Tết đoàn tụ nơi “tâm bão” buôn người

Sau nhiều năm, “cơn bão buôn người” ở xã Cốc Mỳ (Bát Xát, Lào Cai) mới chịu lắng xuống. Hơn một năm nay không còn phụ nữ nào bị lừa qua biên giới, hàng chục chị em đã được giải cứu và đoàn tụ với gia đình. Lâu lắm rồi những phụ nữ ở đây mới trút bỏ được nỗi ám ảnh bị lừa bán. Và, cũng lâu lắm rồi họ mới lại được hưởng cái Tết đoàn viên, sum vầy, hạnh phúc đến thế.

Ngày “cơn bão” buôn người ập đến

Còn nhớ cách đây 3 năm, chúng tôi về Cốc Mỳ vào đúng thời điểm “cơn bão” buôn người đang càn quét kinh khủng nhất. Những cái lắc đầu ngán ngẩm của ông Nguyễn Quốc Trọng, lúc đó còn là Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ vẫn còn am ảnh chúng tôi. Ông bảo, chính quyền xã bất lực, gần như không có phương cách nao để ngăn chặn tình trạng buôn người trên địa bàn.

Anh Sanh, người được mệnh danh là người đàn ông “khổ sớm”, chỉ một đêm thôi anh đã mất vợ. Chị Vàng Thị Mái chẳng nói với anh lấy một lời, lặng lẽ theo người ta qua biên giới bỏ anh và các con. Anh một mình cáng đáng, vừa gồng lưng làm cha, tất tả làm mẹ lo cho 3 đứa con nhỏ. Đau đớn nhất là mỗi độ tết đến, xuân về anh lại phải trả lời những câu hỏi của con mà đến bản thân mình cũng không trả lời được: “Mẹ đi đâu rồi? Mẹ bỏ chúng con đi rồi à? Mẹ không thương chúng con nữa? Tết này mẹ về không bố?”. Những lúc đó anh chỉ biết khóc mà tra lời các con: “Mẹ đi xa kiếm tiền nuôi các con, Tết mẹ về mua quần áo đẹp nhé”.

Chị Lý Thị Hoa, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Cốc Mỳ chia se: “Những đứa trẻ ở đây vào thời điểm 3 năm về trước chúng rất sợ khi thấy người lạ. Vì chúng cho rằng đây là những người đến bắt mẹ chúng đi. Như trường hợp của bé Hoàng A Thào, chưa đầy 10 tuổi nhưng đã bị mẹ bỏ rơi, đau đớn hơn nữa cháu bé mang trong mình virus HIV. Thào đột ngột mất đi người cha, mẹ bé không chịu được cảnh cô quả, một năm sau cũng theo người ta qua biên giới. Hai anh em rơi vào cảnh sống vất vưởng, chỉ biết nương tựa vào ông bà nội. Nhưng rồi sức già cung không cáng đáng nổi Thào, bé lại được mang về cho người cậu nuôi”.

Cuộc sống khó khăn khiến nhiều phụ nữ mắc lừa kẻ xấu.

Đó chỉ là những câu chuyện rất nhỏ của hàng chục gia đình có người thân bị “cơn bão buôn người” cuốn đi. Chẳng phải nói ai cũng biết hậu quả của nó khôn lường đến mức nào. Chồng thiếu vợ, chán đời sa đà vào rượu, tệ nạn xã hội. Con vắng mẹ, tuổi thơ thiếu thốn, rồi biết bao hiểm họa đang rình rập chúng.

Tết sum vầy

Với những nỗ lực của các cấp chính quyền, bài toán “buôn bán phụ nữ” ở đây dần có lời giải. Theo thống kê của chính quyền xã Cốc Mỳ, một năm nay không có phụ nữ nào bị lừa bán, bỏ sang biên giới. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều chị em đã được đưa về đoàn tụ với gia đình. Ông Hà Thị Mây hồ hởi nói: “Lâu lắm rồi chúng tôi mới được vui thế này. Phải nói đây là cái Tết đoàn tụ của chúng tôi”.

