Tết Độc lập ở xứ Mường

Tết Độc lập không chỉ là dịp để con cháu trong họ hàng gần xa được đoàn tụ sum vầy bên mâm cơm ấm cúng mà còn là dịp để mỗi gia đình giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Truyền thống tốt đẹp đó được giữ gìn và phát huy hơn 70 năm qua ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Các gia đình đều dọn dẹp nhà cửa và treo cờ Tổ quốc

Soạn cỗ dâng tổ tiên, nhớ ngày Độc lập

Từ khi còn là sinh viên, thi thoảng tôi và nhóm bạn được mời về khu Mường Vó, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình ăn Tết Độc lập cùng gia đình một người bạn tại đây. Sau những ngày đắm mình trong không khí đặc biệt đó, chúng tôi đã “mê” con người và vùng đất xứ Mường lúc nào không hay. Vì vậy, vài năm trở lại đây, tôi và một số người bạn ở Hà Nội luôn cố gắng sắp xếp công việc trở lại đây để được sống trong không khí mộc mạc, trang trọng với bản sắc rất riêng của người dân xứ Mường.

Người Mường ở xã Nhân Nghĩa làm bánh ăn Tết Độc lập

Người Mường ở xã Nhân Nghĩa làm bánh ăn Tết Độc lập

Năm nay, Hà Nội và nhiều tỉnh thành đang giãn cách phòng dịch COVID-19, chúng tôi không thể về tham dự nhưng ký ức không khí những ngày Tết đó không phai nhạt. Nhớ nhất là dịp Tết Độc lập, trên các nẻo đường của huyện Lạc Sơn, nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc. Ngoài đường, rợp khẩu hiệu mừng ngày Cách mạng Tháng Tám, Quốc Khánh 2/9, mừng quê hương, đất nước đổi mới.

Để chuẩn bị cho Tết Độc lập được tươm tất, nhiều nhà chung sẵn một con lợn để dành thịt vào buổi sáng ngày tết, làm mâm cỗ dâng lên tổ tiên và mời anh em họ hàng, bạn bè. Từ sớm tinh mơ ngày Tết Độc lập, cả gia đình dậy chuẩn bị. Đàn ông khỏe mạnh thì thịt lợn, thịt gà. Những người thợ “theo mùa” tay dao, thớt, nhanh nhẹn, khéo léo chế biến các món ăn. Không cầu kỳ như Tết cổ truyền, nhưng ngày này họ cũng chế biến những món ăn ngon nhất để dâng tổ tiên, tiếp đón bạn bè. Còn phụ nữ đảm nhiệm những công việc nhẹ nhàng hơn nhưng đòi hỏi phải cẩn thận, khéo léo như đồ xôi, làm bánh…

Năm nay, người dân chỉ làm mâm cỗ cúng tổ tiên và gia đình ăn uống ngày Tết độc lập

Trong mâm cỗ dâng tổ tiên ngày Tết Độc lập không thể thiếu món bánh uôi. Đây còn là món quà của chủ nhà dành cho khách đến chơi trong tết này. Nhà mế Bùi Thị Diện, ở xóm Vó Giữa, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) mỗi năm dành hàng chục kg bột để làm bánh uôi mới đủ cho gia đình ăn và dành làm quà tặng khách đến chơi dịp này. Mế Diện chia sẻ, để có mẻ bánh uôi ngon, người dân sẽ chọn thóc trên những thửa ruộng tốt nhất để có gạo thơm, dẻo và thường là gạo thu hoạch từ vụ mùa (thu hoạch tháng 10 năm trước) để lại, xay bột làm bánh. Khi nhào bột phải cho nước vừa đủ, ngấm đều, bóp bột thật dẻo thì bánh vừa mềm, vừa ngon. Bánh uôi ở đây đặc biệt hơn là trên nền bánh trắng tinh vừa gọn trong lòng bàn tay được điểm tô vào những hạt lạc vàng óng vừa thơm, vừa giòn. Ngoài ra, lá bương gói bánh phải là những chiếc lá đẹp nhất. Bánh cho vào hai đầu của lá rồi được nhẹ nhàng cuộn tròn vặn nhẹ ở giữa, hai đầu lá cài vào nhau. Sau khi gói xong, bánh uôi được cho vào chõ để hấp cho chín đều. Sau 45 phút, thấy lá chuyển sang màu đậm cũng là lúc bánh đã chín.

Việc thái thịt, sắp mâm cỗ cũng quan trọng không kém. Phải là những người đàn ông lớn tuổi, có hiểu biết nhất định mới được làm. Nhìn qua thì dễ nhưng làm mới thấy cầu kỳ. Ngay từ việc đặt hướng ngọn lá, mang lá cũng phải đúng cách. Các món ăn được chế từ các bộ phận của con lợn cũng phải xếp đúng vị trí, như thế, lúc dọn mâm mới không bị thiếu. Theo quan niệm của người Mường, khi đặt mâm cỗ cúng, nếu thiếu một trong các bộ phận của con lợn coi như tổ tiên chưa nhận đủ lễ, sẽ không may mắn cho gia đình.

