Tết này các con tôi sẽ biết thế nào là 'đụng lợn Tết quê'

Tết nay, Kỷ Hợi, cũng đã ngày 29 Tết, con tôi đã bằng tuổi tôi hồi ấy. Cũng như tôi, những đứa con tôi sẽ được biết thế nào là ăn đụng lợn Tết, dù tôi không có điều kiện để nuôi được lợn như ông bà tôi ngày trước nhưng vẫn có thể rủ đụng cùng chị cùng em ở quê, để con được hiểu về truyền thống Tết quê xưa...

Còn nhớ, lần đầu tiên tôi được ông giao cho trọng trách đun một nồi nước to mà bà phải cong người đổ cả thùng nước mưa vào mới đầy nồi, nước ấy sôi sẽ dùng để mổ con lợn Tết mà bà đã chăm chút nuôi từ tám tháng trước. Ấy là cái Tết tôi 9 tuổi, vào ngày 29 Tết.

Sáng sớm, tôi được bà cho theo đi chợ bán hàng đan của ông để mua miến, măng, mộc nhĩ, rau thơm, hạt tiêu... Thích nhất là được bà mua cho cái áo hoa mới ngắm tới ngắm lui hoa cả mắt như bị lạc vào rừng hoa vậy. Rồi được ăn bánh đa vừng giòn tan như nắng bừng lên trong mấy ngày cuối đông.

Bà bán hàng chạy nên sắm sửa nhanh, bà bảo tôi mau chân, bám theo bà, kẻo chợ Tết đông người, lạc. Thi thoảng, bà quay lại giục "dấn lên con còn về mổ lợn đụng Tết". Là con lợn nhà mình, mổ tại nhà mình nên phải chuẩn bị chu đáo. Con lợn ấy bà mua bên nhà ông Thy từ khi nó tách vú mẹ.

Mỗi trưa không ngủ, bà hay xắn quần xuống ao vớt bèo, hay ra bờ sông cắt rau muống, khoai nước về băm bèo nấu cám. Tôi cũng bị vài vết sẹo ở ngón tay trỏ trái vì những hôm bà bận đi giao hàng rổ rá cho người ta, ngồi băm bèo thái khoai giúp bà, dao sắc, tay chưa quen, cứ vẹn vào da, sướt máu. Cám nuôi lợn cũng từ gạo tẻ ta thơm ngon, mềm mịn, từ tay bà xay thóc giã gạo, sàng sẩy.

Cái cối xay ông đóng để ở đầu hồi trái nhà, cối gạo thì định vị ở đầu hồi bếp, đó là cái chái vẩy ra, tiếp đến là sân giếng, gốc mít dai. Mỗi khi mưa, tôi và mấy đứa bạn xóm chui vào chái cối gạo chơi đánh chuyền đánh chắt.

Hơn nửa tháng bà lại đổ thóc ra xay giã, những việc ấy, trong trí nhớ non nớt của tôi, bà đều tranh thủ làm trưa, làm tối, trưa xay thì tối giã, vì sáng chiều bà còn ra làm đồng, hay lúc nông nhàn thì bà phụ ông đàn mê rổ, rá, thúng, hoặc bà đánh thừng, bện chổi.

Làng tôi là làng nghề đan tre truyền thống, nhà nào cũng đan lát, nhà tôi cũng vậy. Nên ngoài việc đi học thì chiều đến tôi được giao những công việc khác nhau như rút rơm cho bà bện chổi, hay ngồi tập đan mê rổ, mê rá, hoặc băm bèo nấu cám.

Có những việc không được giao nhưng tôi vẫn thích làm, đó là mỗi khi bà xay thóc giã gạo là tôi lại lũn cũn làm theo bà, tôi bám lên hai tay cối xay mà bặm môi kéo, hay đứng sau lưng bà dận cối giã gạo, cối nện thình thịch, gạo trầy vỏ, trắng dần, cám tơi ra, nhỏ mịn.

Mỗi khi đãi gạo nấu cơm, tôi lại hứng nước gạo đổ cối, cơm canh thừa cũng đổ cối để nuôi lợn. Con lợn Tết lớn dần theo tiếng tợp tợp húp cám.

Nhiều trưa, không thấy bà ngồi đan, tôi chạy đi tìm bà, hóa ra bà đang đứng ngắm con lợn ăn mê mải, miệng nhai trâu bỏm bẻm, rồi bà lầm rầm nói điều gì đó, tôi có cảm giác như bà đang rủ rỉ trò chuyện với chú lợn ỉn trong chuồng.

Trưa ấy về, tôi ngồi đun nước, lòng tôi chộn rộn như tiếng nước reo trong nồi... hết nghĩ tới lúc mồng một mặc áo hoa mới đến nghĩ tới cảnh xem đụng lợn.

Khi mùi khoai nướng đã thơm lựng nơi bếp lửa, cũng là lúc tiếng bước chân, tiếng cười nói mấy bác trong xóm cùng các chú, các dì đã vang đầu ngõ. Người mang nia, người mang dao thớt, rổ, xảo.

Bà hỏi tôi nước sôi chưa để còn chuẩn bị dao thớt. Tôi dấn tay rơm, que đời khêu ngọn lửa rừng rực cháy, nước trong nồi ùng ục. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng người kêu cái thau, con dao, khi tôi chui ra khỏi căn bếp, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, hai má như hai quả cà chaa chín ửng thì ông và bác hàng xóm đã khênh con lợn đã cắt tiết ra tới bờ ao.

Mấy dì bê nồi nước ra, chuyền tay nhau múc nước để cạo lông, mổ lợn. Nhiệm vụ của tôi lúc này chỉ việc ăn khoai nướng với mấy đứa em họ và xem mổ lợn, chia phần.

