thức thì cho đến thời điểm hiện nay, Israel chỉ cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine dưới dạng quân trang, thiết bị y tế, một số khí tài nhìn đêm và đặc biệt là hệ thống tác chiến điện tử chống máy bay không người lái.

Dự kiến, việc chuyển giao vũ khí trực tiếp từ Israel tới Ukraine có thể bắt đầu diễn ra trước cuối năm nay, như tuyên bố trước đó của tân Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz.

Chính sách trung lập của Israel với cuôc xung đột Ukraine đã thay đổi sau khi ông Netanyahu - một chính trị gia có quan điểm vô cùng cứng rắn với Iran quay lại chính trường nước này để nắm quyền.

Thủ tướng Israel bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Nga và Iran, theo đó Moskva sẽ cung cấp cho Tehran tiêm kích Su-35 và tổ hợp phòng không S-400 để đổi lấy máy bay không người lái chiến đấu.

Israel cho rằng hành động của Nga đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của mình, bởi Tel Aviv vẫn cáo buộc Iran duy trì chương trình hạt nhân nhằm phát triển vũ khí và luôn để ngỏ khả năng tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu như họ đã từng làm trong quá khứ với Iraq và Syria.

Tiêm kích Su-35 và hệ thống phòng không S-400 của Nga nếu được chuyển giao cho Iran trong tương lai gần sẽ làm phức tạp đáng kể toan tính của Israel, vì vậy phản ứng mà Tel Aviv đưa ra là dễ hiểu.

Trong diễn biến khác, Ukraine đang đề nghị Israel cấp tốc viện trợ cho họ các hệ thống phòng thủ tên lửa như Iron Dome để chống lại những cuộc tấn công do Nga thực hiện trong thời gian gần đây.

Rất có thể dưới áp lực lớn từ Mỹ và Ukraine, Israel sẽ phải chấp thuận đề nghị này, nếu vậy bầu trời thủ đô Kyiv và vùng lân cận sẽ lần đầu tiên được bảo vệ bởi một hệ thống phòng thủ tên lửa đích thực.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tel-aviv-chinh-thuc-dong-y-chuyen-giao-vu-khi-israel-san-xuat-cho-ukraine-post523287.antd