Trong ngày Tết Độc lập, mỗi gia đình thường chuẩn bị 5 mâm cỗ cúng dâng lên tổ tiên. Các cụ cao tuổi nhất trong nhà sẽ đại diện cho cả nhà mời tổ tiên, các vị thần về nhận lễ, chứng giám cho lòng thành của con cháu. Sau đó, con cháu xin phép lùi mâm xuống, tất cả cùng nhau nâng ly chúc mừng ngày Quốc khánh và chúc nhau may mắn, thành công trong cuộc sống, thắt chặt tình đoàn kết. Đây cũng là dịp để gia đình dạy con cháu, ôn lại truyền thống cách mạng của quê hương đất nước, nhớ công ơn Đảng, Bác Hồ đã đem lại độc lập, tự do cho nhân dân. Trong mâm cỗ vui vầy, lời hát đối thiết tha được cất lên.

Đối với chúng tôi, những người đã lên với xứ Mường ở Lạc Sơn nhiều lần, mỗi lần chúng tôi lại được chứng kiến những đổi thay trong diện mạo của vùng đất này. Từ mâm cơm, đến mâm lễ hay những bộ trang phục, cách trang hoàng nhà cửa... trong những ngày này thể hiện phần nào sự “cải thiện” trong đời sống vật chất và tinh thần của những người thân nơi đây.

Ôn truyền thống, động viên nhau vượt qua đại dịch

Theo những vị cao niên ở đây kể lại, phong tục ăn Tết Độc lập 2/9 ở huyện Lạc Sơn xuất phát từ vùng Cộng Hòa (ở huyện Lạc Sơn đến nay vẫn gom các xã thành các vùng: Vùng Huyện, vùng Đại Đồng, vùng Cộng Hòa, vùng Quyết Thắng và vùng Cao. Trong đó, vùng Cộng Hòa gồm các xã Nhân Nghĩa, Miền Đồi, Quý Hòa, Mỹ Thành, Văn Nghĩa, Tuân Đạo, Tân Lập). Cuối năm 1949, thực dân Pháp rút đi, vùng Cộng Hòa của huyện Lạc Sơn được giải phóng. Dịp Quốc khánh 2/9/1950, Hội các Cụ phụ lão cùng chính quyền xã tổ chức mít tinh, vui văn hóa, thể thao, mổ trâu chia cho nhân dân cùng ăn mừng ngày Độc lập. Trong các gia đình đều lập bàn thờ Tổ quốc, treo cờ, ảnh Bác và các vị lãnh tụ. Từ đó thành lệ, cứ Ngày Quốc khánh 2/9 các năm sau đều tổ chức ăn mừng, sau đó lan ra toàn huyện Lạc Sơn thành phong tục như ngày nay.

Ông Bùi Kiên Chung, Bí thư Đảng ủy xã Nhân Nghĩa cho biết, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thực hiện chủ trương của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, nhân dân trong xã Nhân Nghĩa đã giảm quy mô tổ chức Tết Độc lập. Trên địa bàn xã có trang trí khẩu hiệu, cờ hoa, tuyên truyền mừng ngày Tết Độc lập. Những gia đình đang tham gia công tác học tập ở ngoài địa bàn huyện cũng được thông báo từ gia đình hạn chế trở về quê hương.

Năm nay, không có các hoạt động thể thao, văn hóa, chơi trò chơi dân gian, không tổ chức thăm hỏi, tập trung đông người. Người dân trong xã chỉ tổ chức ăn tết trong phạm vi gia đình, đảm bảo phòng dịch. Người dân chỉ làm mâm cỗ cúng tổ tiên và gia đình ăn uống, như vậy vừa để nghỉ ngơi, ôn lại truyền thống, để khen thưởng, động viên, giúp nhau vượt qua dịch bệnh...

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Bí thư Huyện ủy huyện Lạc Sơn chia sẻ, phong tục ăn Tết Độc lập của người Mường trên địa bàn huyện đã có từ lâu. Một số vùng tổ chức vào ngày 19/8, một số vùng tổ chức ngày 2/9. Hoạt động này góp phần nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Ông Điệp cho hay, Lạc Sơn đã đề xuất tỉnh xem xét, chỉ đạo việc đưa phong tục ăn Tết Độc lập của người dân trong huyện vào chương trình bảo tồn các phong tục độc đáo của tỉnh Hòa Bình.

Đức Anh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tet-doc-lap-o-xu-muong-post1371813.tpo