Tết Dương lịch, lên phố đi bộ Hà Nội ngắm Trường Sa

Phố đi bộ Hà Nội những ngày cuối tuần lại nhộn nhịp, rộn ràng khi trở thành tụ điểm vui chơi ưa thích của giới trẻ và nhiều du khách. Cuối tuần này, khi lên phố đi bộ đón Tết dương 2017, du khách còn có thể “ghé thăm” đảo Trường Sa qua 100 bức ảnh đang được trưng bày trong triển lãm “Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội” tại Trung tâm triển lãm 45 Tràng Tiền.

Thăm Trường Sa qua ảnh

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm ngày 31/12/2016, ông Nguyễn Anh Tuấn (Bí thư Trung ương Đoàn TNCSHCM) cho biết: “Không phải ai cũng có may mắn một lần được ra đảo Trường Sa chứng kiến sự kiên trung của những người lính hải quân và sức sống mãnh liệt của Trường Sa giữa biển khơi của Tổ quốc.

Với mong muốn lan tỏa tinh thần, sắc màu, chân dung, sức sống của Trường Sa, tấm lòng của Trường Sa với Hà Nội, Hà Nội với Trường Sa, triển lãm được tổ chức để trưng bày các hình ảnh, hiện vật về Trường Sa để giới thiệu với bà con nhân dân Thủ đô và du khách thập phương”.

Theo ông Tuấn sự hiện diện chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở Trường Sa không khác gì trong đất liền, cũng có trường học, chùa, trạm xá, nhà mẫu giáo và người dân sinh sống... dù điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (Bí thư Trung ương Đoàn TNCSHCM) trong lễ khai mạc triển lãm “Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội”

Triển lãm “Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội” nằm trong chương trình “Trường Sa xanh” – một hoạt động do Trung ương đoàn và Bộ tư lệnh Hải quân phối hợp tổ chức nhằm mục đích tuyên truyền về biển đảo, chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Trong số các bức ảnh được gửi về, Ban tổ chức đã chọn ra 100 bức lột tả được khoảnh khắc sinh hoạt đời thường giản dị cũng như lúc chiến đấu, làm nhiệm vụ của người lính đảo; phản ánh chân thực đời sống của chiến sĩ, nhân dân, các lực lượng đóng quân, làm việc và sinh sống trên quần đảo…

Triển lãm gồm 100 bức ảnh về Trường Sa

100 bức ảnh về Trường Sa của 22 tác giả là 100 góc nhìn ghi lại những đặc trưng, ấn tượng, kỷ niệm và cảm xúc của mỗi người dân ở đất liền đến khi tới đảo xa. Những bức ảnh được phân thành 4 chủ đề lớn: Chủ quyền biển đảo; Thiên nhiên Trường Sa; Chân dung Trường Sa và Hà Nội với Trường Sa, cùng mang “sứ mệnh” chuyển tải thông điệp về tình yêu biển đảo, Tổ quốc với Trường Sa.

Lần đầu tiên có một triển lãm ảnh giới thiệu đầy đủ hình ảnh 21 đảo (gồm 9 đảo nổi, 12 đảo chìm), 9 trạm hải đăng, 33 điểm đóng quân của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa tới người dân Thủ đô và du khách thập phương.

Tác phẩm “Phẫu thuật trên đảo” cua tác giả Trần Thành

Mỗi bức ảnh như một lời ca ngợi dành cho vẻ đẹp thiên nhiên ở quần đảo Trường Sa, nơi mênh mông sóng biếc có làn nước trong xanh và là lời tri ân dành cho những người lính đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh gác vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Nhiếp ảnh gia tự do Lê Việt Khánh (một trong 22 tác giả có ảnh trưng bày) chia sẻ: “Đầu tiên, tôi rất tự hào vì có ảnh được treo trong triển lãm này. Không phải ai cũng có điều kiện ra đảo Trường Sa - nơi gắn bó máu thịt với đất nước để có thể tận mắt chứng kiến hình ảnh người lính đang trong phiên gác, lúc nào cũng trong tư thế sắn sàng chiến đấu, canh giữ bầu trời, hải đảo, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Triển lãm “Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội” mang đến một thông điệp ý nghĩa là người dân cả nước luôn hướng về hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Thiếu tướng Phạm Văn Sơn – Chuẩn Đô đốc, Phó chủ nhiệm Chính trị quân chủng Hải quân

Chia sẻ những cảm nhận về buổi triển lãm “Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội”, Thiếu tướng Phạm Văn Sơn – Chuẩn Đô đốc, Phó chủ nhiệm Chính trị quân chủng Hải quân cho biết: “Tôi rất cảm động khi thấy nhiều người dân Thủ đô, nhất là các bạn trẻ đã tới tham quan triển lãm, tìm hiểu về cuộc sống của bộ đội, đồng bào, nhân dân trên quân đảo Trường Sa cũng như vấn đề chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hy vọng triển lãm ảnh sẽ giúp người dân hiểu hơn về Trường Sa để đóng góp một phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay”.

