Tết Kỷ Hợi kể chuyện những 'nghệ sỹ' lợn làm xiếc trên sân khấu

Trái với vẻ ngờ nghệch vụng về, những chú lợn khi qua tay các huấn luyện viên bỗng lột xác thành những 'nghệ sỹ' xiếc điêu luyện trên sân khấu.

Trên thế giới, những chú ỉn đã được đưa vào huấn luyện biểu diễn xiếc nhưng ở Việt Nam thì mới được đưa lên sân khấu từ đầu năm 2017. Không giống như những gì mà mọi người vẫn nhầm tưởng, những chú ỉn có trí thông minh rất cao, dễ huấn luyện và rất thân thiện.

Nghệ sĩ Kim Cương chính là người đầu tiên đưa lợn lên sân khấu xiếc Việt Nam. Năm 2017, trong một lần công tác về Hải Phòng, anh Cương đến thăm một trại lợn chuyên nuôi lợn Móng Cái. Loại lợn này từng xuất hiện trong tranh Đông Hồ.

Nhận thấy giống lợn này đẹp và khá thông minh, hơn nữa trong Liên đoàn xiếc từ trước đến nay chưa có ai tập và biểu diễn lợn nên anh Cương nghĩ ngay đến chuyện tập một tiết mục xiếc lợn.

Khi về Hà Nội, anh Cương lên đề án, trình lên Liên đoàn xiếc và được chấp nhận. Anh Cương mua 5 con lợn giống Móng Cái về nuôi và huấn luyện. Mất khoảng 1 năm tập luyện, từ đầu năm 2017 đến đúng dịp Noel 2017, anh Cương đưa tiết mục xiếc lợn của mình vào biểu diễn.

Chia sẻ về những "bạn diễn" của mình, anh Cương cho hay, những con lợn khi mới bắt về rất nhát, chúng phá phách, sợ hãi lao vào cửa sắt rầm rầm. Nhưng qua 4-5 tháng, chúng đã mạnh dạn hơn và thuần hơn.

Theo anh Cương, điều quan trọng nhất với một nghệ sỹ xiếc thú đó là kiên trì. Người nghệ sỹ phải thường xuyên gần gũi, chăm sóc để con thú dạn người. Khi thú đã dạn người thì mới đưa vào tập luyện các động tác, và đặc biệt, khi đã tập thì phải tập liên tục để con thú ghi nhớ động tác.

“Như lợn này, tập khoảng 1 năm thì sẽ nhuần nhuyễn. Đàn trước của tôi, đến bây giờ, mỗi lần lên sân khấu, MC giới thiệu là chúng như biết đến tiết mục của mình, chưa kéo rèm đã lao ra sân khấu rồi" - anh Cương cho biết.

Những chú lợn được huấn luyện làm quen trước khi thử sức với những bài tập khó hơn như nhảy qua vòng lửa.

Dạy động vật nói chung và huấn luyện lợn nói riêng đều vận dụng bài tập phản xạ có điều kiện. Sau khi lợn hoàn thành một động tác, người huấn luyện cần phải khen và dùng thức ăn ngon để thưởng cho những chú lợn để dần hình thành phản xạ.

“Do sân tập chỉ có một mà có nhiều loài thú cần tập luyện nên mọi người phải chia ca, mỗi người tập 1-2 tiếng để con thú không quên động tác”, anh Cương cho biết thêm.

Trên bảng xếp hạng về trí thông minh của động vật, lợn là loài đứng thứ 6. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện lợn nuôi trong nhà có thể sử dụng gương để tìm kiếm thức ăn và đánh lừa những con lợn khác. Tại Mỹ, lợn cũng là loài thú cưng được yêu thích. Còn ở Việt Nam, lợn cũng đang là loài vật nuôi trong nhà được yêu thích bởi thông minh, tình cảm.

Qua bàn tay huấn luyện, những chú lợn vốn bị coi là ăn nhiều, ở bẩn trở nên lanh lợi trong những tiết mục xiếc.

Tiết mục xiếc lợn quá thành công, anh Cương tiếp tục nhận trọng trách từ Liên đoàn xiếc là huấn luyện thêm một đàn lợn mới. Lần này, anh Cương đang huấn luyện 7 con.

Những "nghệ sỹ" lợn trên sân khấu xiếc.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tet-ky-hoi-ke-chuyen-nhung-nghe-sy-lon-lam-xiec-tren-san-khau-136032.html