Tết là để trở về

Dù cuộc sống có hiện đại bao nhiêu, công nghệ có thay đổi thế giới này thế nào, Tết vẫn cứ rất là xưa cũ, rất là thân quen, rất là một nơi để chúng ta được trở về như thế. Đúng! Đúng là từ khi có smartphone, tình xa hóa gần.

"Trở về thương lấy nhau thôi

Một năm đời lại qua rồi còn đâu?"

Nhà thơ Hồng Thanh Quang viết thế! Một năm nữa của cuộc đời lại qua đi. Đón một năm mới hay tiễn đưa một năm cũ? Thêm một tuổi mới hay già đi một tuổi? Có người nói với tôi rằng: Chỉ có trẻ con thích Tết. Chúng ta càng lớn càng sợ Tết. Đàn ông sợ Tết một thì phụ nữ sợ Tết mười. Tôi cũng gặp những cô gái chưa chồng, Tết đến là đối diện với những lời chúc "năm nay cưới chồng", chưa có con thì gặp những lời chúc "sớm sinh con cho ông bà có cháu bồng", có con rồi thì lại chúc "có nếp có tẻ"... Nên nhiều người phụ nữ ghét Tết, là ghét phải đối diện với những lời chúc vô tư đến vô duyên.

Tôi cũng gặp những phụ nữ tay năm tay mười lo sắm Tết, dọn nhà đón Tết, cơm cơm nước nước, họ hàng hai bên. Nên cứ nghĩ đến Tết là lại thở dài bủn rủn. Tết là già đi một tuổi đời nhưng với nhiều người là già đi cả vài tuổi vì những lo lắng, tất bật, mưu sinh.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú

Thời gian là con đường một chiều. Cứ thế mà trôi đi. Tết là lớn thêm một tuổi hay già đi một tuổi thì nó vẫn cứ là một năm đã qua đi, một năm mới lại tới. Chẳng ai ngăn nổi. Chẳng thể làm chậm nó lại. Muốn hay không, nó vẫn cứ xảy ra. Nhưng tại sao tôi vẫn luôn nghĩ: Tết là Trở Về. Không phải đón Tết mà là Trở Về với Tết. Dù cuộc sống có hiện đại bao nhiêu, công nghệ có thay đổi thế giới này thế nào, Tết vẫn cứ rất là xưa cũ, rất là thân quen, rất là một nơi để chúng ta được trở về như thế.

Đúng! Đúng là từ khi có smartphone, tình xa hóa gần. Chỉ cần nhấc máy lên, đầy đủ cả đường hình lẫn đường tiếng như thể đang ngồi sát cạnh nhau vậy. Đúng! Tết nhất bây giờ chẳng ai còn câu nệ quá những lễ nghi, thậm chí, người văn minh giờ chẳng ai còn đốt vàng mã ngày cuối năm, chẳng ai phóng sinh cả cá lẫn túi nilon. Nên Tết nhất chẳng trở về cũng chẳng ai trách cứ. Chỉ là tôi vẫn cũ kỹ quá chăng khi vịn mãi vào hai chữ "Trở Về" như thế?

Không! Tôi biết chứ! Một năm kinh tế khó khăn, nhiều nơi chậm lương, nợ lương, đình trệ sản xuất. Đường về nhà gần cũng hóa xa. Chưa kể nhiều khi ở lại thành phố trong mấy ngày Tết có khi kiếm được số thu nhập bằng cả tháng làm việc. Nhiều sinh viên không về, chọn ở lại làm việc dịp Tết với mức thu nhập 300%- 400% so với ngày thường. Nhiều gia đình trẻ từ chối về quê vì con nhỏ, xe cộ những ngày giáp Tết đều kín đặc.

Nhiều người còn tránh cả về quê vì sợ những lời chúc tụng vô tư đến vô duyên, sợ những cỗ bàn đất lề quê thói. Nên nói "trở về" đôi khi chẳng phải là về nhà theo nghĩa dịch chuyển vật lý đâu. Chỉ là "trở về thương lấy nhau thôi" như anh Hồng Thanh Quang nói vậy.

Trở về. Là ngoảnh đầu lại nhìn nhau lâu hơn chút nữa thôi. Là mở rộng tai, là để trái tim mình hướng về nhau một chút. Nhất là khi Tết đến Xuân về thế này. Là cha mẹ ta sống nay thác mai, còn thêm ngày nào được trở về với cha mẹ thì đừng bỏ uổng. Là con cái chúng ta, tuổi thơ của chúng chẳng nhiều nhặn gì cho cam, đừng để công việc cuốn chúng ta đi, thời gian dành cho điện thoại nhiều hơn dành cho con cái. Là vợ chồng càng phải "trở về" với nhau nhiều hơn, là mỗi ngày, mỗi giờ ở bên nhau vậy. Là lắng nghe nhau. Là thương nhau nhiều hơn mỗi ngày.

