Tên lửa Nga bắn hụt mục tiêu vì không hợp khí hậu

Dù Nga không công bố cụ thể loại tên lửa nào bắn kém hiệu quả tại Syria nhưng vũ khí này dần lộ diện.

Việc tên lửa Nga hoạt động thiếu chính xác khi tác chiến tại Syria đã được chính lãnh đạo Tập đoàn Tên lửa chiến thuật Nga, Boris Obsonov thừa nhận.

"Tôi sẽ không giấu diếm, có nhiều sai sót đã được phát hiện trong điều kiện chiến đấu thực sự. Đối với chúng tôi, chiến dịch ở Syria là điều kiện thử nghiệm nghiêm túc", vị lãnh đạo này cho biết.

Hệ thống Pantsir-S1.

Ông Obsonov cho rằng những thiếu sót này là do Nga không có các điều kiện khí hậu tương tự như Syria để thử nghiệm vũ khí. "Chúng tôi không có những điều kiện khí hậu như vậy: Thời tiết sa mạc, bụi cuốn lên từ mặt đất, gió và bão cát", ông Obsonov thừa nhận.

"Chính vì vậy, không thể thử nghiệm những loại vũ khí này trước khi đưa đến Syria. Vũ khí càng phức tạp hơn thì càng phải nghĩ xem vì sao nó thất bại. Vì sao dưới điều kiện không lý tưởng, sự thất bại mục tiêu xảy ra thường xuyên", vị lãnh đạo này cho biết.

Mặc dù thừa nhận về điểm yếu của tên lửa Nga khi tác chiến tại Syria nhưng vị lãnh đạo này không cho biết đó là những loại tên lửa nào. Tuy nhiên, căn cứ vào hiệu quả tác chiến của từng loại vũ khí được thông báo trước đó khi đối đầu với những cuộc tấn công của phiến quân, vũ khí này dần lộ diện.

Theo nhận định của trang Southfront, hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 là vũ khí ảnh hưởng rõ nhất.

Tại những cuộc diễn tập bắn đạn thật ở Nga và một số nơi khác, tỷ lệ đánh chặn mục tiêu thành công của vũ khí này đạt khoảng 96%. Trong khi đó, khi khai hỏa tại Syria, thành tích này tỏ ra khiêm tốn hơn rất nhiều dù phải đối đầu với những mục tiêu bay rất chậm.

Nguồn tin này dẫn chứng, trong vụ đánh chặn những chiếc máy bay không người lái tự chế của phiến quân tấn công vào căn cứ Hmeymim hồi tháng 5/2018, Pantsir-S1 đã phải phóng tổng cộng 4 tên lửa mới bắn hạ được 1 mục tiêu trong khi theo thiết kế, vũ khí này cần phóng tối đa 2 tên lửa cho 1 mục tiêu.

Thành tích tương tự cũng đã được Pantsir-S1 lặp lại trong các vụ đánh chặn hồi đầu năm 2018 và cuối năm 2017 khi phải đối đầu với những UAV chỉ có tốc độ bay không quá 170km/h.

Với thành tích này, các chuyên gia của Southfront nhận định, đánh chặn Tomahawk là nhiệm vụ gần như không thể với Pantsir-S1 hoặc hệ thống này có thể phải phóng hết cơ số đạn và tên lửa trên xe mới hy vọng đánh chặn được 1 quả tên lửa Tomahawk.

Bởi theo Southfront, dù ra đời đã khá lâu nhưng đến nay Tomahawk vẫn được coi là dòng tên lửa thông minh trong chiến tranh hiện đại. Hệ thống dẫn đường của Tomahawk có thể coi là một chuẩn mực đối với tên lửa hành trình.

Cơ chế dẫn đường của Tomahawk rất phức tạp và phối hợp nhiều công nghệ dẫn đường khác nhau, các hệ thống này bổ sung cho nhau nhằm tăng độ chính xác khi tác chiến và khiến phòng thủ đối phương rất khó trong nhiệm vụ đánh chặn.

Clip hệ thống Pantsir-S1 diệt mục tiêu

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ten-lua-nga-ban-hut-muc-tieu-vi-khong-hop-khi-hau-3370364/