Tên lửa phòng không Nga cháy hàng sau chiến tích vừa qua tại Syria

Các tổ hợp phòng không Nga đã có màn thể hiện tuyệt vời sau khi đánh trả thành công cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình của Mỹ và đồng minh vào Syria, mang lại tiềm năng xuất khẩu rất lớn cho chúng.

Trong cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào các vị trí cáo buộc tình nghi sản xuất và cất trữ vũ khí hóa học của Syria, Mỹ và đồng minh đã phóng đi tổng cộng 105 quả tên lửa các loại.

Kết quả của cuộc tấn công trên hiện vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi, khi Mỹ tuyên bố 100% số tên lửa đã trúng đích và san phẳng 3 cơ sở quân sự của Quân đội Syria.

Tuy nhiên ở phía bên kia Nga cũng đáp trả không kém khi cho rằng thực chất có tới 71 tên lửa đã bị phòng không Syria bắn hạ mà chủ yếu bằng các hệ thống vũ khí ra đời từ thời Liên Xô.

Dù cho còn nhiều tranh cãi nhưng khó mà phủ nhận hiệu quả mà các hệ thống tên lửa phòng không Nga đã thể hiện tại Syria trong nhiều năm qua, dự báo Moskva sẽ thu về nhiều hợp đồng giá trị trong thời gian tới.

Đầu tiên chắc chắn sẽ là hợp đồng nâng cấp các tổ hợp phòng không cũ, vì theo nhận định tính năng của những hệ thống này không cho phép bắn chặn mục tiêu bay thấp như tên lửa Tomahawk.

Ví dụ như các tổ hợp S-125 Pechora đã nâng cấp lên chuẩn Pechora 2M, đặt toàn bộ các thành phần lên xe tải việt dã mang lại sức cơ động vượt trội, nhiều linh kiện công nghệ bán dẫn cũng được thay thế bằng công nghệ số.

Tương tự là trường hợp của 2K12 Kvadrat, hệ thống tên lửa phòng không của thập niên 1970 này cũng yêu cầu phải nâng cấp khả năng theo dõi, chống nhiễu điện tử cùng dẫn bắn mới đủ sức đối đầu với Tomahawk.

Bên cạnh việc nâng cấp các tổ hợp cũ thì mua vũ khí mới của Nga chắc chắn là điều cần tính đến vì trang bị cũ có hiện đại hóa đến đâu đi nữa vẫn còn khoảng cách chẳng thể vượt qua nếu đặt cạnh vũ khí mới.

Màn thể hiện xuất sắc của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2E ở cả chức năng chống máy bay bay cao lẫn tên lửa bay thấp khiến nó trở thành đối tượng thu hút nhiều sự quan tâm.

"Ngôi sao" sáng nhất dĩ nhiên vẫn là Pantsir-S1, khi chúng được coi là đã giữ vị trí chủ công trong chiến dịch chống tập kích đường không vừa qua, kể cả khi không được nhắc tới vì một lý do nào đó.

Đi kèm Pantsir-S là một hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp với chức năng tương tự chính là Tor-M1/2, khi nó được coi là vũ khí hữu hiệu hơn trong chống tập kích tên lửa hành trình với cường độ lớn.

Cuối cùng là các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf, cho dù chưa lên tiếng nhưng dàn radar cảnh giới của nó vẫn chỉ điểm được cho các hệ thống khác phối hợp cùng.

Khi S-400 lên tiếng, phía phòng thủ sẽ đưa ra được câu trả lời xứng đáng với máy bay ném bom tầm xa mang đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm của đối phương.

Trận oanh kích vừa rồi của Mỹ theo đánh giá khiến cho cả Mỹ, Nga, Anh, Pháp đều có lợi, khiến tất cả đều tuyên bố chiến thắng

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/ten-lua-phong-khong-nga-chay-hang-sau-chien-tich-vua-qua-tai-syria/764498.antd