Được anh Hoàng Văn Thắng, Công an viên xã Cốc Mỳ đưa chúng tôi tới gia đình ông Phàm A Măng, người có con gái vừa được giải cứu từ Trung Quốc trở về. Một năm về trước, em Phàm Thị Hạnh bị một người quen tên là Tần Thị Thủy dụ dỗ vượt biên. Người này nói rằng sang đó sẽ có công việc tốt, thu nhập ổn định, nhiều người làm có tiền gửi về cho bố mẹ. Nghe những lời ngon ngọt ấy, em Hạnh quyết định đi theo Tần Thị Thủy. “Em bị người ta giữ ở cửa khẩu 15 ngày để bọn nó đến nhận người. Lúc này em đã bắt đầu nhận ra mình đã bị lừa. Họ không cho ăn, thỉnh thoảng vào còn đánh đập chửi bới bọn em. Sau đó họ cho mấy người bọn em lên xe thùng tối tăm di chuyển khoảng vài trăm cây số đến vùng sâu vùng xa” – Hạnh kể lại. Do chưa bắt được mối bán người, Hạnh và một số người khác bị giữ lại tại một trang trại nuôi gia súc. Hằng ngày Hạnh phải mang thức ăn cho lợn, bò. Sau một thời gian làm nô lệ, Hạnh may mắn được người phụ nữ tên Linh giải cứu và đưa về quê.

Có lẽ chẳng ai vui mừng bằng ông Măng khi con gái trở về. Ông bảo, Tết này phải mổ lợn ăn to. Trong ngôi nhà đang đi vào hoàn thiện lúc nào cũng ăm ắp tiếng cười. Ông Măng mời chúng tôi chén rượu nhạt rồi kể ra biết bao dự định tương lai cho con gái. Nào xây nhà xong sẽ kiếm tấm chồng cho Hạnh. Nếu vợ chồng chúng nó khó khăn thì cho về nhà mới ở để làm ăn. Rồi Tết này dồn tiền cho con gái xuống Hà Nội thăm thú. Chia tay gia đình ông Măng chúng tôi cứ nhớ mãi nụ cười của ông. Ông cười mà cứ như khóc vậy, ông cười mà nước mắt cứ chảy ra. Chúng tôi hiểu ông vui thế nào khi mùa xuân này gia đình ông được sum vầy, được đầm ấm hưởng trọn cái Tết.

Ngôi nhà gỗ của gia đình chị Sùng A Thanh nằm chon von trên đỉnh đồi giờ đây cũng trở nên ấm áp hơn bao giờ hết. Người ta bảo anh Thanh là người khổ nhất bản vì cả hai người vợ đều bị bắt sang bên kia biên giới. Mới qua tuổi 30 nhưng anh Thanh đã có tới 2 đời vợ, 4 đứa con. Sau khi người vợ cả bị dụ dỗ vượt biên anh Thanh quyết định lấy người phụ nữ khác cùng bản những mong cùng anh chăm sóc con cái. Ai ngờ, vừa sinh được em bé người vợ thứ hai lại bị người ta lừa sang biên giới.

Anh kể: “Bốn đứa nhỏ không mẹ, một mình mình vừa cáng đáng việc nhà vừa lo cơm cho chúng. Cũng may vợ mình sau 1 năm bị bán sang đó đã được người ta cứu về”. Nói đến đây chị Hầu Thị Xí (20 tuổi) rưng rưng: “Thời gian ở bên kia lòng em như lửa đốt. Thương chồng thương con mà chẳng biết làm gì. Bị người ta đánh đập, chửi bới chỉ biết khóc thôi. Về rồi em sẽ không bao giờ nghe lời ai cả, em chỉ ở nhà nuôi các con thôi”.

Ông Nguyễn Quốc Minh, Bí thư Đảng ủy xã Cốc Mỳ cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chị em bỏ đi nhưng trong đó phải nói đến mối quan hệ trong gia đình. Ví dụ người phụ nữ thì phải đảm đương nhiều công việc quá. Trong khi đó thì người đàn ông lúc nào cũng mang tư tưởng gia trưởng nên việc quan tâm tới đời sống chị em phụ nữ không được tốt.

Ngoài ra, cũng có cả việc bị dụ dỗ lôi kéo. Chẳng hạn như một số chị em bỏ đi trước, không biết cuộc sống bên kia họ thế nào nhưng khi về họ rất thay đổi. Khi về họ lại thủ thỉ với những chị em ở nhà nên dễ bị lôi kéo. Đấy cũng là cái khó cho cấp ủy chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền. Chủ yếu tập trung vào giải quyết những khó khăn trong đời sống gia đình. Một năm nay xã không có phụ nữ nào bị lừa qua biên giới. Có lẽ bài toán về “buôn người” của xã đã được giải quyết rồi.

Phong Anh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-doc-cand/tet-doan-tu-noi-tam-bao-buon-nguoi-380835/