Tết Nguyên tiêu là Tết gì? Mang ý nghĩa gì trong đời sống của người dân Việt?

Tết Nguyên tiêu mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng của người dân Việt. Vào ngày này, các gia đình sẽ cùng nhau đi chùa, bày mâm cỗ cúng để tỏ lòng thành kính với Phật và tổ tiên, đồng thời, cầu mong may mắn, phước lành.

Tết Nguyên tiêu là gì?

Tết Nguyên tiêu hay Rằm tháng Giêng một ngày lễ quan trọng theo quan niệm của người dân Việt.

Tết Nguyên tiêu cũng gọi là Nguyên Tịch, Nguyên Dạ, còn gọi là Tết Thượng Nguyên. Nguyên tiêu nghĩa là đêm trăng đầy nhất của tháng đầu tiên trong năm, tức Rằm tháng Giêng. Đêm trăng sáng khởi đầu của một năm mới với hương khí tinh nguyên của tiết trời ấm lành, tràn đầy sức sống mùa Xuân.

Rằm tháng Giêng diễn ra từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) đến hết ngày 15 (đêm trăng rằm) của tháng Giêng Âm lịch.

Tết Nguyên tiêu hay Rằm tháng Giêng một ngày lễ quan trọng theo quan niệm của người Việt. Ảnh minh họa: TL

Sự tích ngày Tết Nguyên tiêu

Nhiều tài liệu nhắc đến Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ thời Tây Hán, Trung Quốc. Tên gọi Nguyên Tiêu còn gắn liền với sự tích nàng cung nữ hiếu thảo Nguyên Tiêu và đại thần Đông Phương Sóc thời Tây Hán.

Tương truyền Hán Vũ Đế có một sủng thần tên là Đông Phương Sóc, tính tình lương thiện, khôi hài. Mùa đông năm nọ, tuyết rơi liền mấy hôm, Đông Phương Sóc đến ngự hoa viên, chợt phát hiện có một cung nữ nước mắt đầm đìa đang định nhảy xuống giếng tự vẫn. Đông Phương Sóc vội chạy đến ngăn lại, hỏi rõ sự tình. Thì ra, cô cung nữ tên là Nguyên Tiêu, từ khi vào cung đến nay cô chưa được gặp mặt người thân, mỗi năm khi Xuân đến lại càng nhớ nhà, cảm thấy mình không báo hiếu được cho song thân nên tìm đến cái chết. Đông Phương Sóc cảm động, liền hứa rằng nhất định sẽ tìm cách để cô đoàn tụ với gia đình.

Ông tung tin thành Trường An sẽ bị Hỏa thần thiêu rụi khiến nhiều người dân lo sợ. Sau đó đưa ra hiến kế với nhà vua rằng vào ngày Rằm tháng Giêng này vua cùng người nhà nên lánh nạn ngoài cung, trong ngày đó sẽ cho sẽ cho người treo đèn lồng đầy sân giả cảnh lửa cháy để lừa Hỏa thần.

Hán Vũ Đế đã đồng ý với kế sách này của Đông Phương Sóc và thế là từ đó vào ngày Rằm tháng Giêng hằng năm cả nước đều treo đèn lồng và các cung nữ đều có thể gặp mặt người thân của mình. Ngày lễ này đã được lưu truyền, lan rộng qua nhiều thế kỷ và ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên tại Việt Nam Tết Nguyên tiêu đã có sự biến tấu và khác biệt so với Trung Quốc.

Ý nghĩa ngày Tết Nguyên tiêu

Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Trong đó, "Nguyên" mang hàm ý thứ nhất, "Tiêu" nghĩa là đêm. Ngoài ra, Tết Nguyên tiêu còn được gọi là Tết Thượng Nguyên, nhằm phân biệt với 2 dịp rằm lớn khác là Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy), Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng Mười).

Dịp Rằm tháng Giêng cũng là một dịp lễ quan trọng đối với Phật giáo, nổi tiếng với câu nói "Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" hay "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng".

Vào ngày này, các gia đình sẽ cùng nhau đi chùa, bày mâm cỗ cúng để tỏ lòng thành kính với Phật và tổ tiên của mình, đồng thời, cầu mong may mắn, phước lành.

Tết Nguyên tiêu ở Việt Nam khác Tết Nguyên tiêu ở Trung Quốc thế nào?

Tết Nguyên tiêu tuy được du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc, nhưng cũng có sự biến hóa phù hợp với phong tục tập quán truyền thống của nước ta.

Đối với người Hoa, đây là một lễ hội hoa đăng, họ sẽ thả đèn lồng cầu nguyện cho năm mới bình an. Trong khi đó, ở Việt Nam, vào dịp này, các Phật tử khắp nơi sẽ đi chùa lễ Phật nhằm cầu mong gia đạo bình an.

