Tên lửa diệt hạm K-300P Bastion-P được Nga điều đến đảo tranh chấp với Nhật Bản

Nga triển khai hệ thống tên lửa diệt hạm K-300P Bastion-P tới đảo Paramushir, tăng cường lực lượng tên lửa diệt hạm hiện diện ở quần đảo Kuril mà Nhật cũng tuyên bố chủ quyền.

"Kíp vận hành hệ thống tên lửa bờ Bastion thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã được triển khai và bắt đầu làm nhiệm vụ ở đảo Paramushir ở phía bắc quần đảo Kuril. Lực lượng tên lửa bờ sẽ liên tục trực ban để giám sát các vùng biển xung quanh hòn đảo", Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết hôm nay.

Quân đội Nga cho biết, binh sĩ và khí tài được chuyển đến đảo bằng tàu đổ bộ, trong khi lực lượng hậu cần đã chuẩn bị trước cơ sở hạ tầng có khả năng tự cung tự cấp dài hạn. "Căn cứ này có khả năng hoạt động liên tục quanh năm, bảo đảm nơi ở, ăn uống và giải trí cho binh sĩ", thông cáo có đoạn.

Đây là tổ hợp tên lửa bờ Bastion thứ ba được triển khai đến quần đảo Kuril. Nga lần đầu triển khai hệ thống phòng thủ Bastion và Bal đến khu vực này hồi năm 2016, tổ hợp thứ hai được bố trí trên đảo Matua ở trung tâm Kuril từ tháng 12/2021.

Nhật Bản chưa bình luận về thông tin trên.

Quần đảo Kuril do Nga kiểm soát, song Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Lãnh thổ phương Bắc. Liên Xô kiểm soát các đảo này trước khi Thế chiến II kết thúc. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ khiến Moscow không thể ký hiệp ước hòa bình với Tokyo và quan hệ hai bên căng thẳng suốt nhiều năm.

Nga tăng cường hiện diện quân sự trên quần đảo Kuril những năm gần đây. Ngoài những tổ hợp tên lửa diệt hạm, Nga cũng đưa các hệ thống tên lửa phòng không tối tân tới khu vực và lập căn cứ không quân cho chiến đấu cơ đồn trú trên đảo Iturup.

Được biết, K-300P Bastion-P là hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển gồm nhiều xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL) bánh lốp trang bị hai tên lửa P-800 Oniks.

Tổ hợp tên lửa này bắt đầu được phát triển vào những năm 1980 để thay thế các tổ hợp 4K51 Rubezh sử dụng tên lửa hành trình đối hạm tốc độ cận âm P-15 Temit và 4K44B REDUT-M sử dụng tên lửa P-35 đã lỗi thời.

Do sự tan rã của Liên bang Xô viết và cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga vào thập niên 1990, nên việc phát triển K-300P Bastion-P đã bị trì hoãn.

Mãi đến năm 2010, các tổ hợp này mới được hoàn thiện và bắt đầu trang bị cho quân đội Nga

Đạn tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh P-800 Oniks (phiên bản xuất khẩu được định danh Yakhont) là một trong những vũ khí chủ lực của hải quân Nga giai đoạn đầu thế kỷ 21.

Tầm bắn của tên lửa P-800 Oniks bản nội địa đạt tới con số 600 - 700 km, trong khi đó phiên bản xuất khẩu Yakhont có cự ly giảm xuống 300 km để phù hợp với Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa - MTCR.

Đạn tên lửa hành trình P-800 Oniks đạt vận tốc tối đa Mach 2,5 ở độ cao lớn. Đây là một thông số khá ấn tượng khi so với các dòng tên lửa diệt hạm phương Tây.

Mỗi quả tên lửa mang theo đầu đạn có trọng lượng 250 kg.

Tên lửa này cũng có khả năng thực hiện thao tác vận động linh hoạt, rất khó để đối phương có thể đánh chặn

Nếu phóng loạt nhiều tên lửa P-800 Oniks một lúc, Nga có thể dễ dàng tiêu diệt tàu sân bay và chiến hạm cỡ lớn của đối phương.

Tên lửa P-800 Oniks được lắp hệ thống dẫn đường quán tính và kích hoạt đầu dò radar chủ động ở giai đoạn cuối để bám bắt mục tiêu ngay cả khi tàu chiến tàu chiến đang di chuyển tốc độ cao.

Trong nhiệm vụ đối đất, P-800 Oniks có thể sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS để tiến công vị trí cố định trên bản đồ đã được hoạch định sẵn.

Chỉ cần 5 phút để hệ thống tên lửa diệt hạm này chuyển từ trạng thái hành quân sang chiến đấu. Khoảng thời gian giữa hai lần phóng chỉ vào khoảng 2-5 giây.

Một khẩu đội tiêu chuẩn của K-300P Bastion-P gồm 4 xe phóng di động, 1-2 xe chỉ huy và điều khiển, 4 xe chở đạn. Xe phóng có thể bố trí cách xa xe chỉ huy và điều khiển tới 25 km.

Với tốc độ siêu nhanh, tính cơ động rất cao, đường bay rất phức tạp, cùng với "bộ não điện tử thông minh", K-300P Bastion-P là một trong những loại tên lửa khó bị đánh chặn nhất trên thế giới hiện nay.

Mặc dù thực tế K-300P Bastion-P là hệ thống tên lửa diệt hạm trang bị cho lực lượng hải quân, tuy nhiên Nga vẫn tận dụng chúng để tấn công mục tiêu mặt đất.

Tại chiến trường Ukraine, Nga đã dùng tên lửa thuộc hệ thống K-300P Bastion-P để phá hủy các mục tiêu mặt đất của đối phương.

Trước đó Nga cũng đã dùng tổ hợp tên lửa này để tấn công phiến quân tại chiến trường Syria.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ten-lua-diet-ham-k-300p-bastion-p-duoc-nga-dieu-den-dao-tranh-chap-voi-nhat-ban-post525023.antd