Trở về! Nào phải xa xôi xe khách dăm tiếng, tàu bay vài chặng? Chỉ là ngoảnh đầu lại một chút thôi mà! Ngồi lại với con vài phút. Nằm lại bên nhau nhiều lên vài phút. Cầm lại tay nhau lâu hơn vài phút. Không cần phải cố hiểu vợ mình, con mình mà chỉ cần lắng nghe nhau, quan tâm nhau. Hiểu nhau mà thờ ơ thì thà không hiểu nhau mà quan tâm nhau! Sai cũng được! Sai còn hơn! Những lời chúc vô tư đến vô duyên kia cũng thế, nếu nghe bằng tâm thế của sự "Trở Về" ta sẽ thấy đó là sự quan tâm, là sự thiết tha, mong đợi điều tốt lành đến với mình thôi mà. Dù có thể với mình đó chẳng phải thứ mình mong đợi nhưng còn hơn gặp nhau mà như người dưng nước lã, nhạt hoẹt.

Trở về! Tôi vẫn mong chúng ta cùng nhau trở về. Chỉ cần về với nhau hôm nay bằng việc "hôm nay mình ăn gì". Hẹn hò nhau bằng một bữa cơm chiều có món anh thích, có món em thích. Chỉ cần về với nhau hôm qua. Như một bó hoa nhỏ vì hôm qua thấy mắt nhau vương mấy sợi buồn, vì hôm qua anh sai, hôm qua em gặp chuyện buồn, hôm qua mình đã làm nhau buồn...

Hôm qua của em có anh và hôm qua của anh có em! Trở về hôm qua là để hôm nay trọn vẹn hơn vậy! Là Tết này, cỗ bàn chi cho mệt, chúng mình làm tiệc bằng nhau đi. Tết là để em diện áo mới. Tết là để ta tận hưởng không khí của mùa Xuân. Là từng chồi non lại nhú lên trong ta, những chồi non của tình yêu, của thương, của trân trọng năm tháng chúng ta đang có với nhau này. Gieo một chồi non để đường về thêm bóng mát vậy.

Trở về! Trước khi quá muộn!

Dù rằng yêu thương thì chẳng khi nào là quá muộn cũng như quá sớm. Thì cái hữu hạn của thời gian vẫn như cái án treo trên hai vai mỗi người. Sao phải chờ bệnh tật đến mới biết chăm nhau? Sao phải chờ đến khi nước mắt rơi xuống rồi mới cố làm nhau vui? Sao phải cố làm việc thật nhiều để có cái an hưởng tuổi già để rồi đến già thì chẳng nhớ gì ngoài công việc mình đã làm hồi trẻ thay vì mình đã sống thế nào khi mình còn trẻ?

Tết là sự trở về. Trở về thương lấy nhau thôi!

Là trở về thương, trở về yêu! Trở về bên nhau! Bớt đi những ngày cô quạnh! Bớt đi những năm tháng hắt hiu nhạt màu! Bớt đi những người vợ lâu rồi không được cười rạng rỡ. Bớt đi những người chồng lâu rồi quên cơm nhà. Bớt đi những đứa con lâu rồi không được cười cùng cha mẹ! Bớt đi những ngôi nhà lạnh! Bớt đi những trái tim nguội. Và bớt đi cả những ngóng trông của cha mẹ dành cho ta.

Tết này, trở về thương lấy nhau thôi, được không?

Tết nghĩa là hy vọng!

Nhiều năm về sau, hóa ra điều ta nhớ đôi khi chẳng phải là thứ ta đã làm mà là thứ ta đã hy vọng và đạt được! Tết cũng vậy. Tết không phải là hoài niệm mà Tết là hy vọng!

Hy vọng. Ai cũng có những hy vọng. Như khi đứng bên nhau đón Giao thừa. Pháo hoa bay đầy trời. Hương mùa Xuân lan tỏa xung quanh. Những gắn kết rõ ràng như thể sờ được, nắm được. Bằng vòng tay ôm. Bằng những nụ hôn. Bằng những ánh mắt nhìn nhau thiết tha ánh cười. Bằng cả hương khói bảng lảng. Bằng cả giọng nói, gọi nhau rộn rã, ríu rít. Gắn kết không chỉ bằng thương yêu mà gắn kết cả bằng tâm linh và tin cậy. Tất thảy là bởi trong chúng ta ai nấy cũng đều tràn đầy lòng hy vọng. Cho mình và cho nhau.

Tôi muốn ví hy vọng như máu của đời, nuôi lớn tim nhau. Như xăng để đốt cháy động cơ cho chuyến xe đời được đi xa hơn nữa. Như mùa Xuân để thứ tha nhau, để hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong chặng đường một năm kế tiếp, một đời nối tiếp. Hy vọng! Dẫu có khi hy vọng cao quá, xa quá thành mơ mộng. Thì có hề chi??? Dẫu có khi hy vọng là mong manh. Thì có hề gì???

Tết nghĩa là hy vọng!

Hãy hy vọng đi! Hy vọng Cùng Nhau!

Dẫu đã thật đủ đầy thì cũng đừng thôi hy vọng! Hay kể cả mới hôm qua, một vài hy vọng đã thành thất vọng. Thì đó cũng là chuyện hôm qua, chuyện của năm cũ, thất vọng của hôm qua sẽ chỉ là những thất vọng tạm thời! Hôm nay, năm mới rồi, lại bơm thêm cho mình những hy vọng nữa đi! Dành tặng bạn bè tôi, lì xì cho một năm mới với thật nhiều hy vọng cho nhau và cùng nhau nhé! Yêu cả thương! Tin và Hy vọng!

H.A.T

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tet-la-de-tro-ve-20240205194408555.htm