Tết Nguyên tiêu của người Hoa là di sản văn hóa phi vật thể

Vào đầu tháng 7 này, UBND quận 5 sẽ nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Tập quán xã hội và tín ngưỡng tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5.

Chiều 29-6, UBND quận 5 sẽ họp báo công bố về việc đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Tập quán xã hội và tín ngưỡng tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5.

Vào dịp tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) vừa qua, tin vui cho cộng đồng người Hoa tại TP.HCM chính là tết Nguyên tiêu được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, tết Nguyên tiêu năm nay cũng là năm đầu tiên lễ hội này không thể tổ chức bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Truyền thống lâu đời của người Hoa tại TP.HCM

Từ cuối năm 2019, lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 đã được UBND TP.HCM kiến nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Người Hoa đến đất Sài Gòn - Gia Định định cư, họ mang theo nhiều tập quán xã hội truyền thống và tết Nguyên tiêu là một tập quán có giá trị lịch sử, văn hóa, thậm chí là một sản phẩm du lịch của người Hoa ở Chợ Lớn hiện nay.

Tết Nguyên tiêu là truyền thống lâu đời của người Hoa khi nguyên tiêu là đêm vọng đầu tiên của năm mới. “Vào dịp này, người Hoa thường đi chùa, miếu cầu mong một năm bình an, khỏe mạnh và phát tài, phát lộc. Nguyên tiêu khác biệt với tết Nguyên đán bởi nếu tết Nguyên đán mang tính đoàn viên, tổ chức tại gia đình, dòng tộc thì tết Nguyên tiêu là cái tết của cộng đồng, được tổ chức tại các hội quán (chùa Ông, chùa Bà), là cơ sở tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng có từ lâu đời” - TS Đinh Văn Hạnh, Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP.HCM, đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Tập quán xã hội và tín ngưỡng tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5, cho biết.

Hoạt động nổi bật, thể hiện nét độc đáo của tết Nguyên tiêu của người Hoa tại quận 5 chính là diễu hành, trình diễn nghệ thuật đường phố… thu hút người dân và du khách. Thời gian diễn ra tết Nguyên tiêu tại các hội quán ở quận 5 kéo dài từ ngày mùng 10 đến hết tháng Giêng hằng năm. Trong đó các hoạt động cộng đồng tập trung chủ yếu từ ngày 12 đến 18 tháng Giêng và lễ Nguyên tiêu chính diễn ra vào đúng ngày rằm.

Múa lân sư rồng thu hút người dân tại tết Nguyên tiêu 2019. Ảnh: HOÀNG GIANG

Múa lân sư rồng thu hút người dân tại tết Nguyên tiêu 2019. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chung tay bảo tồn di sản

Theo TS Đinh Văn Hạnh, tết Nguyên tiêu của cộng đồng người Hoa mang nhiều giá trị. Dưới góc độ văn hóa, tết Nguyên tiêu giữ được những nét cơ bản thể hiện việc bảo tồn, thực hành tập quán xã hội, tín ngưỡng của người Hoa rất tốt. Cùng đó, tết Nguyên tiêu hiện nay còn có những nét giao lưu cùng văn hóa bản địa, dưới góc độ khoa học đó là bằng chứng cho quá trình cộng cư, tiếp biến văn hóa, giữ được đặc trưng văn hóa tộc người nhưng vẫn hòa hợp với cộng đồng chung.

Hiện nay, tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Chợ Lớn đang dần trở thành điểm đến cho du khách trong, ngoài nước khi đến TP vào dịp mùa xuân. Người dân, du khách ngoài việc đến quận 5 vào mùa Nguyên tiêu có thể hòa vào không khí tết Nguyên tiêu thông qua các hoạt động ở các hội quán, trung tâm văn hóa… thì còn có thể tham quan hệ thống các di tích, ẩm thực… tại quận 5.

Đặc sắc tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Chợ Lớn

Tết Nguyên tiêu thường có các phần lễ, hội đa dạng như nghi thức lễ rước kiệu Bà; diễu hành với phần hóa trang thần tài, tiên nữ, bát tiên, các ông Phúc - Lộc - Thọ; trình diễn ca kịch cổ truyền; múa lân sư rồng; đố chữ; thư pháp; trình diễn tuồng cổ, âm nhạc như Đại la cổ Triều Châu, nhạc lễ Phúc Kiến; lễ tế thánh của người Triều Châu; Hội Long đăng của người Phúc Kiến...

Các hoạt động cúng lễ được các gia đình người Hoa tổ chức tại gia đình. Các vật phẩm trong lễ cúng tế được cộng đồng, gia đình chuẩn bị công phu theo truyền thống như nhang, đèn, heo quay, mâm xôi, tam sên (cua, trứng, thịt heo), bánh cúng (bánh bò, bánh bao, bánh lá liễu, bánh con rùa), chè trôi nước, mâm quýt…

Các tập tục trong ngày lễ hội của cộng đồng, gia đình như đốt nhang vòng, dán giấy cầu an, lì xì, dâng dầu đèn, chui bụng ngựa, vay phú miếu, thỉnh thánh đăng, cúng lễ đôi đèn, hơ lên lửa đèn lễ và vuốt lên cơ thể…

Cần thêm việc làm cụ thể để bảo tồn di sản

“Tết Nguyên tiêu đang đứng trước nhiều nguy cơ mất đi một số nghi thức cũ, dung nạp nhiều yếu tố bên ngoài… Cho nên khi tết Nguyên tiêu trở thành di sản văn hóa phi vật thể, càng cần có thêm những việc làm cụ thể để bảo tồn và phát huy di sản này” – TS Đinh Văn Hạnh nói thêm.

QUỲNH TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/tet-nguyen-tieu-cua-nguoi-hoa-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-921105.html