Tết ở làng bánh chưng Tranh Khúc

Làng bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội từ lâu đã được mọi người biết đến là làng nghề bánh chưng có tiếng. Mỗi dịp Tết đến, làng bánh chưng Tranh Khúc là nơi tìm về của những người thương buôn. Bánh chưng Tranh Khúc mang hương vị đặc trưng riêng mà không nơi nào có được, đặc trưng đó được tạo nên bởi vị ngọt của đỗ xanh, vị ngậy của thịt, mùi thơm của gạo nếp và lá dong.

Men theo đường đê Hữu Hồng, chúng tôi tìm đến với gia đình bà Trần Thị Thịnh - một gia đình có truyền thống làm bánh chưng lâu năm tại làng Tranh Khúc. Từ ngoài cổng bước vào, chúng tôi đã cảm nhận được không khí tất bật trong công việc làm bánh vào những ngày cuối năm. Trong gia đình có bao nhiêu người thì bấy nhiêu người cùng tham gia vào công việc làm bánh, người rửa lá dong, người lau, xếp lá, người làm nhân cho bánh.

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc tất bật vào những ngày giáp Tết.

Dù đã bước vào cái tuổi 81 thế nhưng hiện tại bà vẫn là nhân lực chính đảm nhận các khâu về nguyên liệu cũng như gia giảm cho nhân để tạo nên những chiếc bánh chưng ngon nức tiếng Thủ đô. Đôi tay tỷ mẩn chọn từng miếng thịt ngon xếp đều thành các mô nhỏ, vừa làm vừa trò chuyện với chúng tôi, bà Thịnh cho biết, để làm nên một chiếc bánh chưng ngon thì điều quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu.

Người thôn Tranh Khúc thường chọn gạo nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu (Nam Định) và một số nơi thuộc Thái Bình, Hải Dương; đỗ xanh chọn loại hạt tiêu rất mẩy, thơm và ngậy; thịt lợn thường được người dân đến các cơ sở mổ lợn sạch để mua. Còn với việc lựa chọn lá dong để gói bánh thì đó phải là thứ lá dong rừng vì loại lá này to, có màu xanh sẫm…

Bánh chưng làng Tranh phục vụ theo mùa nên cứ đến dịp mồng 1 hay ngày rằm thì cả làng nhà nào nhà nấy đều tất bật gói bánh, luộc bánh, nhà nào cũng thơm mùi lá dong và gạo nếp. Bà kể rằng, những ngày thường những gia đình ở đây chỉ làm theo đơn đặt hàng, không làm dư thừa, mỗi ngày túc tắc cũng được tầm khoảng trăm chiếc. Nhưng với ngày lễ thì làm không hết việc, nhiều nơi đặt tới vài trăm đến cả nghìn chiếc nên gia đình bà phải thuê thêm người phụ giúp những công việc như rửa lá, xếp lá, vo gạo…

Cũng có gần 20 năm làm nghề, chị Nguyễn Lệ Thắm - làng Tranh Khúc chia sẻ: “Với gia đình mình thì bí quyết để tạo nên những chiếc bánh chưng ngon đó là ở khâu gia giảm, những người làm lâu năm về bánh chưng thì có thể dùng tay áng chừng được việc nêm nếm gia vị để bánh không bị quá mặn hoặc quá nhạt. Việc nêm nếm gia vị có thể nói là khâu quyết định đến chất lượng của mỗi mẻ bánh chưng. Trong những ngày Tết, để đảm bảo gia giảm cho bánh, nhà mình phải cân đong đo đếm trước rồi để thợ làm những khâu còn lại.”

Một điều đặc biệt ở làng nghề bánh chưng Tranh Khúc là người gói bánh không cần dùng khuôn nhưng mỗi tiếng đồng hồ họ có thể làm ra hơn 100 chiếc bánh vuông vức. Kỹ thuật gói bánh bằng tay nhìn có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được, chị Thắm cho hay: “Kỹ thuật gói bánh chưng bằng tay cũng không quá khó nhưng đòi hỏi người làm phải quen tay, hơn nữa nếu gói bằng khuôn thì bánh sẽ không được chặt, luộc lên sẽ bị nhão, chiếc bánh sẽ không để được lâu.” Bên cạnh đó, người gói phải thao tác chặt tay, đúng quy cách, đong đúng trọng lượng, luộc phải đủ giờ. Làm bánh chưng tưởng như đơn giản nhưng thực ra đòi hỏi cao về kỹ thuật, chỉ cần một khâu làm không cẩn thận cũng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Làng Tranh Khúc ngày trước được biết đến là làng tập trung đa dạng các nghề như: Làm bánh chưng, làm tương, nấu rượu… thế nhưng, tới thời điểm hiện tại chỉ còn nghề làm bánh chưng được người dân lưu giữ tới tận bây giờ. Nghề làm bánh chưng xuất hiện khá lâu tại làng Tranh Khúc khiến những người lớn tuổi cũng phải lắc đầu trước câu hỏi nghề làm bánh chưng bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng nghề này là của cha ông để lại. Vì yêu những chiếc bánh chưng, trân trọng nghề truyền thống của thế hệ trước nên mọi người trong làng gìn giữ và phát triển cho đến ngày nay.

Có thể nói, thiên nhiên đã góp phần không nhỏ để tạo nên thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc như hiện tại. Với vị trí đắc địa, làng Tranh Khúc được thiên nhiên ban tặng cho nguồn nước ngầm tinh khiết, với những người con làng Tranh Khúc thì chỉ có nguồn nước này mới tạo nên màu xanh như màu của cốm và tạo nên hương vị đặc trưng của bánh chưng làng Tranh Khúc.

Đến với làng Tranh Khúc thời điểm hiện tại, chúng ta hiếm thấy những bếp than hồng đang rực lửa với nồi bánh chưng bằng gang đang sôi lục bục mà thay vào đó là hệ thống luộc bằng điện. Ông Nguyễn Duy Thành - làng Tranh Khúc cho biết: “Trước đây, người thôn Tranh Khúc luộc bánh bằng than, củi nhưng hiện tại đã chuyển sang luộc bằng nồi điện và hơi nước, luộc bằng điện có nhiều cái lợi đó là người làm được thảnh thơi hơn, không cần thức đêm để trông nồi bánh chưng hay sợ bánh chưng hấy do bị tắt lửa, bếp điện sôi liên tục trong thời gian quy định sẽ giúp bánh chín đều và ngon hơn. Công nghệ luộc bánh này có vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, nhưng vì ưu điểm là bớt được sức người nên hầu hết các gia đình làm bánh thôn Tranh Khúc đều có hệ thống luộc bằng điện.”

Xuân về, vượt qua những khó nhọc về mệt mỏi đó không làm cho những người con làng Tranh Khúc nản lòng với nghề truyền thống, họ vẫn đang ngày đêm miệt mài với những nồi bánh chưng để giữ vững hương vị đặc trưng trong từng chiếc bánh, tạo nên một loại đặc sản không nơi nào có được ngoài làng Tranh Khúc.

Lương Hằng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tet-o-lang-banh-chung-tranh-khuc-86551.html