Tết đến, muốn về làng thăm lại cảnh xưa, người cũ...

'Nhớ làng' là nỗi nhớ mà ai cũng khắc khoải nếu đã là người Việt sinh ra ở chốn nông thôn. Cây đa, bến nước, sân đình đã trở thành những hồi ức mãi khắc ghi mà dù lớn lên, đi xa đến đâu, mỗi khi nhớ về quê hương, năm hết đến Tết, lại muốn quay về chốn ấy, nhấp ngụm nước chè, nói chuyện thời xưa.

Chùa Nôm ở làng Nôm thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên (Ảnh: Nhân Dân)

Chùa Nôm ở làng Nôm thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên (Ảnh: Nhân Dân)

Không phải ai là người Việt cũng có "diễm phúc" được sống ở làng, ở thôn, ở nơi có cây đa, bến nước, sân đình, có đồng ruộng thẳng cánh cò bay và sống trong bầu không khí thôn dã với tụi trẻ con đánh đáo, mò cua, bắt ốc...

Một góc làng Nôm, ngôi làng có 200 năm tuổi (Ảnh: Nhân Dân)

Thời còn khó khăn, chẳng ai nghĩ những hồi ức đó là lại "vật báu" luôn được lưu giữ trong tâm khảm của mỗi người, chỉ khi lớn lên, rời xa quê lên thành thị, hoặc bôn ba ở phương trời xa xứ, trưởng thành hơn, giàu có hơn, thì cũng là lúc nỗi nhớ làng lại đậm đà hơn, da diết hơn. Và khi ấy, người Việt mình lại coi những khốn khó khi còn ở làng thực sự là bản sắc, là diễm phúc không phải ai cũng có cơ hội để trải nghiệm.

Cổng làng Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội (Ảnh: Dulichvietnam)

Nỗi nhớ làng chẳng ai giống ai, có thể là người hàng xóm tốt bụng hay cho bọn trẻ con mấy củ khoai, củ sắn, một ông giáo làng hay chỉ cho tụi trẻ những bài học hay, một triền đê lộng gió để thả diều, những chiều chạy tung tăng khắp làng khắp xóm cùng bọn trẻ trăn châu, đánh đáo, rủ nhau đi tắm ao nhảy tùm tùm xuống, bị người lớn gọi về đánh cho một trận vì nghịch dại...

Ký ức của người sống ở làng mỗi khi nhớ về bao giờ cũng là kỷ niệm về bọn bạn thuở chăn trâu, cắt cỏ (Ảnh: Realtimes)

Nỗi nhớ làng có thể đến từ những mái ngói, những viên gạch đỏ thô mộc thế này (Ảnh: Làng cổ đường Lâm)

Lại có những nỗi nhớ da diết về cây đa đầu làng, những nơi hò hẹn tình tự của trai gái ở quê, chén nước chè, nước vối vặt lá từ cây nhà trồng, hãm một ấm, ngồi chõng che và nói chuyện mùa màng...

Làng Yên Lạc (xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội) hiện vẫn giữ được những nét bình yên của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Cây đa chín gốc của làng nằm trước đình, ngay cạnh bến sông Tích Giang. (Ảnh: Báo Kinh tế đô thị)

Một ấm nước vối đậm tình quê, món đồ uống quen thuộc dù đi đâu uống cũng vẫn thấy nhớ làng...

Hạnh phúc và may mắn thay cho những ai xa xứ, quanh năm tha hương, dịp Tết đến xuân về vẫn có làng để nhớ, có quê để về, có người thân để mong đoàn tụ những ngày cuối năm...

Một gia đình ở quê vẫn giữ tập tục gói bánh chưng ngày Tết (Ảnh: Reatimes)

Thư Kỳ

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tet-den-muon-ve-lang-tham-lai-canh-xua-nguoi-cu-97776.html