Tết cung đình Huế qua lời kể của con trai người may hoàng bào cho vua Khải Định

Nổi danh trong giới “săn” đồ cổ với những món cổ vật hàng trăm năm tuổi do các vua nhà Nguyễn ban tặng, nhưng ít ai biết được cụ Lê Văn Kinh (SN 1929) lại được sinh ra trong một gia đình có nghề thêu truyền thống trong cung đình Huế. Có lẽ vì sớm được vào cung nên nghệ nhân này đã sớm tiếp xúc với văn hóa, lễ nghi trong cấm cung.

Gia đình may hoàng bào cho vua Khải Định

Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến cửa hàng thêu Đức Thành trên phố Phan Đăng Lưu (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đây là nơi làm việc và sinh sống bao đời nay của gia đình nghệ nhân Lê Văn Kinh. Vừa bước vào bên trong, chúng tôi ngỡ ngàng trước số lượng, kích cỡ của các loại tranh thêu ở đây. Được biết, nghệ nhân Lê Văn Kinh là người đã góp công đào tạo ra hàng ngàn thợ thêu cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đang gấp rút hoàn thành một bức tranh phong cảnh Huế xưa cho một khách cuối năm, nghệ nhân Lê Văn Kinh nở nụ cười phúc hậu chào đón chúng tôi. Chuẩn bị vào tuổi 90, nghệ nhân Kinh vẫn còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Giọng nói rõ ràng, bước chân nhanh thoăn thoắt, cụ đưa chúng tôi lên gác hai. Đây là nơi cụ thường tiếp trà với khách và cũng là nơi lưu giữ những sản phẩm, món đồ cổ gia truyền tâm đắc nhất.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh trao đổi với PV báo ĐS&PL.

“Gia đình theo nghề thêu tính đến nay đã được ba đời. Ông nội tôi vốn là một thợ thêu xuất thân từ làng Thường Tín, Hà Đông, mà nay là huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. Vào khoảng năm 1800, ông nội tôi theo chân những người thợ miền Bắc vào kinh đô Huế làm việc cho triều đình. Từ năm 1900 – 1920, tiệm thêu của gia đình tôi đã phục vụ qua nhiều đời vua, từ vua Khải Định cho đến vua Thành Thái”, nghệ nhân Kinh giới thiệu lịch sử tiệm thêu của gia đình với PV báo ĐS&PL.

Trong những tác phẩm thêu tay từ thời cha ông nghệ nhân Kinh để lại, nổi bật và chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, tinh thần nhất có lẽ là đoạn vải thừa được cắt ra từ hoàng bào Cửu long của vua Khải Định. Dù kích thước khiêm tốn chưa đến 40cm2, đã bị ố vàng theo năm tháng, nhưng cụ Kinh cho biết, đây là một kỷ vật rất quý giá đối với gia đình mình. Thậm chí, nó còn quý hơn những món đồ cổ của vua chúa để lại. Bởi vì chứa đựng trong tấm vải này là niềm vinh dự của gia đình cụ. Khi đó, chỉ có hai người thợ thêu được nhà vua tin tưởng giao trọng trách thêu hoàng bào.

Bức tranh thêu Cáo tật thị chúng của Mãn Giác Thiền sư được nghệ nhân Kinh thêu bằng chữ Hán.

Cụ Kinh kể tiếp: “Năm 1922, để lấy lòng vua Khải Định, các quan đại thần đã làm lễ Tứ tuần đại khánh để mừng nhà vua bước qua tuổi 40. Cũng nhân dịp này, vua đã cho người đi tìm mua loại vải tốt nhất ở Trung Quốc về để may hoàng bào. Đồng thời, nhà vua cho người đi tuyển dụng hai thợ thêu giỏi nhất kinh thành lúc bấy giờ. Cha tôi và một người tên Trình khi đó đều là những thợ giỏi của Hàn lâm viện nên được chọn. Trong suốt 8 tháng thêu liên tục cả ngày lẫn đêm, hai người đã hoàn thành xong tấm hoàng bào đủ 9 con rồng lượn giữa mây trời vô cùng tỉ mỉ, khiến nhiều người trầm trồ khen ngợi”.

Nắm giữ truyền thống nghề thêu lâu đời của gia đình và không muốn bị thất truyền, nên khi mới 5 tuổi, cụ Kinh đã được cha cho học nghề. Theo nghệ nhân Kinh, cách học thêu ngày xưa chủ yếu là tự mày mò chứ không được chỉ dẫn từng bước một như bây giờ. Nhìn những người thợ đi trước di chuyển từng đường kim mũi chỉ, cụ chăm chú học theo. Phải mất rất nhiều thời gian, cụ Kinh mới thành thạo đường thêu. Đến nay, cụ đã có rất nhiều tác phẩm để đời. Đáng nói nhất là tác phẩm “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư bằng 25 thứ tiếng khác nhau.

