Tên lửa Đông Phong - 'Bảo bối' của Trung Quốc

Tại cuộc trình diễn kéo dài 80 phút được dàn dựng công phu của 160 máy bay và 580 thiết bị vũ khí ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 1/10 vừa qua, mọi con mắt dường như đổ dồn vào các loại tên lửa Đông Phong (DF) trong lần xuất hiện công khai đầu tiên, đặc biệt là DF-17, DF-41 và DF-100.

Tên lửa DF-17 tại Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc, ngày 1/10/2019 tại Bắc Kinh. (Nguồn: Xinhua)

Theo National Interest, Đông Phong (Dongfeng – DF) là tên gọi chủ yếu được dùng cho các loại tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, chúng được phóng lên tầng cao trong bầu khí quyển trước khi lao xuống mục tiêu với tốc độ khủng khiếp.

Năm 1960, Trung Quốc chế tạo thành công tên lửa Đông Phong đầu tiên (DF-1) với tầm bắn chỉ khoảng 550km và sử dụng nhiên liệu lỏng. Từ đó đến nay, quốc gia này đã đạt được nhiều bước tiến trong nghiên cứu, chế tạo các loại tên lửa, từ nguyên liệu lỏng sang nguyên liệu rắn có sức mạnh lớn hơn, khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân hơn, hay tầm bắn ngày càng có sức thị uy…

Tên lửa có tầm bắn xa nhất

Xuất hiện trên những xe bệ phóng 16 bánh khổng lồ, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41 nặng tới 80 tấn là mẫu vũ khí trên bộ lớn nhất được Trung Quốc triển khai tại Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh. Đây là lần đầu tiên ICBM hiện đại nhất của Trung Quốc được công khai sau gần 20 năm phát triển bí mật.

Giới phân tích quân sự Trung Quốc ca ngợi DF-41 là bước tiến lớn của Bắc Kinh trong năng lực răn đe hạt nhân với tầm bắn từ 13.000 - 15.000 km, xa nhất trong các ICBM trên thế giới, và có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) cho rằng, DF-41 có khả năng tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ chỉ trong vòng nửa tiếng sau khi phóng.

Trung Quốc có thể đã phát triển DF-41 từ trước năm 2000. Tên lửa này được phóng thử ít nhất tám lần kể từ năm 2012, trước khi được hoàn thiện và đưa vào biên chế với quy mô hai lữ đoàn hồi cuối năm 2017.

DF-41 sử dụng nhiên liệu rắn và được gắn trên bệ phóng di động, giúp nó có tính cơ động cao cũng như thời gian phóng ngắn. Những ưu điểm vượt trội này sẽ khiến đối phương khó theo dõi. Một số chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh đang phát triển bệ phóng chạy trên đường sắt cho DF-41, được ngụy trang dưới dạng toa xe tàu hỏa thông thường.

Theo AP, khi phát triển các loại tên lửa như DF-41, Trung Quốc sẽ có thể mở rộng kho vũ khí hiện khoảng 280 đầu đạn hạt nhân, con số còn thấp so với 6.450 của Mỹ và 6.850 của Nga.

Tên lửa DF-41 tại Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc, ngày 1/10/2019 tại Bắc Kinh. (Nguồn: Reuters)

DF-17 “bất khả chiến bại”

Trong màn trình diễn nhiều loại tên lửa tầm trung, tên lửa đạn đạo DF-17, loại vũ khí được giới chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định là “bất khả chiến bại” đã lần đầu lộ diện. DF-17 thu hút sự chú ý bởi đây là tên lửa đạn đạo tầm trung đầu tiên của Trung Quốc được gắn trên thiết bị lượn siêu thanh (HGV) - có khả năng bay nhanh gần 5 lần tốc độ âm thanh (khoảng 6.100km/h).

Đầu đạn sử dụng công nghệ HGV cho phép tên lửa bay thấp hơn ở giai đoạn cuối của hành trình, vì vậy, khó bị đánh chặn và có thể chọc thủng các hệ thống radar cũng như tên lửa đánh chặn của đối phương.

Theo South China Morning Post (SCMP), DF-17 có khả năng mang cả đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân, vươn tới được các mục tiêu trong khu vực châu Á, thậm chí cả lãnh thổ Mỹ.

Defense News cho hay Trung Quốc đã thử nghiệm thiết bị HGV và tên lửa đẩy DF-17 từ năm 2014. Đến cuối năm 2017, DF-17 cũng đã được phóng thử tại Nội Mông, đạt tầm bắn 1.400 km. Cả hai cuộc thử nghiệm đều thành công và dự kiến DF-17 có thể “nhập ngũ” trong năm 2020.

“Sát thủ tàu sân bay”

Có rất ít thông tin về tên lửa DF-100 được tiết lộ. Trước cuộc duyệt binh ngày 1/10, lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc đã công bố hình ảnh thử nghiệm loại vũ khí mới tương tự DF-100. Một số chuyên gia quân sự cho rằng DF-100 mang tên lửa chống hạm siêu thanh HD-1 từng được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2018 ở Quảng Đông.

Theo SCMP, “vũ khí này đã được đưa vào biên chế, với tầm bắn 2.000 - 3.000km và được thiết kế chủ yếu để tấn công các mục tiêu cỡ lớn trên biển”. China Times thì mô tả DF-100 “có thể tấn công các tàu chiến mặt nước cỡ lớn, các mục tiêu giá trị cao của đối phương như trung tâm chỉ huy và thông tin liên lạc”.

