Tết độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Mảnh đất Lệ Thủy (Quảng Bình) quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày cuối tháng 8 cảnh vật thay đổi rực rỡ cờ hoa, con người trở nên rạo rực và khẩn trương tất cả chuẩn tâm thế cho ngày Tết Độc Lập và lễ hội đua thuyền truyền thống 2/9.

Các thuyền đua tranh tài trên sông Kiến Giang.

Các thuyền đua tranh tài trên sông Kiến Giang.

Người dân Lệ thủy rất tự hào về quê hương của mình. Họ tự hào về những nét văn hóa mà không nơi nào có được. Trong số đó phải kể đến nét văn hóa đón Tết Độc Lập và lễ hội đua thuyền truyền thống. Khác với các vùng khác, ở xứ Lệ mỗi năm có hai cái Tết là Tết Nguyên Đán và Tết Độc Lập. Đối với con em xứ Lệ Tết Nguyên Đán có thể vắng mặt nhưng Tết Độc Lập dù có ở xa bao nhiêu cũng phải về sum vầy bên gia đình, hòa vào các lễ hội quê hương. Bởi vì thế từ hàng chục năm nay người dân Lệ Thủy luôn nhắc nhở nhau rằng:

“Dù ai đi Tây, về Đông

Mồng Hai tháng Chín cũng mong về nhà

Về nhà xem hội quê ta

Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”.

Phần lễ trang trọng

Tìm về quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày cuối tháng 8 chúng tôi mới cảm nhận được những sự đổi thay trên mảnh đất này. Cảnh vật và con người nơi như khoác lên mình chiếc áo mới, vui tươi và bận rộn hơn bao giờ hết. Trên các nẻo đường xứ Lệ rợp màu cờ hoa, biểu ngữ. Hai bên dòng Kiến Giang xanh biếc, hiền hòa uốn trở nên tơi tắn hơn bởi màu cờ hoa hai bên rọi bóng.

Dưới sông rộn rã tiếng “hố lê, hò lê” của những chàng trai, cô gái đang say mê tập luyện. Mặc dù là các buổi tập nhưng dọc hai bên sông người hâm mộ đã đứng kín để tiếp thêm động lực cho các vận động viên. Dòng Kiến Giang thường ngày không rộng lắm giờ lại trở nên chật chội hơn.

Bên trong các gia đình, những ngày này dường như đông vui tươi hơn hẳn. Ngoài sân, đàn ông sửa sang lại hàng rào, cắt tỉa cây cối, trong nhà những thúng nếp ngon nhất vừa thu hoạch ở mùa vụ trước được chị em sàng sảy bỏ lên ngăn bếp, trước để dâng lên bàn thờ sau để đãi con cháu, khách khứa. Những sản vật mang âm hưởng quê hương như gà, vịt, cá đồng, rượu nếp... cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Dịp này con em Lệ Thủy làm ăn sinh sống ở xa dù có bận bịu tới đâu cũng cố gắng sắp xếp về đón Tết Độc Lập bên gia đình.

Thanh niên Lệ Thủy hoàn tất các thủ tục trước lúc hạ thuyền.

Bà Hoàng Hiền, ở xã Lộc Thủy cho biết, vào dịp 2/9 các gia đình ở Lệ Thủy sẽ làm mâm cơm kính cẩn dâng lên tổ tiên, Bác Hồ, Bác Giáp để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và nhắc nhở con cháu về những hi sinh của thế hệ cha ông, cần phải cố gắng phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước. Theo bà, mâm cỗ không cần cao sang của ngon vật lạ, mà chỉ cần những món ăn đậm chất quê hương và tấm lòng thành kính là đủ.

Bà Hiền vui vẻ cho biết thêm: “Nhà có hai người con, một đứa trai ở Đà Nẵng, một con gái lấy chồng ở Hà Tĩnh. Dù ở xa nhưng dịp lễ 2/9 năm nào chúng cũng về sum họp với gia đình và cổ vũ đua thuyền. Năm nay đứa con gái còn đưa cả gia đình về nữa nên phần thêm vui, tôi đã chuẩn bị nhiều món ngon để gia đình sum vầy bên nhau”.

Anh Hoàng Lê Ngọc một người con ở Thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy chia sẽ, anh đang công tác ở TP. Huế dù khoảng cách địa lý không xa tuy nhiên điều kiện công việc không có nhiều thời gian rảnh. Song năm nào anh cũng cố gắng sắp xếp để về đoàn viên bên gia đình, chung vui cùng quê hương.

