Tết Nguyên đán trong đời sống đồng bào Khmer

Là một dân tộc có nhiều ngày lễ hội trong năm, từ lâu, đồng bào Khmer sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long đã xem Tết Nguyên đán của người Kinh cũng là một trong những cái Tết của dân tộc mình (gọi là Tết Việt). Khi mai vàng thi nhau khoe sắc thì ở các phum, sóc Khmer cũng rộn ràng không khí chuẩn bị đón Xuân sang.

Người Khmer Nam bộ luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Phương Yên

Ở những địa phương có đông đồng bào người Khmer như huyện Trà Cú, Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh), Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng), Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), Tịnh Biên, Tri Tôn (tỉnh An Giang), Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau)... không khí đón Tết Nguyên đán của đồng bào cũng giống như người Kinh.

Ông Sơn Sal, A cha chùa Luông Bassac Bãi Xàu (thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Thời điểm trước Tết Nguyên đán chừng nửa tháng đã thấy không khí Tết tràn đầy phum, sóc. Người ta rủ nhau dọn dẹp nhà chùa, đường đi chung cho quang đãng. Những người có điều kiện thì sửa chữa nhà cửa khang trang hơn. Cũng như người Việt, chúng tôi tin rằng, việc dọn dẹp nhà cửa sạch đẹp đón Tết sẽ mang đến những điều tốt đẹp trong năm mới. Chẳng biết tự bao giờ, người Khmer cũng có thói quen trồng mai ngoài ngõ. Những cây mai to lớn, trổ bông vàng ươm khiến mùa Xuân càng thêm tươi thắm.

Theo ông Sơn Sal: “Điểm khác biệt trong việc đón Tết Nguyên đán của người Khmer có lẽ là những buổi văn nghệ mang đậm nét văn hóa dân tộc. Ngoài ra, những ngày Tết, người Khmer hay tập trung ở chùa, đón giao thừa mừng năm mới như người Kinh”.

Ông Thạch Bươl, ở ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng khoe: Sau một năm làm lụng siêng năng, gia đình tôi tích cóp được ít tiền chuẩn bị đón năm mới. Dù là Tết truyền thống của người Kinh, nhưng đồng bào Khmer luôn chung vui. Chúng tôi xem Tết Nguyên đán là hoạt động không thể thiếu bên cạnh lễ Sen Đônta, Chôl Chnăm Thmây. Năm nay, không khí vui Xuân trong phum, sóc cũng sẽ náo nhiệt chẳng kém những nơi có đông người Kinh sinh sống. Đồng bào Khmer luôn xem mình là một phần trong đại gia đình Việt Nam, cùng hướng đến một mùa Xuân thanh bình, đổi mới của đất nước. Tết này, người Khmer mình vui hơn, cố gắng phấn đấu để thoát nghèo. Đặc biệt, phải chấp hành tốt việc đảm bảo an ninh trật tự khi tham gia tiệc tùng, để cùng hướng đến một mùa Xuân vui vẻ, an lành.

Điểm đặc biệt trong việc đón Tết Nguyên đán của người Khmer, đó là nhiều gia đình tranh thủ đến chùa lễ Phật vào ngày 30 tháng Chạp. “Người Khmer dù làm gì cũng phải đến chùa, bởi đó là văn hóa của chúng tôi. Sau đó, mọi người trở về nhà cúng ông, bà và đón giao thừa như người Kinh. Tương tự như các dân tộc anh em, Tết Nguyên đán cũng là dịp người Khmer sum vầy bên gia đình. Vào đêm giao thừa, người Khmer làm một mâm cỗ để cúng tổ tiên. Ngoài dồn sức lo cho vụ lúa Đông Xuân, chúng tôi còn trồng thêm hoa màu, nuôi gà, vịt để bán trước Tết, chuẩn bị tiền sắm sửa quần áo cho con cháu, đồ ăn, thức uống, trang trí nhà cửa, sắm sửa... Nhiều gia đình còn đi thăm bà con ở xa” – Ông Kiên Nưl, ở ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh chia sẻ.

Còn ông Ngô Văn Hân, ở ấp An Lợi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho hay: “Vì quá trình sống gần gũi với nhau đã giúp người Khmer và người Kinh ở huyện Tri Tôn thân quen nhau theo kiểu “tối lửa tắt đèn”. Trong những ngày đầu năm, họ đến thăm nhau, chúc những điều may mắn. Trong mấy ngày Tết, chúng tôi hay mời các hộ Khmer trong xóm sang nhà dự tiệc. Họ cũng mặc quần áo mới, trưng bông, trang hoàng nhà cửa hệt như người Kinh. Ngược lại, trong các lễ, Tết quan trọng của người Khmer như Sen Đônta, Chôl Chnăm Thmây thì đồng bào hay gói bánh tét mang biếu các gia đình người Kinh trong xóm. Cứ như vậy, tình nghĩa giữa người Kinh và người Khmer đã bền chặt từ rất lâu rồi”.

Ngoài ra, đồng bào Khmer thường tổ chức đám cưới vào thời điểm đầu năm mới. Lý giải vấn đề này, ông Chau Sóc Kóp, ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang chia sẻ: “Năm nay, cả phum, sóc ăn Tết lớn. Hiện nay, đa số thanh niên Khmer đều đi lao động ngoài tỉnh. Tết Nguyên đán là thời điểm họ được nghỉ nhiều ngày trong năm, do đó, việc tổ chức đám cưới sẽ thuận tiện nhất. Hơn nữa, việc các gia đình Khmer có thêm nàng dâu hay chàng rể trong năm mới cho niềm vui nhân lên gấp bội. Vì vậy, thời điểm Tết Nguyên đán cũng là mùa cưới của đồng bào Khmer ở vùng Bảy Núi”.

Tết Nguyên đán, tuy không phải là Tết chính thức của người Khmer, nhưng mỗi bận Xuân về, khi mai vàng thi nhau khoe sắc thì ở các phum, sóc người Khmer cũng rộn ràng không khí đón Xuân với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi, ý nghĩa, thắm tình đoàn kết cộng đồng.

Phương Yên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tet-nguyen-dan-trong-doi-song-dong-bao-khmer/