Tết ở Trung tâm Cấp cứu lớn nhất miền Bắc

'Bác sĩ ơi cứu bố em với'! Tiếng gọi thất thanh của người phụ nữ khi đưa cha mình vào viện cấp cứu đã ngay lập tức được đón tiếp, giải thích và phân dòng. Bởi, những tiếng gọi gấp gáp như vậy không còn xa lạ với y bác sĩ ở Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai.

Xử lý ca bệnh tính bằng phút, giây

Người đàn ông ngoài 70 tuổi được con gái dìu vào trung tâm với biểu hiện chóng mặt, huyết áp đo được tại nhà 180mmHg, sợ đột quỵ nên cô vội vàng lái xe đưa bố mình vào viện. Người đàn ông liên tục yêu cầu bác sĩ cứu mình ngay lập tức. Tuy nhiên, qua thăm khám ban đầu, bác sĩ đánh giá bệnh nhân ở mức trung bình. Một bác sĩ trẻ nhẹ nhàng "bác chờ chúng tôi một chút".

Người đàn ông có vẻ khó chịu, thế nhưng nằm trên giường bệnh thấy hai bác sĩ trẻ cùng ba điều dưỡng đang tập trung cao độ cứu một ca bệnh nặng bên cạnh, ông im lặng nằm quan sát. Hơn 10 phút sau, ông cũng được bác sĩ khám và đánh giá cơn tăng huyết áp, chưa ở mức độ nguy hiểm, cần theo dõi thêm…

Đây là chỉ là 1 trong hàng nghìn tình huống tại Trung tâm Cấp cứu A9 những ngày cận Tết. Đặc điểm của trung tâm cấp cứu là luôn tất bật đón, chuyển bệnh nhân, có thời điểm liên tiếp nhận 6,7 ca vào, trong đó vài ba ca nặng. Khi bệnh nhân đến, việc phân dòng mức độ cấp cứu phải được thực hiện ngay lập tức. Tất cả đều do trực tiếp các bác sĩ làm để tránh bỏ sót thông tin ảnh hưởng tới người bệnh.

'Các bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu A9 phân dòng và xử lý ca bệnh tính bằng phút và chia theo các mặt bệnh như nhiễm trùng, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… bác sĩ sẽ treo các biển nguy cơ theo các màu đỏ, da cam, xanh. Với người bệnh có chẩn đoán rõ ràng từ tuyến dưới sẽ nhanh chóng được phân loại và chuyển về các khoa phòng khác, làm 'rỗng' phòng cấp cứu.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm cấp cứu A9

Ths.BS Nguyễn Minh Hiếu, Trung tâm cấp cứu A9 chia sẻ, nhiều người bệnh hay người nhà vào viện có tâm lý lo sợ hốt hoảng nên thường yêu cầu bác sĩ phải 'quan tâm' ngay. Tuy nhiên, do kinh nghiệm nhiều năm làm việc nên các bác sĩ có thể đánh giá khá chính xác mức độ nguy hiểm của người bệnh. Mặc dù vậy, bác sĩ cũng phải khéo léo giải thích, phân dòng để người bệnh an tâm, không cảm thấy bị 'bỏ rơi'.

Nhiều năm làm việc tại trung tâm và cũng không ít lần đón giao thừa ở viện, Bs Hiếu tâm sự : "Ngày này, bạn bè đều ở bên gia đình, mình thì ra vào phòng cấp cứu. Dù vậy, cũng có những cảm xúc rất đặc biệt. Có năm trực đêm 30 tết, cả đội tập trung cấp cứu ca bệnh nặng, khi ngẩng mặt lên thì đồng hồ đã qua giao thừa. Lúc ấy cả ekip cùng cười và nói với nhau "ca cấp cứu kéo dài 2 năm. Bên cạnh những niềm vui, cũng có những nỗi buồn, ấy là những tình huống bác sĩ phải buông tay và người bệnh không qua khỏi…"

'Làm việc với tâm niệm - ai cũng có người thân nên cố gắng hết sức có thể để người bệnh nhanh chóng được về nhà'

