Tết trong suy nghĩ và cảm xúc của nữ sinh Học viện Ngoại giao

Phỏng vấn nhanh chia sẻ về đón Tết của Thu Trang hay còn được mọi người biết đến với cái tên thân mật Chang Chang, đại diện của thế hệ gen Z. Cô là Á hậu 1 Miss Earth Việt Nam 2023 và đang là sinh viên năm 2, Học viện Ngoại giao.

Thu Trang là Á hậu 1 Miss Earth Việt Nam 2023.

Điều gì chỉ có ở Tết xưa (hoặc nay vẫn có nhưng không còn đậm chất như trước) khiến bạn hoài niệm nhất?

Mình là một đại diện của thế hệ gen Z, chúng mình có cơ hội được trưởng thành trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự mới mẻ và tân tiến trên mọi lĩnh vực của đời sống là một trong những cơ hội to lớn mà chúng mình được thừa hưởng để tiếp cận và nỗ lực phát huy. Song, khi đã có được những may mắn đó, cá nhân mình khi nhìn lại hành trình thời gian, mình có chút luyến tiếc với những giá trị son sắc của những phong tục truyền thống được thể hiện rõ nét thông qua dịp Lễ Tết.

Đối với nhà mình, đã xa lắm rồi cái thời mà cả đại gia đình gồm bố mẹ cùng các bác, các cô chú sẽ về quê thăm ông bà vào ngày 28 Tết, các anh chị em trong nhà háo hức phụ ông bà gói bánh chưng rồi thay nhau nhóm bếp củi nấu bánh. Có thể nói, bếp củi là tuổi thơ, là vùng kí ức đẹp nhất của mình. Còn bây giờ, vì công việc và lịch trình của mọi người trong nhà đã có nhiều thay đổi nên sự sum vầy đôi khi cũng không còn trọn vẹn, mâm cỗ Tết cũng dần được thay thế bằng những “click order”.

Cô đang là sinh viên năm 2, Học viện Ngoại giao.

Chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ của bạn về những mùa Tết cũ?

Kỷ niệm mùa Tết cũ vừa đáng nhớ, vừa đáng yêu của mình cũng gắn liền với bếp lửa. Hôm đó, mình cũng được ông bà tín nhiệm giao nhiệm vụ canh nồi bánh chưng. Vì đây là công việc yêu thích của mình nên mình rất nhiệt huyết, mình vô cùng cẩn thận để than không vạc lửa nhưng lại vô tình quên mất bản thân. Chiếc áo phao mẹ mới mua, mình đang mặc đã bén lửa và bốc cháy. Mặc dù mình không gặp nguy hiểm nhưng mình đã khóc rất nhiều vì tiếc chiếc áo mới và biết Tết năm nay mình phải mặc lại bộ đồ cũ rồi.

Với cô, kỷ niệm mùa Tết cũ vừa đáng nhớ, vừa đáng yêu của mình cũng gắn liền với bếp lửa.

Ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền và những phong tục truyền thống tốt đẹp từ góc nhìn của bạn?

Đi tảo mộ; gói bánh chưng, bánh Tét; đi chợ hoa; bày mâm ngũ quả; làm lễ cúng tổ tiên; khai bút hay đi chùa hái lộc đầu năm;… đều là những hình ảnh đẹp mang đậm nét văn hóa trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Mọi hoạt động đều có mục đích gắn kết các thành viên trong gia đình, dạy cho con người hiểu về giá trị của cội nguồn; trân trọng những gì mình đang có và hướng đến cái đẹp, cái thiện. Mình thấy hiện nay nhiều bậc phụ huynh cũng rất quan ngại khi các bạn nhỏ đã không còn nhiều cơ hội được trải nghiệm những hoạt động này nữa. Vậy nên những ngày cận Tết, tại các công viên, viện bảo tàng hay các quảng trường đều có những bạn tình nguyện viên tổ chức và mở cửa đón khách đến với các chương trình Tết cùng các trò chơi dân gian với hy vọng những phong tục, truyền thống tốt đẹp đó sẽ không bị trôi tuột theo thời gian.

Là người trẻ, bạn cảm thấy mình có trách nhiệm như thế nào?

Mình có một điều luôn nhắc nhớ bản thân là phải trở về nhà và đón giao thừa cùng gia đình. Cái khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mình muốn ở bên những người thân yêu và dành thời gian cho họ. Vì mình nghĩ, cả năm bộn bề công việc, mình đã không có nhiều thời gian dành cho gia đình nên mình sẵn sàng từ bỏ công việc để về nhà vào dịp Tết. Mình cũng thường hay tâm sự với các em về những điều thú vị của Tết xưa hay là cố gắng gìn giữ phong tục hái lộc đầu năm vào ngày mùng 2 Tết của gia đình. Mình cảm thấy thế hệ của mình là thế hệ của sự tiếp nối, mình được trải qua Tết xưa và đang sống cùng Tết nay, nếu mỗi cá nhân chúng mình không hiểu rõ và không lan tỏa để gìn giữ những nếp đẹp của truyền thống dân tộc thì sự mai một sẽ tất nhiên xảy ra.

Cô luôn nhắc nhớ bản thân là phải trở về nhà và đón giao thừa cùng gia đình.

Dưới góc độ người trẻ, theo bạn Tết nay có gì khác/mới/đặc biệt?

Mặc dù cá nhân là một người trẻ nhưng mình luôn nâng niu những hình ảnh ngọc ngà của một thời vang bóng. Tết nay, mình thấy nhiều bạn trẻ nghĩ “đó cũng chỉ là một ngày bình thường” mà không về nhà. Nhưng có đi xa mới thấy, nhà là nơi để về, có bố mẹ và những ấm áp thân thương luôn mong ngóng mình quay trở về. Bằng giá nào, hy vọng ngày Tết bạn cũng có thể đoàn viên cùng gia đình.

Ngoài các hoạt động truyền thống, bạn thường làm gì vào dịp Tết?

Trước đêm giao thừa hằng năm, mình thường viết thư cho bản thân. Bức thư này là sự kết hợp giữa bản tự kiểm điểm và mục tiêu của năm mới. Mình sẽ thẳng thắn đánh giá những điều mà bản thân đã làm được hoặc chưa làm tốt trong năm cũ và gửi gắm những hy vọng cho năm tiếp theo.

Liệu Tết có thực sự đang bị “nhạt” hay “mất vui” như nhiều người thường nói?

Mình nghĩ cái cảm giác “nhạt” hay “mất vui” mà mọi người đang cảm thấy cũng là một tín hiệu đáng mừng cho thấy chúng ta đã nhận ra một vài điểm chưa phù hợp với thực tế cuộc sống ngày nay của những phong tục truyền thống. Nhưng sự sum vầy của gia đình; nụ cười hạnh phúc của ông bà, bố mẹ; sự háo hức, vui tươi của con trẻ là những giá trị tinh thần cốt lõi mà ta cần nỗ lực vun đắp.

(Ảnh: NVCC)

Tú Chân (Thực hiện)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tet-trong-suy-nghi-va-cam-xuc-cua-nu-sinh-hoc-vien-ngoai-giao-post1611762.tpo