Tết Canh Tý: Cùng nhìn lại những những năm Tý ấn tượng trong lịch sử Việt Nam

Suốt chiều dài lịch sử bảo vệ, xây dựng và phát triển, đất nước ta đã trải qua những cột mốc quan trọng, trong đó có những dấu ấn đặc biệt được lưu lại vào những năm Tý. Nhân dịp đầu xuân năm mới Canh Tý 2020, chúng ta cùng điểm lại những năm Tý ấn tượng trong lịch sử Việt Nam tạo nên bước ngoặt lớn cho dân tộc ta.

1. Năm Canh Tý (40): Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa

Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong thời kỳ Bắc thuộc do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo diễn ra từ năm Canh Tý (tức năm 40) và kết thúc năm 43, nhà Hán đã rất vất vả để đàn áp cuộc khởi nghĩa này. Tuy thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa này đã đánh thức được tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu lật đổ ách đô hộ của dân tộc.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc khởi nghĩa do 2 người phụ nữ lãnh đạo vào năm Canh Tý đã gây tiếng vang lớn, tạo tiền đề mạnh mẽ để nâng cao vai trò, quyền lực của người phụ nữ trong xã hội xưa và nay.

2. Năm Giáp Tý (544): Nước Vạn Xuân ra đời.

Năm Giáp Tý là cột mốc quan trọng đặc biệt trong phong trào đấu tranh bảo vệ đất nước thời kì Bắc thuộc của nhân dân ta với chiến công vang dội trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương do Lý Bí lãnh đạo. Chính thắng lợi to lớn này là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân đóng đô tại Long Biên (Hà Nội ngày nay). Lý Bí cũng là vị vua đầu tiên xưng Đế (Lý Nam Đế) trong lịch sử Việt Nam.

Sự ra đời hơn tồn tại hơn nửa thế kỷ của nhà nước Vạn Xuân năm Giáp Tý chính là niềm động viên, cổ vũ tinh thần lớn lao cho dân tộc ta trong những cuộc chiến sinh tử chống giặc ngoại xâm thời bấy giờ.

3. Năm Mậu Tý (1288): Kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3.

Dưới thời Trần (1226-1400), nhân dân ta đã ba lần đánh bại quân xâm lược Mông - Nguyên là thế lực bành trướng hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ. Lần thứ nhất là năm 1258, lần thứ hai là 1885 và lần thứ 3 là năm Mậu Tý tức 1288. Chiến thắng lịch sử này gắn liền với những tên tuổi lớn trong lịch sử Việt Nam như Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn... Đồng thời, trận đánh kết liễu âm mưu thôn tính nước ta của nhà Nguyên đã được nhà quân sự tài ba Trần Quốc Tuấn thực hiện trên sông Bạch Đằng.

Chính thắng lợi lừng lẫy trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tý của một nước nhỏ trước một thế lực thù địch hùng mạnh đã tạo nên tiếng vang lớn, tiếp thêm sức mạnh tinh thần vững chắc cho nhân dân ta trong cuộc chiến tranh trường kỳ chống quân xâm lược. Đây cũng là tinh thần, là ý chí, là sức mạnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thời nay luôn nêu cao trong mọi hoàn cảnh.

Năm Canh Tý (1960): Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào Tết trồng cây. (ảnh: tuyengiao.vn).

4. Năm Canh Tý (1960): Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào Tết trồng cây.

Mùa xuân năm 1960, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong tràoTết trồng cây rộng rãi trong toàn dân. Theo lời Bác Hồ: Việc trồng cây ít tốn kém nhưng lại mang đến nhiều lợi ích cho dân tộc, điều này sẽ góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân. 60 năm kể từ mùa xuân năm Canh Tý 1960, Bác Hồ đã ra đi mãi mãi, nhưng những tư tưởng, ý nghĩa của phòng trào Tết trồng cây do người phát động vẫn còn sống mãi trong lòng dân và được Đảng, Nhà nước, nhân dân tiếp tục thực hiện cho đến ngày hôm nay. Với tinh thần và ý nghĩa đó, Tết trồng cây trở thành một truyền thống không thể thiếu đối với dân tộc ta hiện nay, góp phần làm cho đất nước "càng ngày càng xuân".

Ý nghĩa tư tưởng sâu sắc từ phong trào Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1960 đã trở thành định hướng lớn lao cho chiến lược, kế hoạch xây dựng đời sống, phát triển kinh tế, dân sinh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân mà Đảng, Nhà nước ta đang nỗ lực thực hiện từng ngày. 60 năm đã qua đi, nhưng tư tưởng sâu sắc ấy vẫn còn vang mãi, tiếp sức mạnh lớn lao cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" giành thắng lợi vang dội năm Nhâm Tý (1972). (ảnh Tư liệu).