National Interest nhận định, “các mục tiêu lớn trên biển” gần như chắc chắn là “các tàu sân bay”, và rằng DF-100 có lẽ được thiết kế để bổ sung cho các loại tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc. Nó bay ở quỹ đạo khác biệt, tạo ra nhiều thách thức hơn cho các hệ thống tên lửa phòng không.

Vượt mặt Mỹ, Nga?

Trong công cuộc cải tổ sâu rộng các lực lượng vũ trang, cuối năm 2015, Trung Quốc đã nâng cấp lực lượng tên lửa lên ngang tầm với một quân chủng, bên cạnh lục quân, hải quân và không quân. Lực lượng Pháo binh Hai từ đó trở thành Lực lượng Tên lửa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLARF).

Theo Reuters, từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 2012 cùng cam kết phục hưng Trung Quốc với tư cách nước lớn, những tên lửa thông thường và hạt nhân mới nhất đã đóng vai trò chính trong một số cuộc diễu binh lớn nhất. Chủ tịch Trung Quốc khẳng định các lực lượng tên lửa là “yếu tố cốt lõi của sự răn đe chiến lược, một trụ cột chiến lược cho vị thế cường quốc chủ yếu của đất nước và là nền móng xây dựng an ninh quốc gia”.

Thực tế, lực lượng tên lửa của Trung Quốc ngày càng trở nên đáng gờm hơn là điều không thể phủ nhận. Trong khi cuộc chiến tốn kém kéo dài gần hai thập kỷ ở Trung Đông và Afghanistan khiến Lầu Năm Góc bị phân tâm, PLA đã gia tăng ngân sách cho quốc phòng, đồng thời cải tiến kỹ thuật nhanh chóng để xây dựng và triển khai kho vũ khí gồm các tên lửa tiên tiến. Aljazeera dẫn số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2018 chi tiêu cho PLA đã tăng 5% lên 250 tỷ USD, gấp khoảng 10 lần so với năm 1994.

Mặt khác, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 đã khiến Mỹ và Nga không thể triển khai tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn 500-5.500 km. Không bị kiềm chế bởi INF, Bắc Kinh đang triển khai số lượng lớn, trong đó có những tên lửa được gọi là “diệt tàu sân bay” như DF-21D. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn có thể duy trì lợi thế đối với loại tên lửa này trong tương lai, bất chấp quyết định hồi tháng 2/2019 của Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi INF.

Tuy nhiên, theo Reuters, độ tin cậy, chính xác và trọng tải các vũ khí của Trung Quốc vẫn chưa được thử thách trong chiến trận. Trái lại, kho vũ khí tên lửa của Mỹ đã được chứng tỏ nhiều lần trong các cuộc chiến hai thập kỷ qua. Cũng không rõ liệu các hệ thống tên lửa của PLA có thể sống sót sau các cuộc tấn công điện tử, tấn công mạng và tấn công vũ lực nhắm vào các cơ sở phóng, hệ thống dẫn đường, trung tâm chỉ huy và kiểm soát hay không.

Theo Giáo sư Robert Farley thuộc Viện Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson (Đại học Kentucky, Mỹ), dù phát triển được loại tên lửa có thể bắn tới Mỹ song không giúp Bắc Kinh có được lợi thế trước Washington. Trung Quốc muốn phá vỡ thế cân bằng hạt nhân với Mỹ thì còn phải đi chặng đường rất dài.

Trong khi đó, Song Zhongping - một nhà bình luận quân sự - nói với hãng tin AP, khoảng cách công nghệ vẫn còn tồn tại với Mỹ và Nga, hai siêu cường đã có thời gian dài hơn để phát triển các chiến lược, nhất là trong lĩnh vực hạt nhân. Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov thì nhận xét, “về trình độ sản xuất cũng như tỉ lệ giữa giá cả và chất lượng, vũ khí Nga không có đối thủ, Mỹ cũng phải thừa nhận”.

Dù thế nào đi nữa, giới phân tích cho rằng một điều chắc chắn là với sự xuất hiện của hàng loạt vũ khí “khủng”, trong đó có “bảo bối” lợi hại mang tên Đông Phong, Trung Quốc muốn gửi đi thông điệp rằng nước này là một đối thủ rất đáng gờm!

Một số vũ khí nổi bật của Trung Quốc tại Lễ diễu binh ngày 1/10/2019

Tên lửa DF-31 có tầm bắn hơn 11.200 km. Phiên bản nâng cấp DF-31AG sử dụng nhiên liệu rắn giống DF-41 giúp rút ngắn thời gian khai hỏa.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-2 có tầm bắn khoảng 7.200 km, là vũ khí chủ lực trên tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 lớp Jin.

Máy bay trinh sát không người lái DR-8 được thiết kế để tiếp cận nhóm tác chiến tàu sân bay đối phương và gửi thông tin mục tiêu trở lại các bệ phóng tên lửa.

Máy bay tàng hình không người lái GJ-1 được cho là thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay tương lai của Trung Quốc. GJ-1 có hai khoang bom ở trong thân.

H-6N là máy bay ném bom tầm xa chủ lực của Trung Quốc trong nhiều năm và được nâng cấp đáng kể, dường như có thêm bệ gắn tên lửa.

Nhật Nguyên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ten-lua-dong-phong-bao-boi-cua-trung-quoc-102485.html