Tết bò

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Ngày ấy nhà tôi nuôi nhiều bò. Đồng bằng miền Trung ít đầm lầy, kênh rạch không tiện nuôi trâu nên bò trở thành vật nuôi quan trọng. Không có bò là không có sức kéo. Thiếu sức kéo, đương nhiên việc canh tác sẽ đình trệ, bởi sức người - dù cho khỏe mạnh đến đâu - cũng không sao thay nổi sức bò.

Thế nên, các loại gia súc, gia cầm khác đều phải tụt xuống hàng phận dưới, sau bò! Bò quan trọng với người, sống gần gũi nên thân thiết. Bởi cái tình thân thiết ấy nên mỗi độ vào xuân, người ăn tết thì bò cũng được ăn tết. Và người quê gọi nghi thức cho bò ăn tết ấy bằng một cái tên ngắn gọn: Tết bò!

Tết bò được tổ chức vào mùng 3, mùng 4 tết. Lễ vật để tổ chức tết bò, ngoài đèn hương, hoa quả thì phần cỗ chính là bánh tét. Thường 30 tết, mẹ tôi đã chuẩn bị trước gạo nếp, nhân bánh, lá chuối hột và lạt buộc đâu đó xong xuôi. Mùng 1 lo đãi, ngâm và vớt gạo nếp để cho ráo nước. Mùng 2 bắt đầu gói bánh. Riêng về cái bánh tét gói cho bò cũng hơi khác một chút. Nguyên liệu, cách thức thì vẫn thế, duy chỉ phần lá thừa hai đầu đòn bánh tét tết bò được bẻ gập ngang chứ không xếp chéo rồi mới bẻ (gọi là bẻ khu ốc).

Nếu nhà có nuôi bò cái, người ta phải gói thêm một loại bánh thứ hai có cái tên khá kỳ khôi là bánh bẹp! Nguyên liệu vẫn thế, nhưng bánh bẹp gói hình vuông giống bánh chưng, có điều mỏng hơn và khi xếp cúng, người ta sẽ xếp chồng hai chiếc lên nhau…

Tín ngưỡng phồn thực chăng? Tôi không dám chắc nhưng quả thật, cách bài trí lễ nghi có điều khiến ta liên tưởng đến chất phồn thực. Thêm nữa, người quê xưa nuôi bò còn để sinh sản và nguồn lợi sinh sản có khi cũng không kém cạnh so với cái lợi cày bừa…

Khâu nấu bánh thường kéo dài suốt cả đêm mùng 2 tết. Đến sáng mùng 3 hoặc mùng 4 - tùy theo bố trí của gia chủ, người ta chính thức cử hành lễ tết bò. Tết bò không cúng trong nhà. Một cái ban thờ tạm được dựng ngoài sân.

Hương đèn, hoa quả, vàng mã và các thứ bánh vừa nấu chín được bày lên ban. Ấy là cỗ chính. Ngoài ra, chuồng trại chăn nuôi bò cũng được quét dọn sạch sẽ, cột chuồng dán giấy đỏ, lại bày thêm mâm cỗ phụ (cũng đầy đủ các thức) trên chiếc ghế kê tại cửa chuồng.

Cỗ bàn xong, ba tôi khăn áo chỉnh tề như khi làm lễ gia tiên, khấn vái trước ban thờ. Cúng xong, mỗi con bò sẽ được “lì xì” một lá vàng mã bằng cách phết hồ, dán lên sừng. Lũ bê chưa có sừng thì được dán ngay vào trán. Xong xuôi thủ tục đầu năm, thường thì đàn bò sẽ được xuất hành năm mới - nghĩa là mở đi chăn. Ba tôi tin với sự thành tâm qua lễ tết bò, đàn bò sẽ mạnh khỏe, mau lớn…

Y NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313193/tet-bo.html