Tên lửa cuối cùng của NASA

Nếu đưa người lên Mặt Trăng thành công, Hệ thống Phóng Không gian (SLS) sẽ là chiếc tên lửa cuối cùng do NASA tự chế tạo và phóng.

Trải qua 11 năm chế tạo, tên lửa mạnh mẽ nhất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sau sứ mệnh Apollo đã thành hình. SLS cao hơn tượng Nữ thần Tự do, đại diện tham vọng đưa các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt Trăng, xa hơn là Hỏa tinh.

SLS đã tiến thêm một bước đến giai đoạn khởi hành sau đợt thử nghiệm ngày 19/3. Mục tiêu cuộc thử nghiệm là đốt nóng động cơ tên lửa trong 8 phút, mô phỏng khoảng thời gian từ lúc tên lửa đẩy được kích hoạt đến khi bay vào không gian.

Tuy mục tiêu đề ra là 8 phút, NASA và nhà thầu chính Boeing chỉ duy trì tên lửa trong 4 phút để thu thập dữ liệu kỹ thuật. Trong lần thử nghiệm trước đó vào tháng 1, các kỹ sư đã tắt động cơ SLS chỉ sau 67 giây do lỗi kỹ thuật.

 Tên lửa đẩy cho sứ mệnh Artemis được lắp ráp tại Trạm Vũ trụ Kennedy, bang Florida (Mỹ). Ảnh: New York Times.

Tên lửa đẩy cho sứ mệnh Artemis được lắp ráp tại Trạm Vũ trụ Kennedy, bang Florida (Mỹ). Ảnh: New York Times.

Sứ mệnh đưa con người lên Mặt Trăng lần nữa

SLS dự kiến được phóng vào tháng 11 tại Trạm Vũ trụ Kennedy, mang theo tàu vũ trụ Orion vòng quanh Mặt Trăng trong 6 ngày trước khi trở lại Trái Đất. Nhiệm vụ thứ 2 của SLS mang theo phi hành đoàn được lên kế hoạch phóng vào năm 2023, dự kiến khám phá cực Nam của Mặt Trăng, nơi con người chưa từng đặt chân đến.

Không chỉ tiếp nối giấc mơ đưa con người lên Mặt Trăng lần tiếp theo, SLS còn đại diện cho lịch sử và dấu chấm hết. Đây có thể là lớp tên lửa cuối cùng mà NASA tự chế tạo.

Trong hàng chục năm qua, NASA luôn mong ước đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng nhưng điều kiện không cho phép. Họ thiếu một tên lửa được thiết kế, thử nghiệm và chứng minh an toàn để đưa con người rời khỏi Trái Đất. Nếu phóng thành công SLS vào tháng 11, NASA và Mỹ có thể tự hào khi hoàn thành giấc mơ từ hàng chục năm.

Chặng đường của SLS không đơn giản. Nó không sinh ra từ bàn làm việc của kỹ sư NASA, mà là văn phòng các thượng nghị sĩ. Năm 2010, Quốc hội Mỹ đã bày tỏ tham vọng chế tạo phương tiện phóng đưa các vật thể nặng lên không gian. Tuy nhiên, chưa ai biết phương tiện đó là gì, sẽ phóng lên đâu.

Bệ phóng tên lửa SLS tại Trạm Vũ trụ Kennedy. Ảnh: NASA.

Không có ý tưởng cụ thể, các thành viên quốc hội yêu cầu NASA xem lại bản thiết kế tàu con thoi cũ để chế tạo phương tiện mới, đặt mục tiêu phóng thành công vào năm 2016.

Sau khi nhận nhiệm vụ, NASA đã xem xét nhiều sứ mệnh khác nhau có thể tích hợp với phương tiện như tên lửa quay quanh hành tinh, tên lửa đáp xuống Hỏa tinh và cuối cùng là tên lửa Mặt Trăng cho sứ mệnh Artemis. Dù được sử dụng cho sứ mệnh nào, NASA sẽ phải tiêu tốn hàng tỷ USD, mất hơn 5 năm chế tạo phương tiện.

Giấc mơ của các đời tổng thống Mỹ

Chặng đường chông gai của SLS trong 10 năm qua trái ngược với những chiếc tên lửa không phải của NASA.

Trong 5 năm gần đây, SpaceX là cái tên nổi bật với những lần phóng tên lửa khiến thế giới chú ý. Công ty của tỷ phú Elon Musk đã phóng hàng trăm vệ tinh vào không gian. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, tên lửa của họ trở lại quỹ đạo và hạ cánh để tái sử dụng. Ngày 15/3, tầng một của tên lửa Falcon 9 (B1501) đã hoàn thành chuyến bay thứ 9, đưa 60 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo Trái Đất.

Đợt thử nghiệm động cơ của SLS vào tháng 1 chỉ kéo dài 67 giây. Ảnh: New York Times.

Các chương trình tên lửa tương tự đã được NASA tăng tốc phát triển sau khi chương trình tàu con thoi "nghỉ hưu" vào năm 2011. Năm ngoái, SpaceX đã đưa các phi hành gia đầu tiên của họ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Giờ đây, SpaceX đặt mục tiêu đưa con người lên Mặt Trăng và Hỏa tinh. Các công ty tư nhân giống SpaceX thậm chí đặt tham vọng mở những chuyến du lịch không gian trong tương lai.

