Tên lửa Patriot Mỹ 'không có cửa' so với S-300 và sự thực nghiệt ngã

Trong khi hệ thống Patriot của Mỹ đã nhiều lần thực chiến và bắn hạ không ít mục tiêu thì hệ thống S-300 của Nga vẫn 'im lìm lặng lẽ'. Tuy vậy Nga vẫn cho rằng hệ thống của Mỹ không 'có cửa' khi so sánh với S-300 của họ.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin cho biết, không một hệ thống phòng không nào trên thế giới có thể đạt được các tham số kỹ chiến thuật như S-300 và S-400 của Nga.

Lý do đơn giản, theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin trên hãng Thông tấn - Phát thanh Sputnik, đó chính là chất lượng vượt trội của chúng.

Ông Fomin cho rằng, không một hệ thống phòng không nào trên thế giới có thể đạt được các tham số kỹ chiến thuật như S-300 và S-400 của Nga, kể cả các tổ hợp tên lửa Patriot do Mỹ chế tạo, thậm chí là phiên bản đã được nâng cấp PAC-3+.

"Mọi người đều hiểu rằng, không một hệ thống Patriot nào, cho dù đó là phiên bản cải tiến PAC-3+, có thể tốt hơn S-300, chứ đừng nói tới S-400", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin nhấn mạnh.

"Không một hệ thống nào có thể tốt hơn các hệ thống của Nga, xét cả về tầm bắn hiệu quả, số mục tiêu tấn công cùng lúc, số mục tiêu bám bắt hay tốc độ tấn công. Trên tất cả các tham số so sánh này, chúng tôi đều đánh bại Patriot PAC-3+".

Ông Fomin nhấn mạnh, trong khi Patriot có thể tấn công các mục tiêu ở vận tốc 2.000 m/giây thì các hệ thống phòng không của Nga đủ khả năng bắn hạ mục tiêu bay với vận tốc 4.700 m/giây.

Tuy vậy lại có một thực tế có phần "nghiệt ngã" rằng, S-300 của Nga chưa một lần khai hỏa trong thực chiến. Các thông số của chúng vốn chỉ nằm trên giấy tờ và trong các cuộc thử nghiệm.

Ai cũng biết rằng giữa thực chiến và thử nghiệm không phải lúc nào cũng chung một đường thẳng.

Ra đời cùng thời điểm với S-300 nhưng Patriot của Mỹ lại dày dạn trận mạc.

Hệ thống phòng không Patriot đã đánh chặn thành công khi bắn hạ 70% các loại tên lửa đạn đạo của Iraq bắn đến Saudi Arabia, và 40% các loại tên lửa bắn tới Israel trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Hiện nay hệ thống này trong tay Saudi Arabia vẫn đang liên tục bắn hạ các tên lửa Iran chuyển cho phiến quân hồi giáo Houthi.

Tuy không phải lúc nào hiệu suất chiến đấu cũng 100%, nhưng việc thực chiến lại là tuyên bố chắc nhất về chất lượng của hệ thống này so với các thông số chỉ công bố trên giấy tờ và qua các cuộc thử nghiệm.

Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo MIM-104F PAC-3 (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules và thay thế hệ thống MIM -23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ).

Hệ thống Patriot đã phục vụ trong quân đội Mỹ từ tháng 12-1981.

Hệ thống phòng không Patriot gồm có: Trạm chỉ huy AN/MSQ-104; radar đa chức năng AN/MPQ-53; bệ phóng M901; tên lửa phòng không MIM104; trạm nguồn năng lượng AN/MSQ-26; phương tiện kỹ thuật ngụy trang điện tử và cuối cùng là thiết bị kết nối thông tin.

Xe chỉ huy AN/MSQ-104 được bố trí trên khung xe M814, là nơi điều khiển, kiểm soát toàn bộ khả năng tác chiến của tổ hợp Patriot.

Bên trong xe chỉ huy có các thiết bị liên lạc, các máy tính dữ liệu thiết bị đầu cuối và một số phụ kiện khác.

Cho đến nay, nó là một hệ thống phòng không được nhiều nước sử dụng nhiều nhất, hiện có tới 16 quốc gia đang có hệ thống này trong biên chế, nó chỉ đứng sau S-300 của Liên Xô về độ phổ biến.

Ngày nay các biến thể mới trong gia đình tên lửa Patriot luôn được cải tiến, và biến thể PAC-3 mới nhất sử dụng kiểu đạn đánh chặn mới với phương thức Hit to Kill (truy đuổi và tiêu diệt), đây là phương thức có độ chính xác cực cao, và tiêu diệt mục tiêu bằng động năng thay vì bằng đầu đạn nổ.

Với phương thức này quả đạn tên lửa sẽ nhỏ và nhẹ hơn, điều đó cho phép mỗi hệ thống có thể mang nhiều đạn hơn trong mỗi lần xuất trận.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-ten-lua-patriot-my-khong-co-cua-so-voi-s300-va-su-thuc-nghiet-nga/787709.antd