Lưu giữ lễ nghi trong cung cấm

Nhắc đến nghệ nhân Lê Văn Kinh, những người sống ở Huế nghĩ ngay tới bộ sưu tập đồ cổ quý giá gồm nhiều đồ vật do đích thân nhà vua trao tặng. Một lần, trong cuộc nói chuyện với PV báo ĐS&PL về cổ vật xứ Huế, nhà Huế học Hồ Vĩnh từng nhắc đến lão nghệ nhân tài hoa này: “Ở Huế, số lượng người am hiểu cũng như sở hữu những món đồ cổ có giá trị thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong số đó, người còn lưu giữ khá cẩn thận những món đồ từ hoàng cung là nghệ nhân Lê Văn Kinh”.

Cận cảnh cây cành vàng lá ngọc mà vua ban tặng.

Quả không sai, khi nói chuyện với cụ Kinh, chúng tôi nhận ra bộ ấm trà cụ đang sử dụng để tiếp khách có tên Mạnh Thần được giới khảo cổ cho rằng đã 500 năm tuổi. Bên cạnh đó, nghệ nhân Kinh còn giới thiệu cho chúng tôi những cổ vật quý giá khác như bộ ấm trà Tuyên Đức thời Minh, cây “Kim Chi Ngọc Diệp” (cành vàng lá ngọc), với lá và hoa làm bằng mã não, ngọc bích, cẩm thạch và vàng ròng. Tất cả đều là bảo vật vua Khải Định ban tặng gia đình. “Nói về đồ cổ, tôi không dám nhận mình là một chuyên gia. Tôi chỉ đam mê sưu tầm chúng và may mắn được ông ngoại tôi bấy giờ là Tham tri Bộ Lễ trong triều đình sau khi qua đời để lại. Mặc dù là cháu ngoại nhưng tôi được ông thương yêu nhất. Ông quyết tâm đưa tôi theo vào cung để học chữ, học lễ nghi, từ cách ăn nói đến cách uống trà của hoàng tộc”, cụ Kinh tâm sự.

Theo nghệ nhân Lê Văn Kinh, cũng nhờ may mắn vào cung từ nhỏ nên cụ đã chứng kiến được không khí cũng như sự độc đáo của Tết hoàng tộc xưa. Cụ kể: “Sáng mùng 1 Tết, các quan vào bái lạy chúc tụng vua ở điện Thái Hòa, dùng yến, rồi đi thăm nhau. Ngày Tết, đi đâu ông ngoại tôi cũng dắt tôi đi theo, cho mặc áo gấm xanh, đi giày hạ. Nếu có ai lì xì, ông ngoại cho phép tôi mới được nhận và phải quỳ xuống nói lời cảm ơn.

Nếu có người lì xì mà thấy mắt ông nhìn thẳng là phải biết xoa tay, đi thụt lùi từ chối”. So sánh với cái Tết ngày nay, cụ Kinh cho rằng, lớp trẻ bây giờ có lẽ bận bịu với công việc hơn nên không còn tự tay làm mứt, soạn mâm ngũ quả bàn thờ chuẩn bị ngày Tết như người xưa. Tuy nhiên, điều quan trọng là không khí ấm cúng, sum họp gia đình ngày xuân vẫn luôn còn đó.

Nhìn lại quá trình làm việc của mình, nghệ nhân Kinh chia sẻ: “Trong gần suốt cuộc đời mình, tôi hạnh phúc nhất là đã đào tạo ra được hàng vạn thợ thêu sống được với nghề thêu tranh nghệ thuật này...”.

“Báu vật sống”

Hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, dân xứ Huế lại đến nhà nghệ nhân Lê Văn Kinh để mua tranh và xin chữ. Ở tuổi gần cửu thập, nghệ nhân Kinh vẫn làm nhiều việc để lưu giữ nghề tranh thêu cố đô Huế. Thậm chí, cụ còn dạy nghề thêu miễn phí cho người khuyết tật và tham gia vào việc thiết kế các tranh thêu kỷ lục quốc gia. Các chuyên gia Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) gọi cụ là “báu vật nhân văn sống”.

ĐINH TIẾN

Xem thêm video tin tức:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/con-trai-nguoi-may-hoang-bao-cho-vua-khai-dinh-ke-ve-tet-hue-a131544.html