SLS không phải nỗ lực đầu tiên của NASA sau Apollo nhằm chế tạo tên lửa chở người lên Mặt Trăng. Ngày 20/7/1989, đúng 20 năm sau khi tàu Apollo 11 đổ bộ lên Mặt Trăng, Tổng thống Mỹ lúc ấy George H.W. Bush cam kết đưa con người lên nhiều hành tinh để sinh sống. Ông đưa ra thời hạn đến năm 2019 các phi hành gia có thể ngắm sao từ Hỏa tinh.

Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Đến năm 2004, Tổng thống George W. Bush đưa ra tuyên bố tương tự cha ông. Phần lớn kỹ sư SLS và tàu vũ trụ Orion được chuyển từ sứ mệnh Constellation (đã bị hủy bỏ). Năm 2010, Tổng thống Barack Obama giao nhiệm vụ cho NASA phát triển tên lửa đưa người lên Hỏa tinh.

Phương tiện này đã được chuyển sang Artemis, sứ mệnh được đề xuất bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump để đưa người phụ nữ đầu tiên lên Mặt Trăng, sau đó cập bến "Hành tinh đỏ".

Ảnh dựng của SLS trên bệ phóng. Ảnh: NASA.

Bất chấp tham vọng của các đời tổng thống Mỹ, loài người vẫn chỉ dừng lại ở quỹ đạo. Để có thể đi đến Mặt Trăng không đơn giản là đi xa hơn. ISS hoạt động ở độ cao 402 km so với bề mặt Trái Đất, nhưng Mặt Trăng cách xa chúng ta đến hơn 402.000 km. Sau 32 năm thất bại, việc phóng thành công SLS sẽ mở lại "đường bay" cũ, NASA một lần nữa sở hữu phương tiện đưa con người đến hành tinh khác.

Những tên lửa khác của Mỹ cũng không thể đưa con người lên Mặt Trăng sau một lần phóng. Tên lửa Falcon Heavy của SpaceX đã phóng 3 lần nhưng không được cấp phép chở người. SpaceX đang chuyển hướng sang Starship, tàu vũ trụ với sứ mệnh đưa con người vào không gian trong nhiều năm tới.

Blue Origin, công ty tên lửa tư nhân do tỷ phú Jeff Bezos thành lập, cũng đang gặp khó khăn trong việc tạo ra tên lửa đa dụng, chở phi hành đoàn có thể hạ cánh nhẹ nhàng để tái sử dụng trong lần phóng tiếp theo.

Trong khi những tham vọng khác cần nhiều năm tới để thành hình, NASA đang là cái tên duy nhất có thể đưa con người lên không gian trong tương lai gần, ngay cả khi mỗi lần phóng tiêu tốn 2 tỷ USD và không thể tái sử dụng tên lửa.

2 bản mẫu tên lửa Starship trên bệ phóng và tên lửa New Shepard của Blue Origin đang hạ cánh. Ảnh: Reuters, Blue Origin.

Dấu chấm hết cho tên lửa của NASA

So với các công ty tư nhân, tầm nhìn của NASA hoàn toàn khác biệt. Họ không cần phát triển tên lửa tái sử dụng. Lịch sử cho thấy một khi tên lửa của NASA bay được, chúng sẽ hoạt động tốt và ổn định. Đến khi Starship và những tên lửa khác bay an toàn và đều đặn, NASA có thể yên tâm tiếp tục sứ mệnh bởi họ đang có một tên lửa đã tiến rất gần đến giai đoạn phóng.

NASA cũng không cần sử dụng mãi SLS. Có thể họ chỉ cần tên lửa này để hoàn thành sứ mệnh đưa người phụ nữ đầu tiên lên Mặt Trăng, còn nhiệm vụ thương mại hóa du lịch không gian sẽ là một hành trình mới, cuộc chơi thực sự của các công ty tư nhân.

Dù kết thúc trong năm sau hay 10 năm tới, SLS sẽ đặt dấu chấm hết, không chỉ cho một chương mà là cuốn sách, chứa những cái tên như Apollo 11, Saturn 5 hay SLS.

Theo New York Times, SLS sẽ là tên lửa cuối cùng do NASA tự chế tạo và phóng. Họ không còn lý do gì để phát triển tên lửa mới dựa trên SLS hay Apollo. SLS sẽ thành công nếu nhiệm vụ duy nhất là mang đến thời gian, sự tự tin cho những sứ mệnh thương mại không gian trong tương lai.

NASA công bố đoạn phim mới nhất ghi lại trên Sao Hỏa Video ghi lại những âm thanh của tàu thăm dò Perseverance khi di chuyển trên Sao Hỏa. Sau khi tìm vị trí có địa hình phù hợp, tàu sẽ cất cánh máy bay không người lái Ingenuity.

Phúc Thịnh

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ten-lua-cuoi-cung-cua-nasa-post1195722.html