Tết Nhảy người Dao

PTĐT - Sống ở dưới chân núi Lưỡi Hái, bên dòng suối Chăn, hơn 60 năm qua bà con đồng bào người Dao khu Xuân Thắng, xã Cự Thắng huyện Thanh Sơn vẫn gìn giữ và duy trì Tết Nhảy để cảm tạ Tổ tiên phù trì cho con cháu thuận hòa, mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi…

Từ nét độc đáo xưa…

Ngược dòng ký ức trở về nhữngnăm 1960, theo lời kể của ông Lý Kim Hương- là một trong những người đầu tiên “khai sơn, phá thạch”, dựng nhà làm trại ở đây theo chủ trương của Đảng và Nhà nước kêu gọi đồng bào không “du canh du cư” phát nương làm rẫy mà “định canh, định cư” để lập nghiệp. Thế rồi, 7 hộ gia đình già trẻ, trai gái khoảng 35 người từ vùng rừng núi xã Xuân Ðài, huyện Tân Sơn, Khả Cửu, Hương Cần huyện Thanh Sơn và khu Ba Vì huyện Bất Bạt tỉnh Hà Tây cũ băng rừng, vượt núi bắt đầu “sinh cơ lập nghiệp” nơi này.

Tiếng trống, tiếng chuông, tiếng kèn cùng với ông thầy cúng đang làm lễ vọng ra từ nhà anh Lý Văn Phiểu - con trai trưởng ông Lý Kim Hương là một trong 4 gia đình trong khu năm nay được chọn tổ chức Tết Nhảy. Rót chén rượu ngô mời khách,anh chia sẻ: “Người Dao Quần Chẹt ở Xuân Thắng tổ chức Tết Nhảy vào tháng Chạp và được tổ chức tại nhà tổ, nơi có bàn thờ tổ tiên của dòng họ. Tết nhảy diễn ra trong 3 ngày 3 đêm và phải cử hành nhiều nghi lễ truyền thống. Để tổ chức một lễ Tết Nhảy, gia đình đã chuẩn bị nuôi lợn, gà, nấu rượu... để mời cả bản đến chung vui”.

Cũng theo ông Hương thì Tết Nhảy của người Dao ở đây có ý nghĩa là thể hiện lòng biết ơn đối với Tổ tiên, cầu xin Tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc được mạnh khỏe, ngày càng làm ăn phát đạt. Đây là tục lệ của tiền nhân để lại. Tết Nhảy được thực hiện sau khi lễ khai hỏa làng sau khi cả làng tập trung ăn tết tại nhà ông mo bắt đầu từ mùng 1 tháng Chạp. Thời điểm này các công việc đồng áng, cấy hái đã hoàn tất, làng đứng ra tổ chức bữa cơm đoàn kết để tổng kết những công việc đã qua và cầu mong cho công việc sắp tới được thuận lợi, mùa màng tốt tươi. Sau đó hộ gia đình nào có điều kiện sẽ làm lễ Tết Nhảy để tạ ơn Tổ tiên.Không phải gia đình nào cũng có thể làm được Tết Nhảy. Trong Tết Nhảy, cùng với bộ tranh thờ, gia chủ phải mời được thầy đồng điều hành lễ nghi, hai thầy phụ giúp chạy cờ, chạy kiếm, múa rùa...

Được chứng kiến nghi lễ trong Tết Nhảy người Dao khu Xuân Thắng, tôi ấn tượng hơn cả là việc các nhân vật trình diễn những điệu múa rất độc đáo, mang tính hình tượng cao. Động tác múa được thực hiện chính xác, liên tục, khéo léo và tinh tế. Suốt thời gian diễn ra Tết Nhảy, các điệu múa được biểu diễn lặp đi lặp lại nhiều lần, mỗi người phải nhảy múa hàng trăm lượt liên tục cả ngày cả đêm trong tiếng chuông, tiếng trống giục giã. Vừa múa họ vừa hát những bài hát cổ xưa theo sách cổ người Dao với nội dung kể về nguồn gốc dân tộc Dao, về quá trình người Dao vượt biển, quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái trong từng gia đình. Mặc dù Tết Nhảy là nghi lễ do một gia đình, một dòng họ tổ chức nhưng nó được cả dân bản tham gia với một không khí náo nức như nghi lễ của cả cộng đồng.

… đến cuộc sống hiện đại

Ngày nay, cùng với dòng chảy hiện đại, đời sống của người Dao Xuân Thắng ngày càng no ấm hơn. Qua hơn60 năm, đến nay, cuộc sống bà con đã có nhiều chuyển biến đáng mừng, cái nghèo giảm dần, thay vào đó là những ngôi nhà xây mọc lên với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Trước đây, để đi vào khu người Dao Xuân Thắng phải vượt qua con đường đất đỏ dài 5-6 cây số trời nắng thì bụi, trời mưa thì lầy lội. Nhưng nay đã được thay bằng con đường bê tông phẳng lì, chạy uốn lượn theo chân núi Lưỡi Hái.

Đồng chí Lý Sinh Tuấn - Bí thư chi bộ khu Xuân Thắng cho biết: Chi bộ có 7 đảng viên, các đảng viên ở đây luôn là những đầu tầu gương mẫu trong mọi công việc. Không chỉ hiện thực hóa các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, họ còn hướng dẫn và cùng người dân tham gia phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống. Hiện khu Xuân Thắng có 110 hộ với 450 nhân khẩu, khu có 158ha đất trồng rừng và 14ha diện tích đất cấy lúa. Từ khi có điện, có đường cách đây khoảng chục năm cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao ở đây thay đổi hẳn. Tỷ lệ trẻ em đến trường đạt 100%, điểm trường có 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 4, trong đó có một lớp mầm non. Toàn khu có 4 hộ nghèo; 80% hộ khá, giàu; thường xuyên có khoảng 20 lao động đi làm tại các công ty, xí nghiệp và khoảng 20 người đầu tư máy móc khác thác rừng trồng tại địa phương.

Gia đình anh Phiểu giờ đây cuộc sống cũng no ấm hơn nhờ trồng rừng và lao động sản xuất

Gia đình anh Lý Văn Phiểu có 4 thành viên thì có 3 người đang làm tại Công ty gỗ ép xuất, nhập khẩu Toàn Nguyệt, lương bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gia đình còn có gần 30ha trồng cây keo, bình quân mỗi 1ha trừ chi phí, mỗi vụ thu hoạch từ 70-80 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình tôi ngày càng no ấm hơn, bớt đi cái nghèo, cái đói.Cuộc sống trước đây của người Dao khu Xuân Thắng với những khó khăn chồng chất từ khi mới lập bản. Song từ chủ trương “hạ sơn”, đưa đồng bào dân tộc Dao xuống núi định cư, xây dựng cuộc sống ổn định của Đảng và Nhà nướcđã đem lại kết quả tích cực cho đồng bào các dân tộc ở huyện Thanh Sơn nói chung và người Dao khu Xuân Thắng nói riêng. Đó là sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay. Cùng với sự đổi thay của xã hội, nhưng phong tục tập quán truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao vẫn được gìn giữ, phát huy; Tết Nhảy là một điểm nhấn của người dân trong khu.Chia tay lễ Tết Nhảy, chia tay đồng bào Dao, trong tôi chứa đầy cảm xúc, khi đâu đó còn văng vẳng tiếng kèn, chuông, trống...réo rắt. Qua nghi lễ này giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn nét độc đáo và bản sắc của người Dao- nét văn hóa nhớ về nguồn cội.

Đinh Tú

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202102/tet-nhay-nguoi-dao-175368