Tết Hàn thực 2023 và nguồn gốc và ý nghĩa Tết Hàn thực

Các gia đình chuẩn bị bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên vào Tết Hàn thực (3/3 âm lịch) nhưng không phải ai cũng biết ý nghĩa dịp lễ này.

Nguồn gốc Tết Hàn thực

Theo nghĩa chữ Hán, “Hàn” là lạnh còn “thực” là ăn. Tết hàn thực có nghĩa là ngày tết ăn đồ lạnh. Các nhà nghiên cứu về văn hóa cho hay, Tết Hàn thực tại Việt Nam bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc qua tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc được lưu truyền đến ngày nay.

Cụ thể, vào đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn phải bỏ nước lưu vong. Một hôm, trên đường lánh nạn, do lương thực hết nên Giới Tử Thôi - người hiền sĩ đi theo phò vua đã lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng.

Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong 19 năm, cùng nhau nếm trải nhiều gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công giúp mình trải qua những năm tháng khó khăn nhưng ông lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi.

Tuy nhiên, Giới Tử Thôi không hề hoán giận, nghĩ mình theo phò vua là chuyện nên làm, vì thế đưa mẹ về núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm nhưng Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng.

Ngay cả khi Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng để thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, ông vẫn nhất định không chịu tuân mệnh, cuối cùng cả hai mẹ con ông đều chết cháy.

Vua thương xót, lập miếu thời và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa 3 ngày, chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ 3/3 - 5/3 âm lịch hàng năm).

Người dân thường làm bánh trôi, bánh chay vào ngày Tết Hàn thực (3/3 âm lịch). Ảnh minh họa

Ý nghĩa Tết Hàn thực

Mặc dù bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực tại Việt Nam mang những bản sắc riêng biệt, đậm nét đẹp văn hóa của người Việt. Đây không phải là ngày để tưởng nhớ Giới Tử thôi, người dân cũng không kiêng đốt lửa.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, bắt đầu từ tháng 3 hàng năm, thời tiết dần nóng lên và đây cũng là thời điểm chuyển giao sang mùa hè. Với mục đích đánh dấu thời điểm này, cứ vào ngày 3/3 âm lịch, người dân lại làm bánh trôi, bánh chay để cúng tế trời đất, tổ tiên.

Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Bánh trôi, bánh chay tượng trưng cho đồ ăn nguôi - hàn thực, đồng thời là sản vật từ những mùa lúa bội thu dâng lên ông bà tổ tiên cầu mong mưa thuận gió hòa.

Vậy nên, mùng 3/3 âm lịch còn được người Việt gọi là Tết bánh trôi - bánh chay.

Tết Hàn thực 2023 rơi vào ngày nào dương lịch?

Như đã nói, Tết Hàn thực rơi vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Năm nay, Tết Hàn thực rơi vào thứ Bảy, ngày 22/4/2023 dương lịch. Trong ngày này, những người xa quê sẽ trở về đoàn tụ với người nhà, cùng đi tảo mộ người đã khuất và sum họp bên bữa cơm gia đình.

Theo Người Đưa Tin

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/tet-han-thuc-2023-va-nguon-goc-va-y-nghia-tet-han-thuc-1846346.html