Tết ấm ở xóm chạy thận 'truyền kỳ' giữa Thủ đô

Nếu Tết là dịp để người dân đoàn tụ với gia đình, người thân nhưng với những bệnh nhân chạy thận ngoại trú việc trở về quê đón Tết được xem là ước mơ xa xỉ. Dù bao năm phải đón Tết ở 'xóm chạy' thận giữa Thủ đô nhưng năm nào những bệnh nhân tại đây cũng cảm nhận được hơi ấm, tình người và đón một cái Tết đầy nghĩa tình.

Người dưng hóa thân giữa "xóm chạy thận"

Chạy thận nhân tạo là cụm từ nhắc đến căn bệnh gắn với sự khổ cực, điều trị suốt cuộc đời và luôn gắn liền với bệnh viện. Thậm chí, quanh năm suốt tháng những người chạy thận nhân tạo phải luôn túc trực quanh bệnh viện, nếu cấp thiết lắm chỉ dám về quê một vài ngày rồi nhanh chóng trở lại để điều trị.

Chạy thận có nhiều phương pháp, nhưng tùy từng thể trạng, điều kiện mà bệnh nhân lựa chọn phương pháp để chạy thận. Chính vì vậy, rất đông bệnh nhân chạy thận nhân tạo đã cùng nhau thuê trọ tại một con ngõ trên phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng – Hà Nội), nơi gần Bệnh viện Bạch Mai để cùng sinh sống, chiến đấu với bệnh tật.

128 người sinh sống tại "xóm chạy thận" gắn kết với nhau như một đại gia đình.

Chúng tôi chưa có thông tin cụ thể về "xóm chạy thận" chính xác có từ bao giờ nhưng rất nhiều năm nay, hơn 100 bệnh nhân đã cùng tụ họp tại con ngõ này thuê trọ và duy trì sự sống của mình bằng các phương pháp lọc thận.

Hiện tại, "xóm chạy thận" có 128 bệnh nhân từ khắp các tỉnh thành ở miền Bắc tụ họp về đây. Điểm chung của những bệnh nhân này đều có hoàn cảnh nghèo khó, mắc bệnh suy thận và luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Bà Ráng cho biết, 10 năm nay bà đón Tết ở "xóm chạy thận" nhưng luôn cảm nhận được hơi ấm tình người.

Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Ráng (58 tuổi – Đông Hưng – Thái Bình) đã có thâm niên 17 năm chạy thận nhân tạo cho biết: "Tôi không có người thân thích và đã chạy thận 17 năm tại đây bằng phương pháp lọc máu. Suốt những năm tháng ấy tôi không thể quên được những tình cảm mà những người cùng hoàn cảnh gắn bó với nhau".

Đó là bữa ăn sẻ đôi, đó là tấm áo tặng nhau lúc lạnh, đó là gói bánh, hộp sữa được san sẻ… dù nhỏ bé nhưng ai cũng cảm nhận được tình cảm của những người đồng cảnh ngộ với nhau. Trong hoàn cảnh phải phụ thuộc vào việc chạy thận ở bệnh viện, tình cảm giữa người với người dường như xích lại gần nhau hơn.

Những ngày sát Tết, nhiều đoàn từ thiện, thiện nguyện mang hơi ấm đến "xóm chạy thận".

Bà Đinh Thị Trâm (52 tuổi trú tại Sơn La) cho biết: "Đã 4 năm trôi qua tôi gắn bó với "xóm chạy thận" này rồi, cũng từng đó năm tôi không được trở về đón Tết cùng con cháu nhưng ở đây tôi luôn cảm nhận được tình thương yêu, đùm bọc giữa các bệnh nhân với nhau. Thậm chí, nhờ vào những bệnh nhân khác giúp tôi lạc quan, yên tâm để điều trị bệnh và duy trì kéo dài thêm sự sống".

Giữa phố đông ồn ào, cả "xóm chạy thận" gắn kết lại như một gia đình lớn, ngày Tết họ quây quần ngồi lại với nhau để kể cho nghe về con cháu, gia đình về những dự định mai này. Những ngày Tết, vẫn có bánh chưng, giò chả, gà luộc để cùng nhau quây quần bên mâm cơm tất niên và dành cho nhau lời chúc đầu năm mới…

Tết ấm về với "xóm chạy thận"

Những năm qua, cứ dịp Tết đến xuân về "xóm chạy thận" lại nhộn nhịp, tiếng nói cười tiếng cảm ơn vang lên khắp con ngõ. Đó cũng là thời điểm nhiều đoàn từ thiện, nhóm thiện nguyện mang Tết ấm về với xóm.

Bánh chưng, giò chả, bánh kẹo, mứt Tết, gạo, lì xì… là những món quà thiết yếu các đoàn dành tặng những người chạy thận. Đó là những món quà vật chất vô cùng quý giá đối với những bệnh nhân quanh năm suốt tháng phải gắn liền với việc lọc máu tại Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng, niềm vui lớn hơn cả đó là tình thương yêu, sự đùm bọc, sự quan tâm của đông đảo "Mạnh Thường Quân" đối với những mảnh đời khó khăn.

Bánh chưng, giò chả, sữa, gạo... là những món quà vật chất thiết thực cho bệnh nhân.

Nói về điều này, bà Đinh Thị Trâm cho biết: "Những người chạy thận như chúng tôi mỗi tuần phải vào bệnh viện lọc máu 3 lần, nếu chỉ cần thiếu một lần/tuần thôi là cơ thể suy kiệt ngay, chính vì vậy không ai dám bỏ. Chính điều này đã khiến các bệnh nhân không dám quay trở về quê ăn Tết cùng gia đình, con cháu dù rất muốn".

Những người già còn người thân, con cháu và ở gần thì được đón về ăn Tết 1-2 ngày xong phải khăn gói trở lại "xóm chạy thận" để lọc máu tại bệnh viện. Nhưng, số người được trở về đón Tết cùng con cháu, gia đình không nhiều và phần lớn vẫn phải ở lại để bám trụ.

Niềm vui, niềm hạnh phúc của những bệnh nhân gắn liền với "xóm chạy thận" giữa Thủ đô.

Nhưng cũng có người dù nhà cách vài trăm km, muốn về quê nhưng lịch lọc máu rơi đúng vào 29, 30, thậm chí mùng 1 Tết nên cũng đành ngậm ngùi bám trụ lại.

Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Ráng, những năm đầu chạy thận, bà còn được về quê nhưng 10 năm nay người thân thích không còn nên đã có 10 cái Tết bà gắn bó với "xóm chạy thận".

"Gắn bó rồi nên tôi cũng xác định sẽ ở luôn nơi này, giờ chỉ mong việc lọc máu, sức khỏe thuận lợi để kéo dài sự sống là mừng vui lắm rồi. Tết đến ai cũng vui mừng, nhưng với những người lọc thận như chúng tôi thì niềm vui lớn nhất là những ngày Tết được các nhà hảo tâm và các cháu học sinh, sinh viên đến chơi, trò chuyện và sẻ chia những câu chuyện đầy ý nghĩa", bà Ráng nói.

Tết đang về với "xóm chạy thận", ai cũng sẽ đón một cái Tết đầy tình nghĩa, yêu thương. Tiếng cười nói, niềm hạnh phúc, niềm vui những ngày đầu năm mới đang về với những bệnh nhân có phần lớn cuộc đời gắn liền với bệnh viện…

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tet-am-o-xom-chay-than-truyen-ky-giua-thu-do-20200118101726881.htm