“Năm nay nghĩ lễ đúng dịp cuối tuần nên tôi sắp xếp về trước mấy ngày. Vừa có thêm thời gian bên gia đình lại được hòa vào không khí hồ hởi tập luyện của mọi người”, anh Ngọc phấn khởi nói.

Phần hội đặc sắc

Lệ Thủy được nhiều người biết đến là vùng giàu truyền thống văn hóa của mảnh đất Quảng Bình. Một trong số đó phải kể đến lễ hội đua thuyền truyền thống dịp quốc khánh 2/9 hàng năm. Đây được xem là một trong những lễ hội đua thuyền lớn nhất cả nước. Đối với con em Lệ Thủy và người dân Quảng Bình đua thuyền không chỉ là lễ hội để giải trí mà đây còn là hoạt động thể hiện sự đoàn kết, sức mạnh và sự thông minh nhanh nhẹn của con người nơi đây.

Theo các bậc cao niên Lệ Thủy, lễ hội đua thuyền truyền thống đã có từ xa xưa, khi mới lớn đã đòi mẹ ra bờ sông cổ vũ cha bơi. Trước đây, lễ hội đua thuyền được tổ chức vào mùa xuân để cầu mưa thuận, gió hòa, đất đai trù phú. Nhưng từ sau ngày 2/9/1945, để hòa chung vào niềm vui của của đất nước lễ hội được tổ chức vào dịp Tết Độc Lập. Và từ đó đến nay, đến dịp cứ đến dịp 2/9 chính quyền và người dân xứ Lệ lại hào hứng tổ chức lễ hội đua thuyền.

Người dân đứng kín hai bờ Kiến Giang cổ vũ tiếp sức cho các thuyền đua.

Từng là một tay bơi mang lại nhiều thành tích cho thuyền bơi xã Lộc Thủy, Ông Bùi Thanh Hùng, 67 tuổi, cho biết: “Cái máu đua thuyền đã ngấm vào từng người con Lệ Thủy. Lúc trẻ khỏe ai cũng muốn tay cầm mái chèo để thử sức, khi già rồi không bơi được nữa thì tham gia cổ vũ tạo thêm động lực cho con em. Mỗi lần xem đua thuyền tôi lại có một cảm xúc khác nhau, lúc thì mang lại cảm giác trẻ khỏe, lúc thì phấn khích, có lúc lại hồi hộp”.

Theo ông Hùng, một thuyền bơi tốt phải có hai yếu tố, thứ nhất là thuyền, thứ hai là người bơi. Cả hai yếu tố này đều quan trọng như nhau. Theo đó, muốn có thuyền bơi tốt người nghệ nhân phải lựa chọn được nguyên liệu tốt và có bí kíp riêng. Mỗi làng mỗi đội bơi sẽ có bí kíp riêng nên khi thuyền bơi hoàn thành sẽ được úp lại để lưng lên phía trên tránh để đội khác biết được mực nước, số nêm, vị trí nêm phía trong và cho người túc trực 24/24.

Thông thường đội đua có 16 VĐV, trong đó có 14 tay chèo, 1 người tát nước, 1 người đánh sanh. VĐV của đội phải là con em Lệ Thủy trên 18 tuổi có sức khỏe, dẻo dai và được lựa chọn kỹ càng. Để có kết quả tốt nhất vào đầu tháng 8 các đội đua đã đẩy thuyền ra sông tập luyện. Các tay chèo nhịp nhàng “mái xắp”, “mái khoan” theo tiếng mõ phách, tiếng hò phách “ hố lê, hò lê” làm vang vọng cả dòng sông.

Ngay từ sáng tinh mơ ngày 2/9 hàng vạn người dân khắp nơi đổ về Lệ Thủy cùng xem đua thuyền. Những nẻo đường đông đúc người qua lại, hàng chục km hai bên bờ sông chật kín người hò reo cổ vũ. Bên dưới dòng sông già trẻ, gái trai tay trống, tay kèn cổ vũ các thuyền đua. Mảnh đất Lệ Thủy vốn có tiếng là rộng lớn vào ngày này lại trở nên chật hẹp hơn.

Quê hương Đại tướng dịp này nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Cả con người và cảnh vật như hòa vào niềm vui chung của cả nước niềm vui Tết Độc Lập.

Hoàng Nam - Anh Quốc

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/tet-doc-lap-tren-que-huong-dai-tuong-vo-nguyen-giap-1319349.tpo