Các chùa cũng thường tổ chức Đàn Dược sư, tụng kinh Dược sư trong suốt tháng Giêng. Đồng thời, chùa kêu gọi các Phật tử cùng tụng niệm mong muốn phước báo an lành đến mọi người, mọi nhà.

Những việc nên làm vào ngày Tết Nguyên tiêu

Ngày 14 hoặc 15 của Tết Nguyên tiêu, Rằm tháng Giêng, người dân thường sẽ lên chùa lễ Phật để sám hối cho gia đình, bản thân, cầu mong bình an, gia tăng phúc thọ.

Khi đi lễ chùa ngày Rằm tháng Giêng, mọi người chỉ nên sắm lễ chay, ăn mặc nghiêm trang, kín đáo và thành tâm cầu khấn.

Trước khi cúng Rằm tháng Giêng, các gia đình cần lau chùi, dọn dẹp bàn thờ gia tiên sạch sẽ. Nên thắp một nén nhang khấn xin thần linh, tổ tiên về việc lau dọn. Tuyệt đối không xê dịch bát hương trong quá trình lau dọn bàn thờ. Các vật phẩm cúng được bày biện gọn gàng, đúng thứ tự, tránh đổ vỡ.

Chuẩn bị hoa tươi và mâm cúng gia tiên một cách chu đáo để thực hiện nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng. Đặc biệt, khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, đứng đắn. Tuyệt đối không được mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm...

Nên làm việc thiện trong ngày Tết Nguyên tiêu để tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Khi đó, sẽ cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn.

Vào ngày Rằm tháng Giêng, người ta thường phóng sinh cá chép, cá cảnh, chim ri… Nên chọn những nơi vắng vẻ, không có người săn bắt để đảm bảo những con vật này có thể sinh sống khi được phóng sinh.

Ngày Tết Nguyên tiêu các gia đình thường bày mâm cỗ cúng để tỏ lòng thành kính với Phật và tổ tiên của mình.

Tết Nguyên tiêu 2024 vào thứ mấy?

Năm nay, Tết Nguyên tiêu rơi vào ngày thứ Bảy, 24/2/2024 (Dương lịch).

Tết Nguyên tiêu có được nghỉ không?

Tuy Tết Nguyên tiêu hay là Rằm tháng Giêng được xem là một dịp lễ quan trọng trong năm nhưng lại không phải là ngày nghỉ lễ Tết hằng năm của người lao động.

Do đó, vào ngày Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu, người lao động vẫn phải làm việc bình thường, trừ trường hợp:

- Ngày Rằm tháng Giêng rơi vào ngày nghỉ hằng tuần.

- Người lao động có thỏa thuận khác.

Đi làm thêm giờ trong ngày Tết Nguyên tiêu năm nay người lao động được trả mức tiền lương là bao nhiêu?

Theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

"Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm:

- Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

- Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

- Vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.

Chính phủ quy định chi tiết Điều này".

Do Tết Nguyên tiêu hay còn gọi là Rằm tháng Giêng không thuộc ngày lễ Tết hằng năm. Theo đó, người lao động đi làm thêm giờ vào ngày Rằm tháng Giêng thì sẽ được người sử dụng lao động trả mức tiền lương như sau:

- Đi làm thêm giờ vào ban ngày: Hưởng ít nhất là bằng 150% lương của ngày làm việc bình thường.

- Đi làm thêm giờ vào ban đêm: Hưởng ít nhất là bằng 210% lương của ngày làm việc bình thường. Cụ thể thực hiện theo công thức sau đây:

Lương làm thêm giờ vào ban đêm = Lương làm thêm ngày thường + 30% lương ngày thường + 20% lương làm thêm giờ vào ban ngày = 150% + 30% + (20% x 150%) = 210%

* Nếu Tết Nguyên tiêu hay còn gọi là Rằm tháng Giêng rơi vào ngày nghỉ hằng tuần của người lao động thì mức lương như sau:

- Đi làm thêm giờ vào ban ngày: Hưởng ít nhất là bằng: 200% lương của ngày làm việc bình thường.

- Đi làm thêm giờ vào ban đêm: Hưởng ít nhất là bằng 270% lương của ngày làm việc bình thường. Cụ thể thực hiện theo công thức sau đây:

Lương làm thêm giờ vào ban đêm = Lương làm thêm ngày nghỉ hằng tuần + 30% lương ngày thường + 20% lương làm thêm giờ vào ban ngày = 200% + 30% + (20% x 200%) = 270%.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tet-nguyen-tieu-la-tet-gi-mang-y-nghia-gi-trong-doi-song-cua-nguoi-dan-viet-172240223163109852.htm