Tết đầu tiên ở nhà chồng (1): Một lần biếu mẹ chồng tiền tiêu Tết... không thành

'Từ ngày về làm dâu của mẹ, tôi được bà coi như con gái. Bà thương tôi và lo cho tôi hết mực', Lam tâm sự.

Nhiều người vẫn nghĩ, mẹ chồng – nàng dâu là hai thái cực đối lập nhau, thế nhưng, với Lam - cô nhân viên văn phòng sinh ra và lớn lên tại miền quê ngoại thành Hà Nội, điều này hoàn toàn ngược lại.

Vợ chồng Lam kết hôn hồi tháng 9 năm ngoái, đồng nghĩa với việc đây là cái Tết đầu tiên của nàng dâu mới. Bố mẹ chồng Lam có một cửa hàng kinh doanh nhỏ, chồng cô là con cả, bên dưới còn một em trai bằng tuổi cô. Chồng Lam làm ở gần nhà nên hầu như tuần nào Lam cũng thu xếp công việc để về nhà với gia đình.

Ngay sau ngày cưới, họ hàng bên nhà chồng thường trêu Lam, mẹ chồng cô không có con gái, thiếu người tâm sự, nếu con dâu hợp tính bà, bà quý như con gái luôn. Quả thực, Lam bảo, từ ngày cưới đến giờ, cô luôn được mẹ đối xử như một cô con gái trong nhà. Mọi chuyện dù to hay nhỏ, hai mẹ con đều thủ thỉ tâm sự cùng nhau.

Lam kể: “Có lần hai mẹ con đi mua quần áo, bà chủ cửa hàng nhìn hai vị khách rồi quay sang hỏi mẹ chồng tôi “Đây là con gái hay con dâu chị?”, mẹ tôi rất thản nhiên “Con gái tôi đấy, chị thấy có giống tôi không”. Trong lúc tôi mắt tròn mắt dẹt ngơ ngác thì bà chủ tiếp lời “Con gái xinh như mẹ, không lẫn vào đâu được””.

Biếu mẹ chồng tiền tiêu Tết, cách hành xử của mẹ khiến nàng dâu xúc động. Ảnh minh họa

Biếu mẹ chồng tiền tiêu Tết, cách hành xử của mẹ khiến nàng dâu xúc động. Ảnh minh họa

Biết bà chủ cửa hàng nói để mua vui cho khách nhưng Lam với mẹ chồng vẫn nhìn nhau rồi phá lên cười. Đây không phải là lần đầu tiên có người khen hai mẹ con Lam giống nhau mặc dù giữa họ chẳng hề có quan hệ huyết thống gì. Và đây cũng không phải lần đầu mẹ chồng nhận Lam là con gái. Với bà, việc khoe Lam là con gái dứt ruột đẻ ra dường như là một niềm vui, niềm tự hào.

Những ngày cận Tết, cửa hàng của bố mẹ Lam đông khách gấp đôi, gấp ba ngày thường. Biết vậy, Lam cũng tranh thủ thu xếp công việc để về sớm phụ giúp gia đình. Trước khi về quê, cô đã kịp đi siêu thị để mua những thứ cần thiết chuẩn bị cho Tết.

Về đến nơi, thấy con dâu khệ nệ bê đống đồ từ trên xe xuống, mẹ chồng Lam vội vàng chạy ra vừa đỡ thùng đồ trên tay Lam vừa mắng khéo con dâu: “Sao phải khổ thế con, đã bảo để mẹ sắm ở nhà cho, con gái đi đường xa mang vác nhiều đồ thế này nguy hiểm lắm. Mua nốt lần này thôi nha con”.

Nghe những lời trách móc nhưng đầy ắp sự quan tâm của mẹ chồng, Lam rưng rưng xúc động. Lam nhớ trước đây, khi còn ở với bố mẹ đẻ, mỗi lần thấy cô mua nhiều đồ, mẹ cô cũng thường mắng kiểu ấy. Cô nhận ra, trong lời nói của hai mẹ, dù có khác nhau về câu chữ, ngữ điệu nhưng đều chung một điều, đó là sự quan tâm, lo lắng cho cô. Điều mà không phải người phụ nữ nào cũng có được.

Vợ chồng Lam đều là nhân viên bình thường, thu nhập chỉ vào loại trung bình khá. Mỗi tháng, hai vợ chồng chỉ dành dụm được chút ít để lo cho con cái sau này. Cầm trong tay 15 triệu để chi tiêu cho những ngày nghỉ Tết, Lam cẩn thận viết ra giấy từng khoản một, nào là chi phí lễ Tết nội ngoại, tiền biếu bố mẹ, tiền mừng tuổi, tiền làm cỗ tất niên cho cả đại gia đình...

Sau khi đã cân đối chi tiêu, Lam quyết định biếu bố mẹ chồng 3 triệu để tiêu Tết. Tuy nhiên, vừa đưa chiếc phong bì cho mẹ chồng kèm theo câu nói “vợ chồng con biếu bố mẹ ít tiền tiêu Tết”, Lam nhận lại cái xua tay của mẹ chồng.

Vợ chồng con giữ lấy mà chi tiêu, miễn sao hợp lý là được. Hai đứa mới cưới, còn nhiều cái phải lo. Nếu không tiêu đến thì gửi tiết kiệm, khi nào có con thì mang ra dùng. Bố mẹ còn khỏe, còn lao động được, chưa cho thêm chúng mày thì thôi. Giữ lại đi, mẹ không lấy đâu”, mẹ chồng Lam quả quyết.

“Bố mẹ nhận đi cho bọn con vui, có một ít thôi mà”, Lam vẫn cố nài nỉ mẹ chồng. Tuy nhiên, lần này, bà tỏ vẻ nghiêm nghị hơn: “Ít nhiều không quan trọng. Mẹ nói rồi, bố mẹ có tiền, các con không phải lo. Thôi cứ coi như mẹ đã nhận số tiền này của vợ chồng con nhưng mẹ gửi cho cháu nội của mẹ sau này nhé. Không đẩy qua đẩy lại nữa, mẹ giận bây giờ”.

Lúc ấy, bỗng dưng Lam thấy hai mắt cay cay và dường như không ngăn nổi sự xúc động, cô đã bật khóc. Cô khóc vì thấy mình thật may mắn khi được làm con của mẹ. Cô chia sẻ, tương lai sau này có thể sẽ xảy ra những chuyện làm rạn nứt tình cảm của hai mẹ con nhưng cũng có thể sẽ khiến hai mẹ con cô thêm yêu thương, gắn bó với nhau hơn. Dù có thế nào, hiện tại, Lam thực sự coi mẹ chồng như mẹ đẻ của mình và cô tin tình cảm của bà đối với cô cũng vậy!

(còn nữa...)

Ngân Bình

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tet-dau-tien-o-nha-chong-1-mot-lan-bieu-me-chong-tien-tieu-tet-khong-thanh-20170124174749271.htm