Tết muộn

Mưa tháng Giêng như lớp bụi mờ bao phủ cỏ cây, hoa lá. Không khí Xuân vẫn còn vương vấn phố xá. Với những người bận rộn công việc chưa kịp rảnh rang đón Tết, nay xốn xang tìm mua cành đào Nhật Tân nở muộn về nhẩn nha ngắm nghía.

Tết đúng dịp thường tất tả, nhộn nhịp, còn với người đón Tết muộn lại đem đến cảm giác sâu lắng, yên bình. Tôi có anh bạn dù không bận bịu vì công việc, nhưng nhiều năm rồi, nhà anh thường duy trì kế hoạch đi chơi Tết ở xa, sau đó mới trở về ăn Tết muộn. Anh bảo, Tết muộn có sức lôi cuốn riêng, âm thầm, khiêm nhường, chứ không ồn ào, náo nhiệt. Ðôi khi chỉ là sở thích chiêm ngưỡng một cành đào, cành mai lãng đãng e ấp cuối vụ; cả nhà ngồi thưởng thức miếng mứt ngọt ngào, miếng bánh chưng rán, chè kho thơm thảo...

Khi mọi việc dần trở lại quỹ đạo bình thường, cũng là lúc số ít người do đặc thù nghề nghiệp mới bắt đầu được nghỉ ngơi hưởng không khí xuân. Người làm việc trong ngành vận tải, bán hàng, hướng dẫn viên du lịch vất vả trong dịp Tết; hoặc đội ngũ cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an, bác sĩ căng mình ứng trực chỉ được phép thay nhau nghỉ luân phiên; rồi người học tập, làm ăn, lập nghiệp phương xa về nhà trễ. Tất cả đối với họ, vòng tay ấm áp của người thân; cây quất trĩu mọng trước hiên nhà; cành đào bung nở sáng bừng bên khung cửa; chiếc bánh chưng, nồi thịt đông vẫn ấp ủ đợi chờ để họ trở về hưởng trọn không khí đón xuân muộn màng, nhưng không tẻ nhạt.

Với số đông cư dân, bao nhiêu niềm hứng khởi, rộn ràng, hoan hỉ dồn sức lo cho một cái Tết tươi vui, phấn chấn. "No ba ngày Tết", tâm lý ấy, thói quen ấy ăn sâu bén rễ trong nếp sinh hoạt ở nhiều gia đình. Nhà nhà, người người phấn chấn đón Tết thật rôm rả, mua sắm đồ đạc, áo quần tươm tất; bánh trái, hoa quả, thực phẩm ngon lành chất đầy tủ lạnh; hoa, cây cảnh tươi rói trưng bày khắp trong nhà, ngoài sân. Chẳng gì, kinh tế của đa số hộ dân giờ khấm khá hơn nhiều, cho nên việc ăn Tết đậm đà cũng là lẽ thường. Tuy nhiên, vì mải miết lo mua sắm, chi tiêu mà đôi khi túi tiền lương, thưởng vơi hao trông thấy. Người ta lại bắt đầu chuỗi ngày lo toan, tất bật, bộn bề phía trước.

Lác đác trên phố, xuất hiện "đội quân" đi thu gom những cành đào, chậu quất vứt lăn lóc bên đường. Ðào, quất ấy do người chơi Tết bỏ đi hoặc cánh lái buôn bị ế hàng vứt bỏ. Người gom đào, quất nhẫn nại tìm kiếm "chiến lợi phẩm" đem về bán cho các nhà vườn. Chủ vườn ân cần tỉa bớt cành, xén rễ ươm trồng, tưới tắm cây đào, chậu quất hết mùa để rồi lại thấp thỏm chờ thu hoạch vào vụ sau. Tuy nhiên, đấy là đối với chủ vườn canh tác kiểu nghiệp dư. Còn đối với những ông chủ vườn đào, quất tiếng tăm thì họ không dễ dãi dung nạp loại đào, quất lai tạp mà rất kỳ công khâu lựa chọn, chăm bẵm, uốn nắn cây từ khi còn bé cho đến lúc trưởng thành để có thể tạo ra những cây đào, chậu quất độc đáo. Loại đào, quất cao cấp thường chỉ được cho thuê, khi hết Tết, chủ vườn lại mang về chăm sóc, bảo vệ.

Tết đến, rồi Tết lại lặng lẽ ra đi như quy luật muôn đời. Bao hy vọng đón đợi trong năm mới tràn đầy niềm hân hoan. Ðón Tết muộn, dù là vì hoàn cảnh công việc hay thú vui riêng thì vẫn để lại dư vị khó quên.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/43081802-tet-muon.html