5. Năm Nhâm Tý (1972): Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" giành thắng lợi vang dội

Sau 4 năm đàm phán tại Hội nghị Pari về Việt Nam, Dự thảo Hiệp định hòa bình đã hoàn thành vào ngày 20 - 10 - 1972 và dự định ký tắt sau đó một tuần. Nhưng trong một nỗ lực tuyệt vọng, phía Mỹ yêu cầu đàm phán lại và ngày 18 - 12 - 1972 Mỹ cho máy bay chiến lược B52 ồ ạt ném bom rải thảm Miền Bắc, tập trung vào Hà Nội và Hải Phòng. Cuộc tập kích này đã thất bại nặng nề sau 12 ngày đêm. Mỹ phải ngừng ném bom và buộc phải trở lại bàn đàm phán. Ngày 27-1- 1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được chính thức ký kết mở ra thời kỳ mới, giai đoạn mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, tạo tiền đề quan trọng cho sự thắng lợi vang dội của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Những chiến công vang dội, hiển hách tạo nên từ sức công phá của chiến dịch lịch sử "Điện Biên Phủ trên không" vào năm Nhâm Tý tạo ra một niềm tin mãnh liệt từ ý chí sắt đá của toàn dân tộc quyết tâm cứu nước. Ý nghĩa của thắng lợi lịch sử này cũng tạo nên những bài học kinh nghiệm quý giá cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam hiện nay mà các thế hệ trẻ cần phải học hỏi.

6. Năm Bính Tý (1996): Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII.

Gần 10 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII hay Đại hội đại biểu toàn quốc lần VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức diễn ra từ ngày 28-6 đến ngày 1-7-1996 tại Hà Nội. 1.198 đại biểu thay mặt cho 2/130.000 Đảng viên cả nước tham dự Đại hội với tâm thế hừng hực của một dân tộc vừa giành được độc lập đang thực hiện bước chuyển mình mới cho giai đoạn xây dựng và đổi mới đất nước.

Đại hội ĐCS Việt Nam lần thứ VIII diễn ra với một tâm thế mới, một khí thế mới khi chúng ta, một đất nước nhỏ đã đứng lên dẹp bỏ ách xâm lược kéo dài hàng nghìn năm để tiến tới giai đoạn đổi mới đất nước. Đại hội đã nêu ra những nội dung quan trọng như: khẳng định Việt Nam đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, khẳng định tiếp tục nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh nước ta đã chuyển sang thời kì phát triển mới, thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong vô vàng những trang sách hào hùng của lịch sử dân tộc, chúng ta không thể nào quên những dấu ấn đặc biệt trong những năm Tý với biết bao chiến công hiển hách, biết bao giọt máu, biết bao con người đã ngã xuống để kết thúc một cách trọn vẹn nhất cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, xây dựng đất nước phồn vinh như hôm nay.

Những năm Tý đã được ghi lại trong lịch sử, vinh quang có, tang thương, mất mát cũng có, nhưng chung quy lại tất cả những sự kiện đã xảy ra lại là tiền đề đặc biệt quan trọng để đất nước ta có được ngày hôm nay.

Hàng nghìn năm đã qua đi, năm nay, một năm Tý nữa lại đến, năm Canh Tý 2020 hứa hẹn những điều tốt đẹp, những bước tiến mới trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, hội nhập Quốc tế. Năm Canh Tý 2020, toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục thực hiện sứ mệnh xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo tích cực cho đời sống của nhân dân, đồng thời thực hiện những kế hoạch mới trên con đường hội nhập Quốc tế. Đây cũng là năm đánh dấu những bước chuyển mình, những thay đổi mới đến từ nhiều lĩnh vực.

Với tinh thần kiên cường, ý chí chiến đấu bất diệt của cả dân tộc kết hợp cùng quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, năm 2020 sẽ chào đón đất nước ta bằng những bông hoa rực rỡ trên mọi lĩnh vực, để cho đất nước "càng ngày càng xuân" như tư tưởng vĩ đại mà Bác Hồ đã để lại. Khép lại một năm cũ, chúng ta cùng chào đón một mùa xuân mới, xuân Canh tý với những thắng lợi mới. Khi ý Đảng, lòng dân hòa cùng một nhịp, tin chắc rằng đây sẽ là sức mạnh lớn lao để đưa đất nước ta viết tiếp những trang sử hào hùng với những thắng lợi mới trên mọi mặt trận.

XUÂN TRƯỜNG (Lược ghi)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tet-canh-ty-cung-nhin-lai-nhung-nhung-nam-ty-an-tuong-trong-lich-su-viet-nam-20200113234815868.htm