Tết trên phố cổ - dòng chảy còn mãi

Đến hẹn lại lên, sau ba năm đại dịch COVID-19, 'Tết Việt - Tết phố 2023' là chuỗi các sự kiện văn hóa tái hiện màu sắc Tết phong phú từ hàng ngàn năm trước đã trở lại! Tại Di tích đình Kim Ngân (Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) đã diễn ra lễ cáo yết Thành Hoàng, cúng Tổ nghề và dựng cây nêu đón Tết…

Tái hiện Tết xưa trên phố cổ Hà Nội. (Ảnh TTXVN)

Những nghi thức ấm áp trong lòng phố

“Tết Việt - Tết phố 2023” là sự kiện do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức, nhằm thúc đẩy sự quan tâm của giới trẻ đến những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng về một “lễ hội” lành mạnh, tiết kiệm, giàu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cùng các nhà nghiên cứu văn hóa tổ chức phỏng dựng các nghi lễ truyền thống như: Đoàn rước dâng lễ cửa Đình, lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng Tổ nghề, lễ dựng cây nêu… Đoàn rước xuất phát từ Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây đi qua phố Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng, Hàng Chiếu, Hàng Giầy, đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm, phố Tạ Hiện, rạp Chuông Vàng về phố Hàng Bạc và dừng tại đình Kim Ngân. Tất cả tạo nên một không khí hân hoan, chộn rộn những ngày Tết đến, xuân về. Bên cạnh các hoạt động phỏng dựng nghi thức lễ tết cổ truyền, tại đình Kim Ngân còn có nhiều hoạt động tái hiện không khí Tết xưa, như: Trang trí không gian Tết, giới thiệu con giáp của năm Quý Mão, ông đồ viết thư pháp, biểu diễn nghệ thuật “Giao lưu diễn xướng âm nhạc truyền thống các vùng miền”, giới thiệu các dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ…

Cùng với Di tích đình Kim Ngân, tại nhiều điểm đến di sản, giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội cũng có nhiều chương trình, sự kiện văn hóa. Đó là, không gian sắp đặt và giới thiệu hoạt động đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa, với việc tổ chức gói bánh chưng; lễ cúng ông Công, ông Táo và ngày Tất niên; “thú” gọt, tỉa và chơi hoa thủy tiên... tại Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây).

Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) trưng bày triển lãm tranh chủ đề “Mèo” của nhóm các họa sĩ Hà Nội; giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử Bạc Liêu; cũng như giới thiệu di sản âm nhạc Bắc Bộ “Chuyện nhạc đồng bằng” của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc.

Tại phố bích họa Phùng Hưng có không gian chợ xuân giới thiệu các sản phẩm truyền thống, như: Tranh dân gian, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he, các mặt hàng phục vụ ngày Tết và trình diễn, giao lưu một số loại hình âm nhạc truyền thống gồm hát xẩm, múa xòe Thái, đờn ca tài tử vào những ngày cuối tuần…

Họa sỹ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt chia sẻ: Những nghi lễ tái hiện Tết không phải nguyên vẹn như xưa nhưng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa từ ngàn năm trước. Ví dụ cây nêu năm nay có 5 con cá truyền tải gửi gắm tài hoa của các bạn trẻ... Cây nêu phải là tre đẹp, tre còn xanh tươi. Các đồ làm nêu không tự nhiên đi mua mà có. Phải chọn con cá to hơn ở gia đình. Tết Việt là quá khứ, hiện tại và tương lai, nên từng năm cây nêu đều có nhân tố mới. Hà Nội là nơi tinh hoa văn hóa vùng miền hòa nhập. Bản thân người Việt giản dị trong nghi lễ, trang phục. Do đó, phải làm sao tổ chức các nghi lễ trang nghiêm và giản dị. Ngày xưa đây là hoạt động trong dòng họ, mỗi gia đình sẽ rước lễ mâm hoa qua, oản ra báo cáo tại đình. Và nét đặc trưng riêng có của người Hà Nội là tỉa hoa thủy tiên ngày Tết…

Và những câu chuyện được “kể” bằng cổ nhạc

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tết Việt - Tết phố 2023” cũng như các hoạt động văn hóa khác trong khu phố cổ Hà Nội đã kết nối với các đơn vị, cá nhân, để phần lớn các hoạt động sẽ do cộng đồng chung tay thực hiện. Chương trình năm nay có sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ từ khắp các vùng miền của đất nước, hứa hẹn giới thiệu tới công chúng nhiều giá trị di sản tiêu biểu. Đây đồng thời là cơ hội tốt để giao lưu, quảng bá các giá trị lịch sử, văn hóa nhằm thu hút du lịch của các địa phương.

Trong dịp này, Chương trình Chuyện nhạc phố cổ đã diễn ra với chủ đề “Chuyện nhạc đồng bằng”. Chuyện nhạc phố cổ là chương trình ca - nhạc - kịch truyền thống Việt Nam được dàn dựng và thể hiện bởi các thầy nghề mẫu mực trong làng nhạc cổ truyền Việt Nam. Chương trình giới thiệu những tinh hoa cổ nhạc Việt Nam trong một không gian đặc trưng của phố cổ Hà Nội. Đây cũng là chương trình nghệ thuật hoàn toàn hát và đàn trực tiếp, không có sự can thiệp của micro và thiết bị tăng âm điện tử.

Đồng bằng Bắc Bộ là nôi sinh, nôi dưỡng, chốn lưu giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa của văn hóa Việt truyền thống. Chính vì thế, trong lần trở lại này, chương trình đã mang những âm thanh, giai điệu truyền thống của vùng Đồng bằng Bắc Bộ đến với khán giả Thủ đô nhằm mục đích quảng bá tới du khách trong và ngoài nước những di sản văn hóa âm nhạc quý báu của Việt Nam.

