'Tết sum vầy - Xuân gắn kết'

'Mọi chủ trương, chính sách đều vì lợi ích của nhân dân', câu nói này của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, luôn mới; là lý tưởng của Đảng ta, được thể chế bằng chính sách và thể hiện bằng nhiều việc làm rất cụ thể.

Thủ tướng tặng quà công nhân, người lao động, người nghèo tại Công ty TNHH Youngone Nam Định, Khu công nghiệp Hòa Xá, TP Nam Định. Ảnh: VGP

Hôm qua - 16/1/2023, khi dự Chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” tại tỉnh Nam Định, điều này một lần nữa được thể hiện. Càng gần đến ngày Tết Nguyên đán, từ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến lãnh đạo chính quyền các cấp xã, phường, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội đều đến thăm, tặng quà, động viên những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những số phận không may mắn trong xã hội.

Tết cổ truyền dân tộc có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần, là dịp để mỗi người con đất Việt nhớ về nguồn cội, tổ tiên, gắn kết, sum vầy. Việc chăm lo Tết mang ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta.

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp, các ngành, địa phương đã hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo; tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người nghèo; tiếp tục xây dựng đội ngũ công nhân vững mạnh, cải thiện điều kiện làm việc; dành nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa, xã hội, giáo dục, công trình phúc lợi, nhà trẻ, trường học, mẫu giáo cho công nhân. Truyền thống nhân văn, đạo lý Việt Nam “lá lành đùm lá rách” luôn được nâng niu, gìn giữ; phát huy giá trị.

Tại Nam Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tiếp tục rà soát, chăm lo chu đáo đời sống, sinh hoạt của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, người yếu thế, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán, để người người, nhà nhà đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Sau hơn 35 năm đổi mới (từ 1986 đến nay), quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.110 USD. Như vậy, GDP Việt Nam đã tăng 100 lần. Thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tuy nhiên, người nghèo, những số phận không may trong xã hội vẫn còn. Hướng đến họ cũng là thể hiện giá trị Việt Nam, giá trị nhân ái Việt Nam.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong Nghị quyết quan trọng này, Chính phủ nêu nhiệm vụ “Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội”. Rõ ràng, đó là một trong những tiêu chí của giá trị Việt Nam.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tet-sum-vay-xuan-gan-ket-post464736.html