Tết của gắn kết và hòa quyện

Như cuộc hẹn định kỳ, Tết quân - dân lại được tổ chức bằng chuỗi sự kiện ý nghĩa, hướng về người dân. Năm nay, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) đổi mới nội dung bằng việc gắn kết Tết quân - dân với lễ Sene Dolta của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer. Hai cái 'Tết' gặp nhau, chan chứa niềm vui, sẻ chia và gắn bó.

Tết quân - dân là hoạt động ý nghĩa, thiết thực của lực lượng vũ trang cả chục năm nay, góp phần thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác” và chính sách hậu phương quân đội, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” - truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc.

Trong khi đó, Sene Dolta là một trong 2 đại lễ (cùng với Tết Chol Chnam Thmay), là dịp đồng bào DTTS Khmer hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng trong báo ân đối với ông bà, tổ tiên. Lễ Sene Dolta mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng của đồng bào, vừa hòa quyện vào trong lễ nghi của tôn giáo, tiêu biểu là hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer.

Chính vì thế, năm 2022, Ban Tổ chức Tết quân - dân huyện Tri Tôn quyết định chọn Ô Lâm - xã có đông đồng bào DTTS Khmer - làm nơi thực hiện. Lễ ra quân vào ngày 12/8, còn lễ tổng kết và các hoạt động cao điểm được thực hiện vào ngày 20/9, trước lễ Sene Dolta vài ngày. Hơn 1 tháng, nhiều công trình lớn, nhỏ được thực hiện nối tiếp nhau.

Tặng quà cho hộ nghèo của xã Ô Lâm

Tặng quà cho hộ nghèo của xã Ô Lâm

Về công trình giao thông, các lực lượng phối hợp đổ bê-tông đường Ô Là Ka (ấp Phước Long), dài 150m, ngang 2,5m; trải đá bụi ở kênh sườn 4 (ấp Phước Thọ) dài 2km, ngang 3m; lắp đặt hệ thống chiếu sáng (60 bộ bóng đèn năng lượng mặt trời) trên Tỉnh lộ 959, đoạn từ UBND xã Ô Lâm đến cổng chào giáp ranh xã An Tức; phát quang, vệ sinh nhiều đoạn đường thuộc Tỉnh lộ 959…

Nhiều trường học trên địa bàn xã được “tân trang”, như: Tráng xi-măng và lát gạch vỉa hè Trường THCS Ô Lâm; vệ sinh, sơn hàng rào, lát gạch khu vui chơi cho thiếu nhi Trường Mẫu giáo Ô Lâm; trồng cây, sơn bồn hoa, trải đá bụi, xây dựng sân khấu; tráng xi-măng lối vào các trường tiểu học. Mừng lễ Sene Dolta, bộ đội và đồng bào DTTS Khmer tham gia phát quang, vệ sinh xung quanh khu vực mộ liệt sĩ Neáng Nghés; phát quang, vệ sinh 6 chùa Khmer.

Chăm lo xã hội, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tri Tôn phối hợp Bệnh xá quân dân y tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho 230 người; tặng 300 phần quà cho gia đình chính sách và hộ nghèo (theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh); thăm, tặng quà cho chùa Khmer, ban trị sự, người có uy tín, gia đình chính sách, học sinh nghèo, cán bộ dân quân, dự bị động viên, hộ nghèo…

Hàng chục căn nhà được Ban Chỉ huy Quân sự huyện vận động cất sửa, dành cho bộ đội thường trực, cán bộ, chiến sĩ dân quân và dự bị động viên (nguồn tài trợ từ Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang 250 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang 80 triệu đồng).

Các đoàn thể, đơn vị cũng chung tay góp sức, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện (2 căn, kinh phí 110 triệu đồng); Huyện đoàn (2 căn, kinh phí 95 triệu đồng); Liên đoàn Lao động huyện (2 căn, kinh phí 100 triệu đồng); Phòng Dân tộc huyện (3 căn, kinh phí 215 triệu đồng và 600 ngày công lao động); xã Ô Lâm hỗ trợ cất mới 17 căn, sửa chữa 2 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, kinh phí 810 triệu đồng; UBND 14 xã, thị trấn mỗi nơi 2 căn, kinh phí 1,1 tỷ đồng.

Chăm lo đời sống tinh thần cho bà con trong ngày “Tết”, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Tri Tôn chủ trì, phối hợp tổ chức trò chơi dân gian của đồng bào DTTS Khmer. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chủ trì, phối hợp Liên đoàn Lao động huyện, Huyện đoàn, UBND 15 xã, thị trấn và các đơn vị liên quan tổ chức ngày hội gánh hàng rong.

“Chúng tôi trưng bày đặc sản của địa phương, từ trái cây, nước uống, bánh… để bà con tham quan, thưởng thức. Những hoạt động vui tươi này mong muốn khởi đầu một năm sung túc, nhiều sức khỏe, làm ăn thuận lợi, cuộc sống khá hơn trong vùng đồng bào DTTS Khmer. Bên cạnh đó, còn là tình quân, dân gắn kết, giúp gần dân, sát dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân hơn” - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tri Tôn Huỳnh Kim Liên chia sẻ.

Khuôn viên mộ liệt sĩ Neáng Nghés hôm ấy rộn rã tiếng cười nói, vui như Tết. Bà Neáng Phương chăm chút từng cái bánh kà-tum (một đặc sản làm từ nếp, đậu trắng, dừa), nụ cười luôn nở trên môi. Bà vui vì bà con xúm quanh xem làm bánh, khen bánh gói khéo, đẹp. Bà còn vui vì: “Cả xóm thấy các chú bộ đội vô tiếp chuyện này chuyện kia, ai cũng thân thiện. Cám ơn mấy chú bộ đội nhiều lắm!”.

Thượng tá Đỗ Văn Cẩm (Trưởng ban Tổ chức Tết quân - dân huyện Tri Tôn, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện) chia sẻ: “Hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức và nhân dân tham gia tổ chức Tết quân - dân. Tổng kinh phí cho các hoạt động trên 4 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách huyện và vận động xã hội hóa. Hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt đã góp phần giáo dục truyền thống chiến đấu anh hùng của quân và dân huyện Tri Tôn. Nhờ vậy, góp phần nâng cao ý thức nhân dân trong việc chấp hành pháp luật; giữ gìn vệ sinh môi trường, trực tiếp phục vụ sinh hoạt đời sống của nhân dân. Đồng thời, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ máu thịt quân - dân, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tết quân - dân ở huyện miền núi Tri Tôn đã kết thúc. Lễ Sene Dolta đã qua. Nhưng dư âm của “những ngày thân ái” sẽ mãi đọng lại trong lòng bà con vùng đồng bào DTTS Khmer ở địa phương.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tet-cua-gan-ket-va-hoa-quyen-a343957.html