Tên lửa Falcon 9 gặp lỗi giờ G: SpaceX chơi chiêu?

SpaceX chứng minh hệ thống an toàn, tự hủy nhiệm vụ của tên lửa Falcon khi hủy khai hỏa vào phút chót.

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã bất ngờ hủy nhiệm vụ phóng vào phút chót sau khi phát hiện sự cố từ động cơ.

Tên lửa Falcon 9 chuẩn bị phóng. Ảnh: Space.com

Theo đúng kế hoạch, Falcon 9 sẽ đưa lô 60 vệ tinh Starlink thứ 6 vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp vào lúc h22 sáng 15/3 theo giờ địa phương. Tên lửa sẽ cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, Mỹ.

Tuy nhiên, ngay trước giờ khai hỏa, trong lúc đếm ngược, hệ thống máy tính trên Falcon 9 đã phát hiện sự cố ở một trong chín động cơ Merlin 1D và tự động hủy vụ phóng.

SpaceX đã xác nhận vụ việc song gọi đây là sự cố mà Falcon 9 đã kiểm soát tốt.

"Nút hủy tự động đã được kích hoạt do phát hiện sự cố trong quá trình kiểm tra công suất động cơ. Ngày phóng tiếp theo sẽ được thông báo khi có xác nhận" - SpaceX viết trên Twitter thông báo về vụ hoãn phóng mới nhất.

Chuyên gia Michael Andrew của SpaceX cũng nhân dịp này để tiết lộ thêm tính ưu việt của tên lửa Falcon 9, thể hiện tính năng an toàn của sản phẩm SpaceX.

"Tên lửa Falcon 9 được trang bị các tính năng an toàn, có thể kích hoạt lệnh hủy phóng như những gì chúng ta thấy hôm nay. Có cả nghìn khả năng khiến một vụ phóng thất bại nhưng chỉ có một con đường dẫn đến thành công là không mắc bất kỳ sai sót nào. Bởi vậy, chúng tôi rất thận trọng ở giai đoạn trên mặt đất. Chỉ cần một thứ gì đó bất thường, chúng tôi sẽ ngừng đếm ngược" - ông Andrew cho biết.

SpaceX chưa tiết lộ khi nào họ sẽ phóng lại số vệ tinh nói trên.

Việc hệ thống tên lửa tự phát hiện ra lỗi và tự hủy của Falcon 9 đã góp phần củng cố hình ảnh SpaceX trở thành một hãng sản xuất tên lửa uy tín.

Còn nhớ vào tháng 10/2018, tên lửa Soyuz MS-10 đưa 2 phi hành gia Alexey Ovchinin (người Nga) và Nick Hague (người Mỹ) lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS), đã gặp sự cố mà mãi về sau đó, các đơn vị điều tra vào cuộc mới tìm thấy lỗi là ở hệ thống phản lực trong quá trình phóng tên lửa.

Các điều tra công bố vào tháng 1 năm sau được xác nhận rằng, nguyên nhân tại nạn là do một cảm biến sự tách rời các tầng bị biến dạng (uốn cong 6 độ) trong quá trình lắp ráp tên lửa tại sân bay vũ trụ Baikonur.

Dự án tham vọng của tỷ phú SpaceX

SpaceX đang xây dựng "chòm sao Starlink" - một mạng lưới vệ tinh phủ sóng Internet băng thông rộng trên phạm vi toàn cầu. Công ty đã phóng thành công 5 lô vệ tinh trước đó, đưa tổng cộng 302 thiết bị lên quỹ đạo nhưng chỉ có 297 chiếc đi vào hoạt động, 5 chiếc đã ngừng phát tín hiệu.

Trong tương lai, “chòm sao vệ tinh” sẽ hình thành trên quỹ đạo thấp như thế này. Ảnh: ESA

Chủ tịch tập đoàn Elon Musk hy vọng với Starlink, SpaceX sẽ tiêu tốn 10 tỷ USD nhưng sẽ kiểm soát 3%-5% thị trường Internet toàn cầu - một thị trường tiềm năng có doanh thu khoảng 30 tỉ USD mỗi năm. Nguồn thu từ Starlink có vai trò then chốt trong việc hỗ trợ chi trả cho mục tiêu lớn hơn của tỷ phú Musk là phát triển tên lửa và tàu vũ trụ chở người lên Mặt Trăng và thậm chí tiến tới đưa con người tới Sao Hỏa định cư.

Trong kế hoạch ban đầu, SpaceX dự kiến triển khai tổng cộng 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo từ nay tới năm 2027 để tạo ra một mạng lưới giống như một chòm sao siêu lớn. Tuy nhiên, gần đây, tập đoàn này đã được Chính phủ Mỹ cho phép triển khai thêm 30.000 vệ tinh nữa.

Việc triển khai 42.000 vệ tinh đã khiến một số nhà khoa học và giới thiên văn lo lắng khi cho rằng sự xuất hiện dày đặc của những khối kim loại sáng có thể làm suy giảm nghiêm trọng tầm nhìn ban đêm, cản trở hoạt động của kính viễn vọng cũng như dẫn đến va chạm giữa các vệ tinh. Ngoài việc quỹ đạo cao quá chật chội do hàng nghìn vệ tinh khác đang hoạt động, độ cao quá lớn sẽ khiến tốc độ truyền Internet giảm sút.

Theo tính toán của các kỹ sư thực hiện dự án Starlink, vệ tinh phát Internet của họ bay ở độ cao thấp hơn 65 lần so với vệ tinh địa tĩnh. Điều này không chỉ giúp độ trễ mạng giảm xuống 25 đến 35 ms (mili giây), mà còn giúp tốc độ mạng có thể lên tới 10 Gb/s, nhanh gấp 10 lần so với kết nối Internet cáp quang hiện tại.

Ngoài ra, do phải thay mới 5 năm một lần, lượng vệ tinh cũng phải sản xuất liên tục để đáp ứng yêu cầu. Tính toán cho thấy, SpaceX phải thay mới 200 chiếc mỗi tháng, tức tên lửa Falcon 9 cất cánh khoảng mỗi tuần một lần để đảm bảo hệ thống Starlink hoạt động trơn tru.

Clip tên lửa Falcon 9 hủy phóng 60 vệ tinh vào phút chót:

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/ten-lua-falcon-9-gap-loi-gio-g-spacex-choi-chieu-3398649/