Ngoài ra, chuyện nhạc đồng bằng được tổ chức nằm trong chương trình Chuyện nhạc phố cổ tất niên năm Nhâm Dần, chào mừng xuân mới Quý Mão năm 2023. Đặc biệt, tại chương trình còn có khách mời danh dự đại lão ca nương Nguyễn Thị Khướu đã giới thiệu những tinh túy của ca nhạc cổ truyền Bắc Bộ qua lời ca, tiếng hát và điệu múa của nhiều bộ môn nghệ thuật đã được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như Ca trù, Chầu văn...

Ông Đàm Quang Minh, người sáng lập nhóm nhạc Đông Kinh cổ nhạc cho biết: “Đối với tôi, chương trình Chuyên nhạc phố cổ là một khung di sản về âm nhạc, những gì đã tồn tại trong lịch sử ngàn năm của Thủ đô. Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ là một địa điểm rất đặc biệt, chỉ ở đây mới nghe được âm nhạc truyền thống không bị hiện đại hóa mà tôn trọng tối đa sự mộc mạc, giản dị, bảo đảm âm thanh chân thực nên chúng tôi cố gắng tổ chức chương trình này để phục dựng nguyên bản nhất có thể vốn âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Chương trình như là một bảo tàng sống về các thanh âm Việt cổ nên tôi hi vọng thông qua chương trình, khán giả, đặc biệt các bạn trẻ có thể cảm nhận được một cách chân thật nhất những vẻ đẹp của nhạc Việt truyền thống”.

Chuyện nhạc phố cổ là những câu chuyện được kể, được phục dựng bằng cổ nhạc qua những câu chuyện đời, những cảm xúc thăng hoa bởi những con người tâm huyết với cổ nhạc. Các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn truyền thống được thể hiện bởi các nghệ sĩ, nghệ nhân hàng đầu của từng thể loại như: NSND Thanh Hoài, NSND Xuân Hoạch, NSND Mẫn Thu, NSND Mạnh Phóng, NSND Minh Gái, NSƯT Thúy Ngần, NSƯT Kiều Oanh, NSƯT Kim Liên, NSƯT Trí Khánh, NS Hữu Đạt, NS Hải Đăng… Các nghệ sĩ mong muốn mang đến cho khán giả những trải nghiệm nguyên bản và gần gũi nhất về nhạc cổ Việt Nam.

Ông Yves Defrance người Pháp, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc bày tỏ: “Tôi rất yêu thể loại nhạc này, việc gìn giữ thể loại âm nhạc này rất quan trọng, không chỉ đơn giản là ghi âm lại mà ta còn phải luyện tập, phải biểu diễn. Và những nghệ sĩ trẻ đã hát rất tốt, biểu diễn đầy tự tin trên sân khấu và đặc biệt khán giả trẻ tuổi, họ đều có tâm trạng rất tuyệt vời khi thưởng thức âm nhạc. Tôi nghĩ đó là một dấu hiệu tốt cho tương lai của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống”.

Còn bạn trẻ Nguyễn Hoàng Hiệp (Hà Nội) cho hay, Hiệp đến chương trình Chuyện nhạc phố cổ rất nhiều lần nhưng mỗi lần đến đều có những cảm xúc khác nhau, đều bồi hồi và xúc động như lần đầu tiên được xem. Chương trình này hội tụ được rất nhiều gương mặt kinh điển mà không phải chương trình nào cũng có thể làm được nên khi được xem những người nghệ sĩ gạo cội biểu diễn trực tiếp mọi người sẽ có những cảm nhận chân thật nhất về âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Yêu mến và trân trọng nên Hiệp luôn có niềm tin với những dòng âm nhạc truyền thống sẽ còn sống mãi trong lòng khán giả Việt.

Qua lời ca, tiếng hát, giai điệu, tiết tấu của các loại hình âm nhạc cổ, “Chuyện nhạc đồng bằng” dường như đưa mọi người cùng hòa mình vào cuộc viễn du trong quá khứ ngàn năm văn hiến của nhạc Việt, Đồng thời đem lại những xúc cảm về nét đẹp của văn hóa âm nhạc truyền thống Việt Nam. Mỗi người thêm yêu bản quán, cội nguồn của mình không chỉ trong những ngày Tết sum họp, đoàn viên…

Chung tay bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, Tết Nguyên đán là thời khắc quan trọng nhất trong năm, là khi mỗi gia đình người Việt có thời gian trở về quây quần bên nhau và chuẩn bị đón mừng năm mới. Chuỗi chương trình nhằm thúc đẩy sự quan tâm của người dân cũng như giới trẻ đến những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông; nâng cao ý thức của cộng đồng về một “lễ hội” lành mạnh, tiết kiệm, giàu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời đây cũng là cơ hội tốt để quảng bá lịch sử, văn hóa, du lịch của Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung tới du khách trong nước và quốc tế.

Trải qua ba năm đại dịch COVID-19, nhân đón Tết Nguyên đán Quý Mão, “Tết Việt - Tết phố 2023” mở rộng sự tham gia của cộng đồng hơn nữa, tạo cơ hội để người Việt khắp đất nước cũng như kiều bào ở xa Tổ quốc cùng hướng về cội nguồn, gắn kết với nhau, cùng chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc vùng miền và chung tay tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Chuỗi hoạt động văn hóa “Tết Việt - Tết phố 2023” diễn ra đến hết ngày 28/1, riêng hoạt động tại không gian Bích họa phố Phùng Hưng diễn ra đến hết ngày 20/1.

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tet-tren-pho-co-dong-chay-con-mai-post464681.html