Lần đầu tiên, tôi biết ông không chỉ đan giỏi mà ông còn chia thịt và đánh tiết canh rất khéo. Những cái nia được đánh sạch để ngả thịt. Con lợn được chia làm bốn đùi, ngoài chỗ mỡ phần để băm nhỏ đánh tiết canh làm lòng, chỗ thịt ngon chọn ra một nia để giã giò, cối giã giò được bác Vũ hàng xóm mượn với bố vợ làng bên từ tuần trước, hôm nay bác đánh xe đạp sang chở về.

Bác Vũ, bác Bảo là đàn ông vạm vỡ nhất xóm đụng nên chịu trách nhiệm giã giò, tiếng chày cứ rền vang cả sân gạch, mùi thịt nhuyễn dần nồng nàn quyện đầu chày phả lên, những cái mũi hếch lên hít hà, kêu ran, giò thơm quá.

Tôi cùng mấy đứa em lúc thì chạy ra xem các dì thái rau thơm, cạo thủ lợn, lúc thì vào xem bà giúp ông làm lòng, lúc lại chạy ra xem bác Vũ giã giò.

Chẳng mấy chốc, thịt xương đã ngả ra nia, rồi thì tất cả từ thịt, xương, đến tim cật, chân, thủ, mỡ, da đều được chia đều làm bốn đùi, rồi từ các đùi ấy, ông lại chia nhỏ làm đôi, tức là một phần hai đùi, cứ hai nhà chung một đùi.

Có tám nhà ăn đụng, chia xong, mỗi góc thịt một nhà, cứ thế lấy rổ rá đựng phần về, sau đó thịt này đem về chế biến rồi để gói bánh, gói giò xào, làm bánh đa nem, chả chìa, nấu miến, măng... toàn các món quen thuộc ngày Tết.

Nhà nào người lớn còn bận việc cày cấy ngoài đồng thì con nhận góc đụng mang về trước. Phần lòng gan luộc chín, thái đầy vũ vật hai đĩa tây thơm ngậy, nhức mũi. Các nhà ăn đụng liên hoan uống rượu tại trận, còn lại cũng chia đủ bốn đùi, rồi từ đó lại chia đôi tiếp, để ai cũng được lấy phần, có đủ các bộ phận của con lợn.

Khoái nhất là tất cả mọi người trong các nhà rủ nhau ăn đụng ngồi xúm xít quanh hai cái nia có hai đĩa tây lòng với cái xương sỏ đã luộc chín đánh chén. Các chú các bác thì cạch nhau chén rượu cuốc lủi, các bà các mẹ thì gắp cho nhau mời nhau rộng ràng cả góc sân, bọn trẻ con chúng tôi thì chẳng cần bát đũa mà cứ dùng tay thích chén miếng lòng miếng gan thì cứ bốc chấm ăn vã, ngon chưa từng có.

Tôi vẫn nhớ cái cảm giác bốc tay ăn vã, ngon đã đời, ngon ngây ngất. Ngày ấy, nhà ai cũng nghèo, có khi cả năm mới được ăn lòng chấm nước mắm chứ không phải nước cua, nước cáy như ngày thường, lại còn được ăn vã, ăn không theo cổ ngữ như mỗi bữa thường, ăn dưới tán mít, tán nhãn, bên cây đào đang chúm chím nụ hồng, cứ quây quần chẳng cần mâm bát, ngồi chen chúc, vui thật, sướng thế.

Tết thật sự đã sang từ cái bữa ăn đụng đó, mảnh sân gạch nhà tôi thấm đậm vị mùi Tết quê.

Tết nay, Kỷ Hợi, cũng đã ngày 29 Tết, con tôi đã bằng tuổi tôi hồi ấy. Cũng như tôi, những đứa con tôi sẽ được biết thế nào là ăn đụng lợn Tết, dù tôi không có điều kiện để nuôi được lợn như ông bà tôi ngày trước nhưng vẫn có thể rủ đụng cùng chị cùng em ở quê, để con được hiểu về truyền thống Tết quê xưa, truyền thống đụng lợn không thể thiếu được trong những ngày Tết Nguyên đán, mang đậm vị mùi Tết cổ truyền.

Còn ông bà tôi thì đã về cõi từ lâu. Nhưng sâu thẳm trong tôi vẫn tin rằng, ở trên cao xanh đó, ông bà vẫn trở về ăn Tết cùng con cháu, ông bà vẫn trở về từ những ngày 29, 29... lúc cây đào đầu sân hé những nụ phớt hồng, tôi dắt con đi sang nhà hàng xóm đụng lợn Tết, rồi bắt đầu gói những chiếc bánh chưng xanh.

Báo Giáo dục&Thời đại kính mời quý độc giả chia sẻ những kỷ niệm, hình ảnh Tết đáng nhớ của mình, góp phần lưu giữ kỷ niệm đẹp của một mùa Xuân yêu thương 2019.

Mọi bài viết của quý độc giả sẽ được biên tập phù hợp. Các bài viết đăng tải sẽ được nhận nhuận bút của Báo Giáo dục&Thời đại.

Đặc biệt, bài viết có lượt đọc cao nhất sẽ nhận được một Quý báo biếu các ấn phẩm của Báo Giáo dục&Thời đại.

Quý độc giả gửi bài viết về email: gdtddientu@gmail.com và ghi rõ Gửi chuyên mục Xuân yêu thương 2019 kèm họ và tên, số điện thoại liên hệ, số tài khoản.

Kính chúc quý độc giả một mùa Xuân an khang, thịnh vượng.

Trân trọng.

Báo Giáo dục&Thời đại

Nguyễn Thu Hằng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tet-nay-cac-con-toi-se-biet-the-nao-la-dung-lon-tet-que-3979753-c.html