Tết, thịt heo dễ trở thành... hàng 'độc'

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ cuối năm 2018 đến nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Sắp đến Tết Nguyên đán 2020, các cơ quan chức năng vẫn đang theo dõi, chưa thể công bố hết dịch.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ cuối năm 2018 đến nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Sắp đến Tết Nguyên đán 2020, các cơ quan chức năng vẫn đang theo dõi, chưa thể công bố hết dịch. Tình hình phát triển sản xuất, chăn nuôi heo tại các địa phương trên cả nước gặp nhiều khó khăn và TP Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Tết năm nay, thịt heo có khả năng trở thành "đặc sản" khi nhu cầu thực phẩm tăng cao.

Các hộ dân ở Hòa Tiến sửa sang lại chuồng trại chờ khi công bố hết dịch bệnh để nhập heo giống về tái tạo đàn heo.

Ông Nguyễn Văn Lý - Trưởng Phòng NN&PTNT H. Hòa Vang cho biết, Hòa Vang là vùng chăn nuôi chính cung cấp nguồn heo, sản phẩm thịt heo cho thị trường Đà Nẵng. Cuối tháng 5-2019, theo thống kê trên địa bàn huyện có 3.431 hộ chăn nuôi heo, với 62.784 con heo. Cũng vào thời điểm này phát hiện xuất hiện ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại thôn Hội Phước, xã Hòa Phú, sau đó bùng phát, lan rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn 11 xã của huyện. Tính đến cuối tháng 11-2019, toàn huyện có 1.862 hộ chăn nuôi có heo nhiễm bệnh thuộc 11 xã, 99 thôn, phải tiêu hủy 14.632 con heo, với trọng lượng 767.745kg, chiếm hơn 23% so tổng đàn lợn toàn huyện. Nhiều địa phương có số hộ chăn nuôi và số lượng heo bị thiệt hại do nhiễm bệnh nặng như: Hòa Khương 634 hộ nuôi, tiêu hủy 5.117 con heo; Hòa Tiến 339 hộ nuôi, tiêu hủy 1.888 con heo; Hòa Phong 354 hộ nuôi, tiêu hủy 2.163 con heo; Hòa Châu 144 hộ nuôi, tiêu hủy 1.263 con heo...

Bên cạnh các hộ dân chăn nuôi heo, còn có một số trang trại, doanh nghiệp nuôi heo tập trung, chủ yếu ở các xã như Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phú với số lượng đàn heo khoảng hơn 26.000 con. Các trang trại, doanh nghiệp này nuôi heo theo quy trình công nghệ cao, trang bị những thiết bị tiên tiến, hiện đại, ngay trước khi có dịch bệnh bùng phát đã xuất thành phẩm hầu hết lượng heo đang nuôi, do vậy số lượng heo thiệt hại do nhiễm bệnh phải tiêu hủy không đáng kể. Tuy nhiên, cho đến nay đã nhiều tháng, do chưa công bố hết dịch nên các trang trại, doanh nghiệp này cũng chưa thể nhập heo giống để tiếp tục chăn nuôi.

Tại xã Hòa Tiến, một trong những vùng trọng điểm chăn nuôi heo tại Hòa Vang, ông Đặng Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có hơn 5.500 hộ dân, nếu so với số lượng heo bị thiệt hại như nêu trên, chỉ có khoảng hơn 10% số hộ dân tham gia nuôi heo, nhưng thiệt hại do dịch bệnh cũng là rất lớn. Số lượng heo còn lại tại địa phương là không nhiều, theo ông Tuấn, chắc cũng chỉ đủ cho bà con ăn tết trong thời gian tới. Sau Tết Nguyên đán số lượng đàn heo sẽ còn rất ít, vì hiện nay chưa thể nhập heo giống, tái tạo lại đàn heo chăn nuôi. Tại xã cũng có 7 trang trại nuôi heo tập trung của các doanh nghiệp đầu tư, nhưng số lượng heo đã xuất bán thành phẩm từ hai tháng trước, hiện nay vẫn chưa thể tái chăn nuôi lại vì chưa công bố hết dịch.

Các trại nuôi heo tập trung ở thôn Nam Sơn, Hòa Tiến vẫn phải đóng cửa, dừng việc sản xuất chăn nuôi khi chưa có công bố hết dịch bệnh.

Ông Nguyễn Phước Sơn - chủ một trang trại nuôi heo ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến lo lắng: "Trang trại của tôi nuôi heo do một doanh nghiệp đầu tư, mỗi lứa trong 5 tháng nuôi từ 700 đến hơn 1.000 con heo. Đã hai tháng nay, không thể nhập được heo giống cho trang trại vì chưa có nguồn heo an toàn và vẫn nằm trong vùng dịch bệnh. Điều này khiến việc phát triển sản xuất chăn nuôi bị ngừng trệ, hàng chục người lao động không có việc làm, nhưng vẫn phải chi trả lương". Cũng theo ông Tuấn, hiện chính quyền xã cũng đang động viên bà con, tích cực sửa sang lại cơ sở hạ tầng chuồng trại, dọn dẹp vệ sinh... để khi ngành chức năng công bố hết dịch bệnh là bắt tay vào chăn nuôi tái tạo lại đàn heo ngay.

Theo Phòng NN&PTNT H. Hòa Vang, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn, nhưng chưa có vaccine tiêm phòng, một số địa phương lúc đầu còn lúng túng trong việc phòng chống dịch và tiêu hủy. Nhận thức của người dân về dịch bệnh còn hạn chế, một số hộ dân còn thái độ phản đối về địa điểm tiêu hủy, dẫn đến việc tiêu hủy heo bệnh kéo dài. Một số chủ hộ chăn nuôi không phối hợp cơ quan chức năng trong quá trình tiêu hủy heo bệnh, có ý "bắt đền, đổ lỗi cho nhà nước"? Công tác huy động các trang thiết bị, phương tiện trong việc tiêu hủy heo bệnh còn thiếu, chậm không đáp ứng kịp thời khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện và ngành chức năng, công tác phòng chống dịch bệnh đã triển khai kịp thời.

Các ngành chức năng thông tin, cho đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ kéo dài làm giảm nguồn cung cấp thịt vào dịp cuối năm. Hiện nay vẫn chưa có nguồn vaccine phòng dịch bệnh, việc tái tạo đàn heo ồ ạt mà phòng dịch không tốt sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế. Khi chưa có công bố hết dịch bệnh trên địa bàn, nghiêm cấm các hộ dân không được tái đàn trong những khu vực không được phép chăn nuôi tại các địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân về công tác phòng chống dịch tả lợn và những thiệt hại do dịch bệnh này gây ra để người dân hiểu biết phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Tuyên truyền cho người dân chăn nuôi bằng các phương pháp kỹ thuật an toàn sinh học.

HỒNG THANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_217064_tet-thit-heo-de-tro-thanh-hang-doc-.aspx