Tết buồn ở hành lang bệnh viện

Những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi, trong khi mọi nhà rộn ràng chuẩn bị mâm cơm cúng, đi chùa hoặc thăm viếng mộ ông bà tổ tiên, thì đâu đó vẫn có những con người, những hoàn cảnh, những số phận phải loay hoay trong bệnh viện (BV)…

Làm thêm ngày tết

Nuôi con ở BV Đa khoa Đà Nẵng, mẹ của anh Tăng Đức Thịnh (ngụ xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, 4 năm con trai bị bệnh suy thận cũng là 4 năm đón tết ở BV. Vợ anh Thịnh đã bỏ đi, để lại con nhỏ chỉ một mình mẹ anh Thịnh lo.

“Tết năm ngoái, khi còn chút sức khỏe, thằng Thịnh cũng cố gắng làm dưa món gửi về quê bán. Năm nay thì hắn yếu rồi, thường xuyên ngất xỉu nên không làm gì được. Mấy ngày tết này, trời nắng ấm, tôi sang gội đầu, thay bỉm cho bệnh nhân ở khoa khác kiếm thêm ít tiền trang trải trong những ngày nuôi con nằm viện. Nhà thì đóng cửa để đó, hai mẹ con ăn tết ở đây chứ biết sao. Giờ con bệnh tật, tôi ở đâu cũng được, miễn con tôi khỏe là trong lòng có tết”, mẹ anh Thịnh nghẹn ngào nói.

Gia cảnh là hộ nghèo, nhà ở xã Nghĩa Trung (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), bà Trương Thị Nhành hiện sống với một người con bị bệnh tim, đã mổ tim nhiều lần và mất sức lao động.

Bà Nhành thở dài: “Tôi năm nay đã 84 tuổi. Vì là hộ nghèo, Nhà nước hỗ trợ một ít, còn lại các con mỗi đứa cho một ít. Nhưng các con sống riêng, làm ăn cũng chỉ đủ trang trải chứ không đứa nào dư giả. Tôi bị gãy tay vào viện điều trị giờ không có tiền về, nhà cũng khóa cửa rồi nên chỉ biết đến đâu hay đến đó. Mong mỏi duy nhất một điều được về nhà nấu mâm cơm cúng chồng với thăm thằng con trai bệnh ở nhà, nhưng bệnh tình như thế này thì đành ở lại vậy”.

Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vẫn tấp nập người vào ra. Đến đây không chỉ nghe tiếng khóc của trẻ con mà còn có tiếng thở dài nặng trĩu của các bà mẹ, của những người nhà đang nuôi người bệnh. Chúng tôi bắt gặp người phụ nữ nằm gục đầu bên giường bệnh của đứa con trai đang thở bằng máy tại buồng bệnh nặng ở tầng 3. Đó là chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ phường An Hải Đông, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Khi được thăm hỏi về bệnh tình của con, chị lau vội những giọt nước mắt, tâm sự: “Tôi ở đây đã 3 cái tết rồi, con tôi bị bại não bẩm sinh từ nhỏ. Lúc 8 tuổi chuyển sang nặng, phải điều trị nội trú ở đây. Ở nhà còn đứa con trai học lớp 12, cả gia đình chỉ trông chờ vào khoảng tiền hơn 5 triệu đồng làm thuê mỗi tháng của chồng tôi. Ở đây họ cho cái chi thì đem về nhà ăn rứa, chớ không sắm chi hết. Năm ngoái cũng 2 cha con tự lo, năm ni cũng rứa”.

San sẻ niềm vui

Trước tết, BV Đa khoa Đà Nẵng đã tổ chức các chuyến xe tình thương đưa bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn về quê đón tết. Các bệnh nhân bệnh nặng phải ở lại các BV đều được thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình đón giao thừa, lì xì đầu năm. Trong những ngày tết, các nhà hảo tâm đã đem các suất ăn tình thương, bánh chưng, bao lì xì hay túi quà đến trao tặng bệnh nhân, với hy vọng mang đến cho họ tiếng cười, niềm vui, dù là rất nhỏ.

UBND TP Đà Nẵng cũng đã ban hành văn bản về việc hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Số tiền hỗ trợ cho các bệnh nhân nặng ở lại các BV thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng ăn tết trong 4 ngày (từ 30 tháng Chạp đến mùng 3 Tết) theo mức 60.000 đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, dự án “Một bức tranh, nhiều hy vọng” (tranh của các bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng vẽ được ghép lại) cũng đẩy mạnh hoạt động.

Chị An Bình, thành viên của dự án, chia sẻ hàng tuần dự án đã mang sách báo, tổ chức văn nghệ và những suất ăn tình thương đến tặng bệnh nhân ung thư đang điều trị tại BV.

“Hơn 400 suất quà trong chương trình “Mùa xuân yêu thương” đã được dự án tổ chức tại BV cho những bệnh nhân ở lại đón tết. Những ngày tết, thành viên trong nhóm tổ chức chương trình văn nghệ, lì xì cho hơn 200 bệnh nhân và người nhà đón tết tại BV với mong muốn họ vơi bớt nỗi buồn khi nhìn mọi người, mọi nhà sum vầy vui xuân”, chị An Bình nói.

Tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng những ngày cuối năm, số lượng điều trị tại BV dao động khoảng 800 - 900 bệnh nhân. Lãnh đạo BV đã phân công các kíp trực xử lý, nhất là tại Khoa Cấp cứu phải luôn đảm bảo trực, tiếp nhận và chuyển đến các khoa. Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết: “Ngày tết, BV lo sợ xảy ra tai nạn, ngộ độc hàng loạt nên khâu phòng chống được chuẩn bị rất kỹ, các kíp đã bố trí sẵn, phòng khi có sự cố thì kịp thời ứng cứu”.

Theo bác sĩ Trần Thị Khánh Ngọc, Phó Giám đốc BV Đa khoa Đà Nẵng, BV đã động viên, chia sẻ rất nhiều với những bệnh nhân ở lại. Nhân viên y tế cũng coi mình như là những người nhà của bệnh nhân. Hiện tại, BV Đa khoa Đà Nẵng có những đội chăm sóc xã hội thường xuyên tìm hiểu nguyện vọng của bệnh nhân để có những đáp ứng kịp thời.

“BV có khu nhà trọ để đáp ứng cho những bệnh nhân ở lại chạy thận giai đoạn cuối, những bệnh nhân hoàn cảnh rất khó khăn. Chúng tôi đã kêu gọi mạnh thường quân chung tay góp sức xây dựng sửa chữa khu này khang trang hơn, để ngày tết bệnh nhân yên tâm ở lại chạy thận”, bác sĩ Ngọc nói.

NGỌC PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tet-buon-o-hanh-lang-benh-vien-574767.html