Tết ấm nơi đảo chìm

'Tết là phiên khúc của sum vầy. Dù ở đâu, cán bộ, chiến sỹ Hải quân đều coi đơn vị như nhà của mình. Người lãnh đạo, chỉ huy như người cha, người anh. Vì thế, Tết đến, ở đảo chìm, người thịt lợn, người gói bánh chưng, gói giò hay làm các món ăn truyền thống của các vùng quê. Không khí đầm ấm như một gia đình nhỏ'. Thượng tá Lương Xuân Giáp, Chính ủy Lữ đoàn 146 chia sẻ về ngày Tết cổ truyền trên các đảo chìm.

Đảo chìm Đá Lớn C. Ảnh: Ngọc Mai.

Đảo chìm Đá Lớn C. Ảnh: Ngọc Mai.

Xuân về, những con sóng bạc đầu vẫn hối hả đuổi nhau vỗ vào kè đảo không dứt. Giáp Tết, đảo An Bang rộn ràng hơn hẳn ngày thường. Đảo tổ chức mổ lợn, chuẩn bị gói bánh chưng. Người đun nước, người mài dao, người ngâm gạo, rửa lá dong... Mỗi người một việc, vừa làm vừa chuyện trò rôm rả.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị đón Tết của đảo, Đại úy Hứa Văn Hoàng, Chỉ huy trưởng đảo An Bang cho biết: Tết của chúng tôi cũng đầy đủ lương thực, thực phẩm ăn Tết như thịt bò, gạo nếp, lá dong, dưa hành, câu đối... theo tiêu chuẩn, chế độ. Chúng tôi cố gắng tổ chức thật nhiều hoạt động để bộ đội vui xuân, đón Tết như ở quê nhà vậy.

Trong tiếng cười nói, đùa vui vang rộn của cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang, chúng tôi bắt gặp chuyện về các món ăn, về phong tục tập quán đón Tết các vùng miền. Ngoài phần thịt để gói bánh chưng và cấp đông ăn dần, chiến sỹ Phạm Xuân Lộc xin phép chỉ huy đảo dành ra một phần để tự tay chế biến món nem chua đặc sản quê mình. Lộc hào hứng kể: “Đây là Tết đầu tiên em xa nhà, cũng là lần đầu ăn Tết ở đảo xa. Ở đây, anh em sống thân thiết như trong gia đình nên dù xa nhà nhưng em thấy vẫn rất vui. Tết ở nhà, mẹ em hay làm nem chua ăn cùng bánh chưng và thịt cho đỡ ngán. Em làm món này hy vọng mọi người sẽ khen ngon”.

Chiến sỹ đảo Đá Lát chuẩn bị cành mai vàng đón Tết.

Ở đảo Cô Lin, dù không có đào, mai, quất như ở đất liền nhưng các chiến sỹ trên đảo đã tự chế cành mai cho mình. Một thanh thép được uốn làm thân chính, các thanh thép nhỏ hơn uốn làm cành. Để được cây mai to, xù xì có màu xanh rêu như thật, họ cắt các bao bảo quản hàng hóa rồi quấn cùng giấy báo theo các đoạn thép. Hoa và lá mai bằng nhựa thì được mua và gửi từ đất liền ra. Từ bàn tay tài hoa của lính đảo, cây mai tự chế đẹp không kém những cây mai bon sai bán ở các chợ hoa ngày Tết.

Tết ở các đảo chìm nói riêng, của huyện đảo Trường Sa nói chung thường đến sớm hơn so với các vùng miền khác trên Tổ quốc và không ồn ào, náo nhiệt như đất liền. Dù vậy, không khí vẫn đủ đầy, làm cho mỗi người con xa quê đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió ấm lòng. Từ Thuyền Chài, An Bang, Cô Lin, Len Đao, đến Đá Đông, Đá Tây, Đá Nam, Đá Thị, Đá Lát, Tiên Nữ... đâu đâu cũng phấn khởi. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cả nước, đời sống của cán bộ, chiến sỹ ở các đảo chìm đã khởi sắc hơn. Nhiều công trình phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã và đang được đưa vào hoạt động. Các đảo chìm đều có điện năng lượng mặt trời, điện sức gió, sóng điện thoại, xem được truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam... Đại úy Lường Văn Hợp, Chính trị viên đảo Cô Lin tâm sự: “Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 nên Quân chủng Hải quân không tổ chức đoàn công tác dân sự ra thăm, làm việc với các đảo như mọi năm. Anh em ngoài này càng thêm nhớ đất liền. Tuy nhiên, được đón Xuân giữa mênh mông biển trời của Tổ quốc, trong tim những người lính đảo đều trào dâng niềm tự hào, xúc động. Tự hào bởi được canh trời, giữ biển cho đất liền vui Xuân, tự hào bởi được nhân dân trao gửi niềm tin tuyệt đối”.

Bộ đội gói bánh chưng đón Tết.

Giữa ngàn khơi xa, qua sóng 3G, khuôn mặt tươi giòn ánh thép của những người lính đảo khiến chúng tôi thêm phấn khởi vì các anh đang đón một cái Tết ấm áp cùng cả nước. Có lẽ đối với lính đảo, mùa Xuân ở đây là mùa của hương hoa đất trời giao hòa với tình người, tình biển đảo và tình yêu Tổ quốc.

Hồng Minh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/tet-am-noi-dao-chim-141293.html