Cũng giống như các đồng nghiệp của mình, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 vào những ngày này cũng tất bật hơn. Bởi, đây là bệnh viện tuyến cuối mặt bệnh rộng, phức tạp và không thể chuyển người bệnh sang cơ sở khác nên không chỉ cấp cứu bệnh nhân tại chỗ, các bác sĩ còn hỗ trợ các trung tâm cấp cứu ở tuyến dưới. Trên điện thoại của bác sĩ Tuấn có tới 35 group sẵn sàng phục vụ cấp cứu với đa dạng các mặt bệnh như ngoại cấp cứu, xét nghiệm, vi sinh, điện quang can thiệp, chẩn đoán hình ảnh, đột quỵ, tim mạch…

Một bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.

BS. Tuấn cũng cho biết thêm, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng mạng lưới 5.000 bác sĩ ở toàn miền Bắc trên một group mạng xã hội. Khi có thông báo quá tải hay còn khả năng tiếp nhận cấp cứu, tuyến dưới sẽ chuyển lên hoặc chờ đến hôm sau. Việc thông báo kịp thời qua kết nối mạng xã hội giúp phân luồng bệnh nhân tốt hơn.

Bệnh viện cũng chuẩn bị các kịch bản cho cấp cứu thảm họa như tai nạn liên hoàn, cháy nổ liên quan đốt vàng mã, pháo. Khi có thảm họa, nhân lực và giường bệnh nhanh chóng được xử lý để đáp ứng tốt nhất cho công tác cấp cứu.

Trước đó, Bệnh viện đều có kế hoạch trực Tết, mỗi tua trực khoảng 30 – 40 người, ngoài ra còn tăng cường từ các khoa khác đến hỗ trợ, học viên, sinh viên… trung bình khoảng 100 người cùng trực. Thậm chí, nhiều tua trực trước phải dự phòng tua sau.

Những góc trang trí Tết trong phòng bệnh để giúp các y bác sĩ cũng như bệnh nhân thấy ấm cúng như ở nhà (ảnh Hùng Ngô)

Chia sẻ về việc đón Tết tại viện ra sao, BS. Tuấn cho hay, lãnh đạo bệnh viện cũng như Trung tâm đã chuẩn bị đủ đầy cho anh em cán bộ nhân viên y tế. Từ các bữa cơm, bánh kẹo, trà nước đến những cây đào, cây quất, những góc trang trí tại các khoa phòng, cố gắng làm sao để các y bác sĩ và bệnh nhân đều cảm thấy được đón Tết như ở nhà.

'Các y bác sĩ đều làm việc với tâm niệm, ai cũng có người thân và khi vào viện cấp cứu thì họ đều lo lắng, mong được bình an. Vì vậy, mọi người đều cố gắng chẩn đoán điều trị cho bệnh nhân nhanh nhất, hy vọng họ được nhanh chóng về ăn Tết với gia đình', bác sĩ Tuấn nói.

Trung tâm Cấp cứu A9 được chia thành các tháp người bệnh, đan xen nhau:

Nhớm 1: Bệnh nhân nặng đã đặt máy thở, bác sĩ nhanh chóng chuẩn bị giường. Hiện, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 40 – 50 ca nặng phải thở máy.

Nhóm 2: Nhóm bệnh nhân có yêu cầu cao về dịch vụ. Y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9 đều phải điều trị cho bệnh nhân không thuộc nhóm cấp cứu tối khẩn cấp đe dọa ngay đến tính mạng nhưng mang lại nhiều lo âu cho người bệnh như: cơn tăng huyết áp, rối loạn tiền đình, đau bụng cấp, chấn thương nhẹ... Nếu chậm trễ dễ làm giảm sự hài lòng, thậm chí có trường hợp còn phản ánh trên mạng xã hội. Giám đốc Trung tâm cấp cứu A9 phải xây dựng các tình huống để nhân viên nâng cao ứng xử làm hài lòng người bệnh.

Bảo Lâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tet-o-trung-tam-cap-cuu-lon-nhat-mien-bac-169240209133545075.htm