Chưa bao giờ, Trường Sa hiện hữu gần Hà Nội như thế

Tại triển lãm, những người từng tới Trường Sa có dịp để ôn lại kỷ niệm cũ, còn thế hệ thêm phần hiểu biết về cuộc sống và chiến đấu ngoài đảo xa

Ngoài 100 bức ảnh, triển lãm còn trưng bày các hiện vật sống động, mang đặc trưng, dấn ấu của Trường Sa. Đó là cây bàng vuông, cờ Tổ quốc đảo Trường Sa, Sơn Ca, Đá Lát... gửi tặng cho triển lãm. Bên cạnh đó cũng trưng bày nhiều tác phẩm về Trường Sa do CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thực hiện như: đồng hồ Hoàng Sa – Trường Sa, bưu thiếp Sắc màu Trường Sa, thơ.. và các sản phẩm đoạt giải từ cuộc thi kỷ vật Trường Sa do Trung ương Đoàn phát động.

Những mô hình được sắp đặt trong không gian triển lãm

Cây bàng vuông được vận chuyển từ đảo Trường Sa gửi vào triển lãm tại Hà Nội

Những lá cờ từ đảo Trường Sa

Nghệ sĩ Hồ Liên (thành viên BTC triển lãm) cho biết: “Chúng tôi rất muốn mang hiện vật đặc trưng từ Trường Sa về để kết nối gần gũi hơn nữa với công chúng. Hy vọng qua cây bàng vuông, những lá cờ từng tung bay trên các đảo, các mô hình tàu ngầm, cột mốc chủ quyền… khách tham quan sẽ có cái nhìn cụ thể hơn về đảo Trường Sa, nhờ thế mà tình yêu biển đảo nói riêng, yêu nước nói chung được nuôi dưỡng và lớn dần.

Từ sáng đến giờ, tôi thấy hầu như ai đến tham quan triển lãm cũng chụp ảnh đứng cạnh cột mốc chủ quyền. Điều này làm chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là điều không thể chối cãi. Mọi người cùng đến đây, đứng bên cột mốc chủ quyền, chụp ảnh và khẳng định biển đảo quê hương, Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”.

Hà Nhất Nam (sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cũng giống nhiều bạn trẻ có mặt tại ngày khai mạc triển lãm, đứng ngắm từng bức ảnh khá kỹ và chuyên chú. Nam chia sẻ, qua những bức ảnh gió bão nắng mưa, Nam cảm nhận được nỗi vất vả của các anh chiến sĩ và mong ước được một lần ra đảo xa làm tình nguyện. Tuy nhiên, điều làm Nam ấn tượng nhất không phải những bức hình về đảo Trường Sa mà là cột mốc chủ quyền được trưng bày trong triển lãm. “Em ấn tượng nhất với cột mốc Trường Sa với đầy đủ tọa độ kinh độ, vĩ độ trên đó. Nó đánh dấu và thể hiện rất rõ: Đây là chủ quyền của Việt Nam” – Nam nói.

Nói về những mô hình các con tàu trong triển lãm, Thiếu tướng Phạm Văn Sơn cho biết: “Ngoài ảnh chụp thì còn có các mô hình nhằm thể hiện các hoạt động giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc cũng như thấy được sự lớn mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam làm nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chúng tôi mong muốn có nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực này để đồng bào, nhân dân cả nước và nhất là khách nước ngoài đến Thủ đô Hà Nội hiểu hơn về con người và chủ quyền độc lập lãnh hải của Tổ quốc chúng ta”.

Gây quỹ sản xuất máy lọc nước biển thành nước ngọt cho đảo An Bang

Triển lãm ảnh “Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội” kéo dài 4 ngày, diễn ra từ 31/12/2016 – 03/01/2017 tại Trung tâm triển lãm 45 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Triển lãm nằm trong chương trình “Trường Sa xanh”, là một trong các hoạt động của Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” kêu gọi, vận động tuổi trẻ cả nước, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sỹ, các tổ chức xã hội tham gia đề xuất nội dung giải pháp tuyên truyền, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, quyên góp nguồn lực chế tạo các thiết bị, kỹ thuật hỗ trợ cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Trong khuôn khổ triển lãm, CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương sẽ tổ chức những cuộc giao lưu thơ, hát những ca khúc về biển đảo, Hà Nội. Cùng đó là các hoạt động tuyên truyền gây quỹ sản xuất máy NT- 60 lọc nước biển thành nước ngọt cho đảo An Bang. Tiền bán bưu thiếp và đấu giá ảnh sau triển lãm cũng được tập thể tác giả nhất trí gửi tặng cho quỹ Trường Sa xanh để sớm sản xuất được máy lọc nước ngọt NT-60.

Việt Nam phản đối Trung Quốc mở đường bay dân sự tới Hoàng Sa

Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền Việt Nam

Reutes: Trung Quốc xây thêm nhà chứa máy bay, Việt Nam bổ sung tên lửa tại Trường Sa

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/tet-duong-lich-len-pho-di-bo-ha-noi-ngam-truong-sa